Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Hai, ngày 24/02/2025.
--------------------------------------------
PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP
BÀI 186
Tu hành trong cửa Phật có rất nhiều tông phái, cùng với đó là các phương pháp tu học khác nhau. Tu Tịnh Độ cũng có rất nhiều phương pháp, có người lấy niệm Phật kinh hành làm chính hoặc tĩnh tọa niệm Phật làm chính. Người khác lại chọn 3 việc tụng Kinh niệm Phật lễ Phật làm chính hoặc chỉ cần lấy lễ Phật niệm Phật là chính.
Tổ sư Đại đức nói ra rất nhiều cách tu hành và mỗi hành giả tu hành cũng áp dụng các cách thức hành trì khác nhau, do đó, chúng ta nên chọn cách tu tập nào phù hợp với phương thức đời sống của mình. Cách tu nào dễ hành trì và giúp cho tập khí phiền não của chúng ta không phát khởi thì đó là cách thức tốt.
Chúng ta không cần phải lo lắng là làm sao niệm Phật với đầy đủ ba tâm: Chân tâm, thâm tâm và hồi hướng phát nguyện tâm. Cũng không cần chạy theo người khác cho rằng vừa niệm Phật hiệu vừa khởi tâm cầu nguyện hay khởi ý niệm mong Phật đến tiếp dẫn. Chúng ta nghe không khéo lại rơi vào phân biệt chấp trước. Chúng ta chỉ cần một lòng một dạ niệm câu “A Di Đà Phật” như ông thợ vá nồi hay ông thầy hương đăng.
Hoặc giả chúng ta niệm như các cụ già, khi được dạy một câu “A Di Đà Phật” thì các cụ cứ thế mà niệm không cần hỏi vì sao. Trước đây, có một cụ từng đến ở tại khu nhà này với tôi vài tháng. Từ sáng đến chiều, hỏi cụ bất kỳ câu gì, cụ thường trả lời là “A Di Đà Phật”, cụ rất ít nói chuyện, không hóng chuyện, cả ngày chỉ chuyên niệm Phật. Con của cụ chuyên cung cấp hải sản cho nhà hàng nên rất nhiều tiền. Cái lợi thu được lớn quá nên họ không buông được dù biết tu hành là tốt.
Trong cuộc sống có rất nhiều người, do không thể cưỡng lại sự cám dỗ của đồng tiền nên không thể bỏ được các công việc sát sanh, hay những việc phạm pháp, trái luân thường đạo lý. Thành ngữ có câu: “Kiến lợi vong nghĩa” tức là thấy lợi quên đi đạo nghĩa. Muốn chân thật có được thành tựu trong tu học Phật pháp thì phải nhất định không làm các việc sai trái. Biết sai mà vẫn cứ làm thì chưa phải là người chân thật giác ngộ. Phải biết rằng, một khi đã tạo nhân chắc chắn sẽ gặt quả. Đời này không kết trái thì đời sau hoặc vô lượng đời sau sẽ gặt quả. Nhân quả thông ba đời quá khứ, hiện tại và vị lai.
Câu hỏi đầu tiên trong bài học hôm nay, có người hỏi Hòa Thượng rằng: “Con tu học ở đạo tràng nhưng Cha Mẹ con không tin Phật nên rất phiền não, xin Ngài cho con hỏi là con nên tiếp tục ở lại đạo tràng tu học hay là trở lại nhà theo ý của Cha Mẹ ạ?”
Vấn đề này rất nhiều người gặp phải trong xã hội. Bản thân tôi cũng gặp phải chuyện này. Trước đây, tôi cho rằng việc đi tu là tốt nên có thể rũ bỏ mọi vai trò, trách nhiệm do đó khiến Cha Mẹ rất phiền lòng. Chúng ta tu học Phật pháp mà Cha Mẹ sanh phiền não thì chắc chắn có vấn đề, chúng ta phải xem lại.
Nếu học Phật mà chúng ta bình dị, dễ gần, tu được lễ kính với Trưởng bối, hiếu thảo với Cha Mẹ, giữ được phước thứ nhất trong Tịnh nghiệp Tam phước gồm: “Hiếu dưỡng Phụ Mẫu; Phụng sự Sư trưởng; Từ tâm bất sát; Tu mười thiện nghiệp” thì thân bằng quyến thuộc không có ai phản bác, chê trách hoặc chống đối, thậm chí họ còn sinh tâm nể phục.
Có một học trò của tôi trước đây không biết hành hiếu, thường chỉ làm theo cách của riêng mình nên chẳng ai hoan hỉ. Sau khi được học tập, tu hiếu hạnh, lễ kính thì được người người thương yêu, kính trọng và hỗ trợ. Gần đây cậu ấy đã ai cầu trước trưởng bối của dòng họ và đã được mọi người đồng lòng ủng hộ, cho phép cậu lo tang lễ của ông ngoại theo nghi thức Phật giáo. Sau khi niệm Phật cho cụ 24 tiếng, cậu cùng gia đình nhập liệm và đưa cụ sang chùa, tiếp tục niệm Phật thêm 7 ngày. Toàn bộ thân quyến, cô dì chú bác, thậm chí các đồng tu đều ủng hộ, thay phiên nhau niệm Phật suốt ngày đêm, trong một bầu không khí như thể đây là pháp hội Phật thất niệm Phật.
Trả lời câu hỏi này, Hòa Thượng nói: “Sự việc này phải xem xét tình hình thực tế, tỉ mỉ mà quán sát căn tánh người nhà của bạn. Bạn phải phương tiện khéo léo giúp đỡ người nhà mình có cơ hội được tiếp xúc với Phật pháp. Học Phật là việc tốt nhưng vì sao người nhà của bạn không tin, lại còn khởi lên phiền não? Đại khái là bạn học Phật không đúng pháp rồi!