2Thứ Bảy, 22/02/2025, 17:35

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Bảy, ngày 22/02/2025.

****************************

PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP

BÀI 184

Nhà Phật nói: “Phật pháp ở thế gian không chướng ngại thế gian pháp”. Phật pháp ở thế gian không chướng ngại mà có thể dung hòa đối với thế gian pháp. Chúng ta muốn Phật pháp không chướng ngại thế gian pháp thì chúng ta phải có tâm chân thành. Người xưa dạy: “Chí thành cảm thông”. Tâm chúng ta chân thành thì chúng ta trên cảm thông đến chư Phật Bồ Tát, dưới cảm thông đến những côn trùng nhỏ bé nhất.

Trải qua nhiều thời đại, Phật pháp đã dần mai một, bị xen lẫn bởi tà tri, tà kiến. Chúng ta dịch “Đệ Tử Quy”, trong “Đệ Tử Quy” câu cuối cùng là: “Chớ tự chê đừng tự bỏ. Thánh và Hiền dần làm được”, có người in ra và tự cho thêm một đoạn phía sau, họ cho rằng như vậy là hợp tình hợp lý. Chúng ta dùng tâm chân thành cầu học Phật pháp thì chúng ta nhất định sẽ gặp được Phật pháp thuần chánh.

Tôi không đi tìm cầu mà tôi cố gắng đem hiểu biết của mình dạy lại mọi người, tôi biết một thì tôi dạy một. Tôi nhớ, ngày trước mình rất khó khăn để có cơ hội học tập nên tôi phát tâm, nếu nơi nào mời tôi dạy học thì tôi sẽ tận tâm tận lực làm, nhờ việc này mà tôi có thời gian ôn lại những kiến thức mình đã học. Nhờ tâm chân thành mà tôi gặp được thùng đĩa của Hòa Thượng Tịnh Không. Thùng đĩa đó đã nằm ở trong kho khoảng 10 năm, Sư bà xin về để mang đi thiêu hủy, tôi có thể gặp được thùng đĩa là do sự an bài, xếp đặt của một nhân duyên vô cùng thù thắng. Tất cả xuất phát từ tâm chân thành.

Trên “Kinh Hoa Nghiêm” Phật nói: “Tất cả chúng sanh đều có trí tuệ vô sư”. “Trí tuệ vô sư” là trí tuệ không cần Thầy. Chúng ta khai mở được trí tuệ vô sư này thì chúng ta có thể có đầy đủ năng lực, trí tuệ, đức tướng của Như Lai.

Hòa Thượng nói: “Vì sao chúng ta bị ma nhập? Tâm chúng ta là tâm ma nên chúng ta mới bị ma nhập”. Người xưa nói: “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” hay “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”. Tâm chúng ta chân thành thì chúng ta sẽ gặp được những điều chân thành. Chúng ta cần cầu học Phật pháp thì chúng ta phải khởi tâm chân thành, tâm chúng ta chân thành thì chúng ta sẽ tự nhiên gặp được Phật pháp thuần chánh.

Hằng ngày, nếu chúng ta “ảo cầu”, muốn “vô công hưởng lộc”, không nỗ lực khắc chế tập khí, phiền não mà muốn đạt được kết quả thì tâm chúng ta là tâm tà, tâm bất chánh. Khi còn nhỏ, tôi thường nghe các cụ nói: “Tận nhân lực chi thiên mạng”. Chúng ta muốn biết “thiên mạng” của chúng ta như thế nào thì chúng ta phải tận sức lực. Chúng ta chưa tận sức lực thì chúng ta chưa thấy được “thiên mạng”. Hằng ngày, chúng ta đã tận tâm tận lực chưa? Chúng ta không có “tự tư tự lợi”, “danh vọng lợi dưỡng”, “tham, sân, si, mạn” thì đó mới là chúng ta tận nhân lực.

Có người hỏi Hòa Thượng: “Thưa Hòa Thượng, trong hoàn cảnh làm việc con không thể không nghe được một số tà tri, tà kiến, do đó con không thể tránh khỏi lưu lại một chút ấn tượng trong tâm, vì việc này mà con phiền não, xin hỏi, con phải nên làm như thế nào cho tốt?”.

Trong cuộc sống, tâm chúng ta rất dễ bị những tà tri, tà kiến làm ô nhiễm. Tốt nhất là chúng ta nên tránh những hoàn cảnh khiến chúng ta tăng tà tri, tà kiến. Trong “Đệ Tử Quy” dạy chúng ta: “Gần người hiền tốt vô hạn. Đức tiến dần lỗi ngày giảm”. Chúng ta gần người ác thì ác tâm, ác hạnh của họ sẽ ảnh hưởng đến chúng ta. Chúng ta phải biết cách dụng tâm, biết chọn hoàn cảnh mà mình sẽ tiếp xúc. Người xưa dạy: “Bạn lành nương cậy, Thầy tà chánh xa”.

Trước đây khi tôi ra nước ngoài, tôi đưa ra bốn điều kiện, thứ nhất là tôi không đi chơi, thứ hai là tôi không tham gia tiệc tùng, thứ ba là tôi không ở khách sạn, thứ tư là tôi không nhận thù lao. Ngày trước, khi tôi đi dạy ở trường, khi mọi người tổ chức đi tham quan vào mùa hè, tôi đã dặn cô hiệu trưởng, không cần mời tôi đi liên hoan hay đi tham quan du lịch. Đây là tôi biết tránh xa những hoàn cảnh cám dỗ, bảo vệ tâm thanh tịnh của chính mình. Chúng ta không biết bảo vệ tâm thanh tịnh thì chúng ta sẽ bị ô nhiễm.

Hoàn cảnh không tự nhiên khiến chúng ta ô nhiễm mà là do chúng ta tự ô nhiễm. Chúng ta thấy người khác “danh vọng lợi dưỡng”, “tự tư tự lợi”, đắm chìm trong “tài, sắc, danh, thực, thùy” thì chúng ta cũng làm theo. Đây là chúng ta tự ô nhiễm, không ai bắt chúng ta ô nhiễm. Tu hành không phải là chúng ta ngày ngày gõ mõ, tụng Kinh, hướng đến Phật “ai cầu” mà hành chính là biết sửa đổi chính mình. Phật dạy chúng ta đạo lý, phương pháp rõ ràng, chúng ta chỉ cần y theo đó mà làm.