Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Bảy, ngày 07/09/2024.
****************************
PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP
BÀI 18
Bài học hôm qua, Hòa Thượng nói, trong “Kinh Hoa Nghiêm” có nói Thiện Tài Đồng Tử đi về hướng Nam, việc này có nghĩa là Thiện Tài Đồng Tử hướng về bậc thiện tri thức để học hỏi. Điều quan trọng nhất trong cuộc đời này là chúng ta có thể gần gũi thiện hữu tri thức, chúng ta sống không phiền não và tự tại ra đi. Trong “Đệ Tử Quy” dạy chúng ta: “Gần người hiền tốt vô hạn. Đức tiến dần lỗi ngày giảm”. Bài học hôm qua, Hòa Thượng cũng nói: “Thiện tri thức là người có phước báu nên nơi họ ở cũng gọi là phước thành, cho nên nam phương hay phước thành là chỉ khu vực nào đó, do đó chúng ta chỉ cần chân thành, cung kính cúng dường, lễ kính Phật Bồ Tát thì liền có thể tiêu tai, miễn nạn”.
Trong cuộc sống, chúng ta thường xem nhẹ việc quan trọng, trong khi đó, chúng ta rất xem trọng những việc cơm ăn, nhà ở, áo mặc. Khi Hòa Thượng ở Mỹ, Hòa Thượng nhìn thấy, những người có mức thu nhập khoảng 1000 đô-la thì sẽ ở khu vực dành cho những người cũng có thu nhập như vậy; khi họ được lương tăng lên 3000 đô-la hay 6000 đô-la thì họ sẽ chuyển đến các khu vực dành cho người có mức thu nhập tương ứng. Chúng ta có thu nhập cao đến đâu thì buổi tối, chúng ta cũng chỉ nằm trên chiếc giường rộng khoảng 2 mét.
Hôm trước, tôi ghé thăm một người bạn cũ, tôi nói với họ một chút về hướng nhà, họ nói, tôi nói giống như là một Thầy Địa lý. Phong thủy là “Cảnh tùy tâm chuyển” hay “Y báo tùy theo chánh báo mà chuyển”. “Y báo” là hoàn cảnh xung quanh chúng ta. “Chánh báo” là nội tâm chúng ta. Nội tâm chúng ta thanh tịnh, an lạc thì hoàn cảnh cũng sẽ thanh tịnh, an lạc. Chúng ta sẽ dần dần có cảm thụ sâu sắc về những việc này, chúng ta có cảm thụ thì tín tâm chúng ta sẽ tăng, chúng ta sẽ làm mọi việc một cách mạnh mẽ hơn.
Con người thường không có sự tự chủ trong nội tâm nên họ luôn ỷ lại, nương nhờ vào thế lực bên ngoài. Chúng ta ỷ lại, nương nhờ thì chúng ta không thể tự tại, an vui. Chúng ta có thể tự sắp xếp vận mạng trong đời hiện tại, và trong đời tương lai của chúng ta. Hiện tại, tôi luôn có rau sạch để ăn, trong vườn rau, các loại cây đều phát triển rất tốt. Chúng ta có thể tự định đặt cho cuộc đời của mình.
Hòa Thượng từng nói: “Chúng ta muốn vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc” thì chúng ta phải niệm Phật đúng tiêu chuẩn. Chúng ta niệm Phật đúng tiêu chuẩn thì Phật A Di Đà là chúng ta, chúng ta là Phật A Di Đà”. Khi chúng ta niệm Phật đúng tiêu chuẩn thì chúng ta muốn đi lúc nào cũng được, chúng ta ở thêm vài năm cũng không có chướng ngại. Chúng ta phải rõ ràng tường tận trong mọi sự, mọi việc, chúng ta mơ mơ hồ hồ thì chúng ta sẽ đi về thế giới mơ mơ hồ hồ.
Cuộc đời chúng ta giống như một hành trình, chúng ta phải sắp đặt những việc cần làm, nếu còn thời gian thì chúng ta làm những việc lợi ích chúng sanh. Tôi sắp xếp hành trình của mình rất rõ ràng, chưa bao giờ tôi bị trễ hẹn với mọi người. Hôm trước, tôi di chuyển từ thành phố Hồ Chí Minh về Đà Lạt, tôi hẹn với mọi người ở nhà là 11h00’ tôi sẽ về đến nhà để mọi người đừng đóng cửa, đúng 10h30’ tôi đã về đến nhà. Khi tôi đến tham dự lễ khai giảng ở thành phố Hồ Chí Minh, mặc dù phải di chuyển quãng đường xa nhưng tôi luôn ở trong tư thế sẵn sàng, một giờ chiều tôi đã phải xuống nói chuyện với các cô gái. Chúng ta phải sắp xếp mọi sự mọi việc một cách rõ ràng và thực hiện mọi việc một cách dũng mãnh. Nếu chúng ta quen rề rà trong việc nhỏ thì chúng ta cũng sẽ rề rà đối với việc sinh tử. Chúng ta phải xác định những việc quan trọng nhất để chúng ta nỗ lực. Chúng ta thường nỗ lực để thực hiện những việc để thỏa mãn tham cầu, nhưng những việc giúp chúng ta vượt thoát sinh tử thì chúng ta rề rà. Đây là đại bệnh của mỗi chúng ta.
Có người lo lắng hỏi Hòa Thượng rằng: “Mọi người cộng tu niệm danh hiệu sáu chữ, tâm địa thanh tịnh nhưng con không thể hoàn thành định khoá vậy thì phải nên làm sao?”.
Hòa Thượng nói: “Trong khoá trình cộng tu, nếu thời gian cộng tu dài thì chúng ta không cần phải theo đủ”. Khi tôi ở Cư sĩ Lâm ở Singapore, buổi sáng, mọi người niệm Phật từ 7h30’ đến 11h30’, sau đó buổi trưa mọi người xuống ăn cơm, sau đó, buổi chiều mọi người tiếp tục lên niệm Phật. Buổi chiều, khoảng từ 3 giờ đến 5 giờ, mọi người đến niệm Phật, kinh hành, lễ Phật, tọa thiền rất đông. Trong đạo tràng ở Singapore có các khu riêng để mọi người niệm Phật, tĩnh tọa hay lễ Phật. Có thể, trong thời gian Hòa Thượng ở cư sĩ Lâm, mọi người niệm Phật 24 giờ không gián đoạn, khi tôi đến đó, mọi người chỉ để niệm Phật vào buổi sáng và buổi chiều. Chúng ta tuỳ theo thời gian, sức khỏe mà tham dự khoá trình cộng tu, nếu chúng ta không tham dự đủ thì chúng ta cũng không cần phải ưu tư.