43Thứ Năm, 20/02/2025, 15:28
181 · Phật Pháp Vấn Đáp - 181 _ 1 181 · Phật Pháp Vấn Đáp - 181 _ 2

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Tư, ngày 19/02/2025.

--------------------------------------------

PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP

BÀI 181

Những người không thể nhất môn thâm nhập thì có thể cần đến chánh tu và trợ tu. Trợ tu phải liên quan mật thiết đối với chánh tu thì mới không chướng ngại chánh tu. Ví dụ, hành giả tu Tịnh Độ mà hoằng dương chuẩn mực Thánh Hiền sẽ không có chướng ngại trong việc tu hành Tịnh Độ. Những pháp có thể giúp hành giả thông đạt hơn đối với chánh tu thì đó chính là sự hỗ trợ. Dẫu là có trợ tu nhưng hành giả nhất định vẫn phải chuyên tâm ở chánh tu.

Nhiều người chưa phân biệt rõ thế nào là chánh và trợ tu nên phát sinh nhiều chướng ngại. Việc niệm Phật cầu vãng sanh là chánh tu còn việc tu tập phước điền, tích công bồi đức chỉ là phụ. Những việc phụ này nhất định phải tùy duyên mà làm. Cả đời của Hòa Thượng làm được rất nhiều việc nhưng chỉ là tùy duyên, còn việc niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ thì Ngài rất dụng công, không tùy duyên, không qua loa.

Chúng ta làm mọi việc lợi ích chúng sanh là từ bi mà xuất phương tiện. Chúng ta nỗ lực dụng tâm vào việc này nhưng phải biết, những việc đó không phải là chánh tu. Việc này vẫn phải tùy duyên chứ không được cưỡng cầu.

Đối với chuẩn mực đạo đức, thì đây là điều bắt buộc, yêu cầu chúng ta phải tuân thủ, không xét là chánh hay trợ. Chúng ta không được phép chểnh mảng, tùy tiện, phóng túng, qua loa hay là để xảy ra sai sót đối với những gì thuộc về nguyên tắc chuẩn mực trong đời sống thường ngày.

Người xưa dạy: “Lễ đúng lễ mới là lễ’, thiếu lễ hoặc vượt lễ đều không phải là lễ. Nghĩa là tùy người tùy cảnh, chúng ta có thể dụng tâm sao cho phù hợp với người với cảnh đó, không nên tạo ra sự ngỡ ngàng hoặc quá khác với người khác. Tuy nhiên, nếu là chuẩn mực thì nhất định không được phép qua loa, nhất định tuân thủ. Giữ được như vậy, chúng ta sẽ trở thành một người có nguyên tắc. Ngược lại, không giữ, thì cả đời sẽ chẳng có chút chuẩn mực.

Câu hỏi đầu tiên trong bài học hôm nay, có người hỏi Hòa Thượng là: “Kính bạch Hòa Thượng, có một người bạn của con tu Mật tông, tặng cho con một quyển sách. Quyển sách này do một vị pháp vương truyền lại, có tên là Vãng Sanh Tịnh Độ Tu Hành Pháp Bổn. Nghi thức tu hành này là chỉ cần niệm đủ 30.000 biến Chú Vãng Sanh và 100 vạn câu A Di Đà Phật thì bảo đảm vãng sanh. Ngoài ra, còn phải đội một ấn chương của một thượng sư bên tông phái Mật tông. Sau khi đệ tử tiếp nhận cuốn sách thì phát sinh hoài nghi lớn. Trên lí thì nói không thông cho nên không có cách gì phản bác được họ. Con không biết phải làm sao, xin pháp sư khai thị ạ?

Người đặt câu hỏi này, tại sao phải rước họa vào thân như thế này? Từ lâu có rất nhiều người hỏi tôi những việc không liên quan đến pháp tu thì tôi trả lời là không biết, tôi từ chối vì không muốn để sự xen tạp, phiền não của họ làm ảnh hưởng.

Hòa Thượng trả lời: “Bảo chứng vãng sanh là việc khó có được, thế nhưng có hiệu quả hay không? Vấn đề là chính ngay chỗ này. Tấm vải vàng ấn chương đội trên đầu không đáng tin vì trên Kinh Kim Cang Phật nói rõ ràng là: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”.

