

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Ba, ngày 25/02/2025.
--------------------------------------------
PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP
BÀI 187
Học Phật pháp chân thật có thể mang lại hạnh phúc và an vui, tuy nhiên, chúng ta học lâu đến vậy rồi có cảm thấy hạnh phúc không? Hạnh phúc là sáng sớm thức dậy nở một nụ cười nhưng chúng ta lại khó để cười, luôn cảm thấy bức bách. Bức bách vì cá nhân học Phật nhưng lại không được người thân trong gia đình, đặc biệt là Cha Mẹ ủng hộ.
Trong tình huống này, Hòa Thượng chỉ dạy chúng ta phải xem lại cách thức tu học, đối nhân xử thế của mình có hợp tình hợp lí, có như lí như pháp hay không? Việc tu học nhất định phải có trình tự để bản thân mình và những người xung quanh theo kịp.
Trước đây, tôi từng tổ chức những bữa nhậu linh đình trong nhà nhưng chỉ một thời gian tôi nhận ra rằng đây không phải là cuộc sống của tôi. May mắn thay, tôi đã gặp được những đĩa giảng pháp của Hòa Thượng và tôi đã quyết định ăn chay. Mọi người trong nhà không tin vì cách đó ít hôm tôi còn nướng một con cá, to đến mức, không thể lôi ra khỏi chiếc lò. Vậy mà bây giờ tôi nói tôi ăn chay thì ai cũng ngạc nhiên. Tháng đầu tiên, tôi toàn ăn xôi vì lúc ấy chưa biết nấu đồ chay. Dần dần mọi người nấu đồ chay cho tôi rồi cả nhà ăn chay luôn.
Tình cờ sáng này tôi được xem lại những bài chia sẻ của mình về Phép Tắc Người Con được đưa lên mạng năm 2017. Thực ra, những bài chia sẻ này đã có từ rất lâu, trước khi Đức Trí - ngôi trường đầu tiên của Hệ Thống Khai Minh Đức được thành lập. Lúc ấy, tôi đã nhận thấy tầm quan trọng của việc giáo dục gia đình, giáo dục hiếu đạo. Do đó, cuối mỗi bài dạy chữ Hán “Nhi đồng học Phật”, tôi dành chút thời gian để chia sẻ tâm huyết về chuẩn mực, phép tắc người làm con mà không soạn bài trước. Đến nay, Hệ thống đã có 20 ngôi trường ra đời, ngoài việc áp dụng chương trình khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo còn ứng dụng Văn hóa Truyền thống, lấy Phép Tắc Người Con làm gốc trong quá trình chăm sóc và giáo dục trẻ. Quãng thời gian hơn 10 năm ấy cho chúng ta thấy rằng song song với hành trình cuộc đời là những công việc mà chúng ta muốn làm. Để thu hái được kết quả từ những công việc ấy, chúng ta không thể dùng một chút thời gian ngắn ngủi mà phải trải qua một khoảng thời gian khá dài.
Cho nên, hãy nỗ lực, thành tâm thành ý làm những việc tốt đẹp mà mình đang làm để rồi, lâu ngày chày tháng, chúng ta có thể chuyển đổi được hoàn cảnh, chuyển đổi được những người xung quanh. Muốn người khác tiếp nhận, chúng ta cần thời gian dài để lấy niềm tin của họ, để đảm bảo rằng chúng ta không gây nên tác dụng phụ. Thời xưa, từng có những người khi đã thành người thiên cổ mới được người khác thừa nhận.
Hòa Thượng nói rằng thân tướng của người học Phật là một cái bao bì và bao bì đẹp sẽ bắt mắt tức là thân thể khỏe mạnh, an vui, tự tại, hoạt bát, trang trọng sẽ khiến người khác nhìn vào sanh tâm kính trọng. Thân tướng của người học Phật muốn đẹp phải lưu lộ từ tâm chân thành, thanh tịnh, từ bi. Mọi thứ bên ngoài cũng làm đẹp thân tướng nhưng chỉ nhất thời, không bền vững.
Câu hỏi đầu tiên trong bài học hôm nay, có người hỏi Hòa Thượng rằng: “Kính bạch Hòa Thượng, con có thể lấy thời khóa tụng sáng tối làm thành thời khóa tu Phật thất được không ạ?”
Hòa Thượng trả lời: “Phật thất có nghi quy nhất định, đều do Tổ sư đại đức chế định, hiệu quả rất thù thắng. Còn thời khóa sớm tối thì nếu có đồng tu đạo hữu cùng nhau tu 7 ngày cũng được nhưng không phải là Phật thất.”
Chúng ta tu Phật thất tức là 7 ngày chuyên tụng Kinh niệm Phật tại một địa điểm, không đi lại, thậm chí không dùng điện thoại. Phật thất thì phải theo nghi quy của Tổ sư đại đức. Phật thất có niệm Phật Kinh hành, tĩnh tọa niệm Phật, lạy Phật niệm Phật, và có giảng Kinh nói pháp.
Trước đây lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam đã từng tổ chức tu Phật thất 7 ngày. Có lần, có người đến đạo tràng đả thất thì họ bị phát cuồng, bị Ma dựa, do đó, Ngài không tổ chức đạo tràng niệm Phật miên mật mà có kèm niệm Phật với giảng Kinh nói pháp để hành giả giải ngộ, rõ lí tránh trường hợp bị hôn trầm hay tẩu hỏa nhập Ma.
Câu hỏi thứ hai của một anh tài xế chuyên chở hàng như sau: “Kính bạch Hòa Thượng, buổi tối con lái xe trên đường cao tốc, con gặp rất nhiều những con ếch nhảy lên đường và bị xe tải to nghiền nát. Số lượng này nhiều vô số nhưng vì sinh kế nên vẫn phải lái xe trên đường. Trong lòng con cảm thấy ái ngại vì đã tạo nhiều nghiệp sát, trong tâm rất khó chịu. Con đã vì chúng mà niệm Phật hồi hướng. Xin Ngài cho con hỏi con phải làm thế nào để bổ cứu, để tránh việc này?”
Hòa Thượng trả lời: “Đích thực là một sát nghiệp rất nghiêm trọng, những chú ếch này ban đêm ở trên đường cao tốc, số lượng của chúng nhiều đến vô số. Phật pháp gọi là cộng nghiệp. Nếu là tài xế học Phật thì phải tìm cách mà tránh. Đối với chúng sanh đều tận lực tránh, đừng giết hại chúng.”
Chúng sanh có sinh mạng nên đều ham sống sợ chết. Muốn tránh nghiệp sát này chỉ còn cách đổi nghề khác. Nghề nhà giáo là nghề ngày ngày tích công bồi đức. Chúng ta phải dụng tâm từ bi. Hoặc khi chúng ta làm vườn, cuốc đất, thấy con giun thì phải ngừng lại cứu giúp chúng hay thấy tổ kiến thì chờ đến hôm sau làm tiếp. Lúc trồng rau thì bắt sâu, bắt bọ thả ra ngoài. Chúng ta có thể để thức ăn, chuối, khoai, bánh cho kiến, cho sóc, cho các con vật ăn.
Chúng ta không giết hại chúng mà dùng thiện tâm, tâm lân mẫn yêu thương đối với chúng sanh thì dường như chúng hiểu ý mà không đến quấy phá. Hòa Thượng dạy rằng chúng không đáng phải chết, chúng chỉ đi tìm thức ăn, ăn no thì thôi, chúng cũng chẳng có túi để lấy thêm thức ăn cho ngày mai. Khi Tổ Ấn Quang về nơi ở mới thì nơi đó có rất nhiều côn trùng, bọ. Ngài không cho phép thị giả làm công tác dọn dẹp, tuy nhiên, chỉ sau một thời gian, nơi Ngài ở không còn con vật nào đến quấy nhiễu. Chúng không muốn làm phiền người có đức hạnh.
Tôi cũng từng nghe một sư bà cung kính kể về Thầy của mình là một vị cư sĩ. Thầy thường nằm trên một miếng ván, khi nhấc miếng ván lên có rất nhiều rết, bọ cạp, côn trùng ở phía dưới. Ngài có thể ở chung với những loài vật này một cách an toàn, hòa bình.
Còn chúng ta, chúng ta chưa có tâm yêu thương, vẫn còn tâm sát hại chúng sanh nên chưa nghĩ ra cách để tránh những loài côn trùng này. Muôn loài đều rất đáng yêu! Chúng cũng cần tìm một trốn cư trú an ổn vì chúng cũng sợ các loài khác ăn thịt. Chúng ta là người học Phật thì phải nghĩ ra cách để tránh việc trực tiếp sát hại chúng sanh.
Câu hỏi thứ hai: “Kính bạch Hòa Thượng, chúng ta phát tâm phóng sanh nhưng có người nói rằng nếu càng phóng sanh thì người bắt cá sẽ càng nhiều. Đây chẳng phải là giúp cho họ tăng thêm lòng tham hay sao? Chẳng phải là đang giúp họ tạo thêm tội nghiệp hay sao? Nghe họ nói như vậy, con cảm thấy rất mơ hồ nhưng nếu không làm việc cứu giúp chúng sanh thì tâm không an. Tuy nhiên, khi đi phóng sanh lại cảm thấy bản thân đang tiếp tay cho người bắt cá. Xin Ngài cho con hỏi là con phải làm thế nào cho đúng?”
Hòa Thượng trả lời: “Phóng sanh là sự việc tốt, thế nhưng từ bi phải có trí tuệ, nhất định không dùng cảm tình mà làm. Phật dạy chúng ta phóng sanh là khi bình thường, chúng ta ra chợ, nhìn thấy động vật còn sống và quán sát thấy hoàn cảnh của chúng có thể sống được sau khi thả thì chúng ta sẽ phóng sanh chúng.”
Đạo lí phóng sanh là để cứu cấp các chúng sanh thoát khỏi lưỡi hái tử thần, tùy duyên gặp là cứu, không hẹn trước. Chúng ta không nên thả những con vật ra môi trường không phù hợp với đời sống của chúng. Ví dụ thả những con vật vốn dĩ sống trên núi, sống ở biển ra sông hay nơi đô thị thì chúng sẽ không thể sống được. Chúng ta tư duy kỹ về đạo lí phóng sanh, làm sao để có thể chân thật cứu được chúng, nhất định không tổ chức mua cố định ở một nơi, hoặc thả cố định ở một địa điểm. Làm như vậy, khiến người khác có thể đoán định, mà bắt các con vật trở lại.
Có nhiều người phóng sanh nhưng lại không có trí tuệ. Họ thả cá nuôi trong hồ ra sông nên cá dạt vào hai bên bờ, rất khó sống. Họ còn tổ chức phóng sanh rùm beng nên người dân chài biết chuyện, liền chuẩn bị sẵn mọi thiết bị lưới điện, chích điện bắt cá dạt hai bên bờ sông.
Câu hỏi thứ ba: “Đệ tử con gần đây có bệnh, hoài nghi trong cơ thể có tế bào ung thư. Bác sĩ muốn con phải sinh thiết kiểm tra. Pháp sư thường nói rằng có một số bệnh do đời quá khứ đến ngày nay, thuốc thang không cách gì chữa khỏi, cho nên, ngày ngày con bắt đầu hồi hướng, sám hối. Tuy nhiên, gần đây, bệnh của con càng nặng hơn. Con xin hỏi, còn phải làm thế nào?”
Một nghiệp lực lớn như thế này đòi hỏi chúng ta phải chân thật phát tâm dũng mãnh, phát đại nguyện mới có thể chuyển được nghiệp. Chúng ta làm không mạnh mẽ, tà tà làm, thì không thể sám hối được. Chúng ta phải thay đổi đời sống thực tại của mình thì nghiệp lực cũng sẽ thay đổi. Trước đây chúng ta “tự tư tự lợi” thì nay hoàn toàn là hi sinh phụng hiến. Chúng ta phải làm một cách mạnh mẽ mới chuyển đổi được. Chúng ta chuyển nghiệp lực thành nguyện lực.
Hòa Thượng trả lời: “Chỉ cần chúng ta phát tâm đem nghiệp lực chuyển biến thành nguyện lực thì sự việc này nhất định sẽ được giải quyết. Khi bác sĩ báo cư sĩ Lý Mộc Nguyên rằng bệnh ông chỉ còn ba tháng và chính ông cũng biết rõ ràng. Ông cũng cảm nhận được như lời bác sĩ nói. Thế là ông vạn duyên buông bỏ, giao hết công việc làm ăn buôn bán gia đình cho người nhà. Thậm chí thẻ ngân hàng cũng giao luôn.
“Ông đến cư sĩ Lâm niệm Phật tại niệm Phật đường chờ chết. Từ đó ông không đi thăm khám bác sĩ, cũng không uống thuốc. Về sau, ông dần dần cảm thấy tốt hơn nên đi kiểm tra sức khỏe, lúc này, tế bào ung thư không còn nữa. Đây chính là không đem bệnh để trong tâm, mỗi ngày nhất tâm niệm Phật, phát nguyện toàn tâm toàn lực vì Phật pháp, vì chúng sanh. Cho nên bệnh liền khỏi.
“Tôi thường nói vói mọi người, ung thư không có gì đáng sợ và ung thư không làm chết người. Người chết vì ung thư đa phần do bị ung thư dọa mà chết. Ung thư không làm cho người chết mà người ta sợ ung thư mà chết. Nếu như bạn không sợ nó, không hề để ý đến nó thì tự nhiên không có việc gì. Dùng phương pháp Tây y trị bệnh ung thư rất khó nhưng Trung y thì không hề có vấn đề gì. Khi bị bệnh này tốt nhất không nên trị bằng phương pháp Tây y!
“Phật nói tất cả pháp từ tâm tưởng sanh, cảnh tùy tâm chuyển. Tâm lí khỏe mạnh thì sinh lí nhất định khỏe mạnh. Tâm lí không khỏe mạnh thì thân thể cũng sẽ sanh bệnh. Làm thế nào bị bệnh? Từ tâm mà sanh ra! Con người vốn dĩ rất khỏe nhưng nếu ngày ngày nghĩ đến bệnh thì bệnh chân thật sẽ xuất hiện.”
Tôi từng biết một trường hợp đang đương chức và đi công tác tại thành phố Hồ Chí Minh. Tiện thể vào đến thành phố thì ông quyết định đi kiểm tra xem có bệnh gì không. Ông được bác sĩ kết luận là đã bị ung thư giai đoạn cuối. Ông hoàn toàn sụp đổ, không chịu nổi nên từ lúc biết có bệnh đến lúc ông ra đi chỉ vẻn vẹn 10 ngày.
Nhiều người khi biết mình bị ung thư, họ vẫn sống thanh thản, họ thay đổi cách sống cá nhân nên bệnh nhẹ đi, thậm chí không còn. Cư sĩ Lý Mộc Nguyên mắc ung thư và đến niệm Phật đường không chỉ niệm Phật mà còn tích cực làm mọi việc lợi ích cho mọi người, từ sáng đến khuya đều bận bịu không có thời gian ăn, không có thời gian nghỉ ngơi. Dù có thông tin bị mắc ung thư nhưng ông sống đến vài chục năm. Lúc gặp tôi, ông khoảng hơn 80 tuổi. Người ta hỏi ông uống thuốc gì mà kì tích khỏi được ung thư. Ông nói ông uống thuốc “A Di Đà Phật”.
Hòa Thượng nhiều lần nhắc nhở chúng ta rằng có rất nhiều người đã dành dụm tiền để phòng khi có bệnh, sẽ có tiền mua thuốc uống. Làm như vậy, nhất định sẽ bị bệnh để được tiêu số tiền đó cho việc uống thuốc theo như đúng nguyện vọng. Nếu chúng ta không để dành tiền uống thuốc mà dùng tiền đó để cứu giúp người bệnh, cứu người cùng khổ, đi làm giáo dục thì chắc chắn sẽ không còn bệnh./.
****************************
Nam Mô A Di Đà Phật
Chúng con xin tùy hỷ công đức của Thầy và tất cả các Thầy Cô!
Nội dung chúng con ghi chép lời giảng của Thầy có thể còn sai lầm và thiếu sót. Kính mong Thầy và các Thầy Cô lượng thứ, chỉ bảo và đóng góp ý kiến để tài liệu học tập mang lại lợi ích cho mọi người!