Tịnh tông pháp môn có hiển mật viên dung. Vãng sanh có người niệm Kinh A Di Đà hoặc Kinh Vô Lượng Thọ, còn đem Mật Chú, Vãng Sanh Chú thêm vào. Tức là sau khi đọc xong kinh A Di Đà thì thêm vào ba biến Chú Vãng Sanh, đây gọi là hiển mật viên dung. Còn pháp bổn này bảo với chúng ta niệm Chú Vãng Sanh 30.000 biến, A Di Đà Phật sẽ liền hiện thân đến tiếp dẫn.

Ở Đài loan, có một vị xem thấy việc này nên đã chân thật niệm đủ 30.000 biến Chú Vãng Sanh nhưng vẫn không có tin tức gì. Vị ấy đã đến gặp tôi và nói rằng việc này không đáng tin. Đây là trên Kinh nói! Điều được nói trên Kinh điển chắc chắn là linh nghiệm, thế nhưng, vì sao sau khi đọc 30.000 biến rồi vẫn không có cảm ứng? Chúng ta tụng Kinh, trì Chú, niệm Phật là phải phát tâm Bồ Đề, một lòng chuyên niệm.

“Vậy quan trọng là bạn có phát tâm Bồ Đề, một lòng chuyên niệm hay không? Tiêu chuẩn trên Kinh A Di Đà còn cao hơn nữa. Đó là phải đạt nhất tâm bất loạn! Nhất hướng chuyên niệm, chúng ta có thể làm được, cho nên vì chúng ta không hiểu rõ đạo lí và phương pháp mà Kinh đã nói, do đó, chúng ta đọc tụng không có được linh nghiệm.

Vị thượng sư truyền cho bạn pháp bổn này, bạn cứ theo đó mà làm nhưng phải phát tâm Bồ Đề, một lòng chuyên niệm. Nếu tâm của bạn chưa tương với tâm của Phật, bạn vẫn là tự tư tự lợi, thì cho dù bạn đọc đủ 30.000 biến lại muốn vãng sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc thì vẫn không thể vãng sanh.

Thế giới Cực Lạc là nơi chư thượng thiện nhân câu hội nhất xứ. Tâm của bạn không thiện, tâm bạn là tự tư tự lợi. Bạn dùng tâm cầu may thì may ra được Phật tiếp đón. Mật pháp tuy là tốt nhưng vẫn phải đem đạo lí và phương pháp giảng giải cho rõ ràng, thì làm mới có kết quả.

Đại sư Chương Gia nói với tôi rằng muốn học Mật thì trước tiên học hiển giáo, quy củ của Tây tạng. Hiển giáo phải học 10 năm và còn phải trải qua sự khảo nghiệm nghiêm khắc của Kinh điển. Sau khi được một vị thượng sư chứng nhận thì mới được quán đảnh, giống như truyền thừa để tu tập Mật pháp. Nếu không có nền tảng 10 năm học tập Kinh giáo mà truyền cho bạn một mật chú để bạn tu, thì đây chỉ là kết duyên với bạn mà thôi.

Tôi theo Đại sư Chương Gia 3 năm, không hề được sự truyền thụ Mật pháp của ngài là do thời gian không đủ, chí ít phải tu học 10 năm. Sau 10 năm tu học với Ngài thì Ngài mới làm lễ quán đảnh để kết duyên, truyền thụ cho ta 6 chữ lục đại minh chú, bảo ta ngày ngày đọc. Đó cũng không phải là học Mật, chỉ là kết duyên!

Dù tu pháp môn gì mà không phát tâm Bồ Đề, không một lòng chuyên niệm thì không có thành tựu.

Người ta cho rằng tấm vài vàng ấn chương đó đội lên có thể ngăn phiền não, tham sân si, việc này có đáng tin không? Trong khi Phật nói rằng những gì có tướng đều là hư vọng. Nếu có linh nghiệm như vậy, thì mang về cho những tên ăn nhậu, phá làng phá xóm đội lên, để xem họ có chuyển tâm không hay là mọi sự tốt đẹp đều phải do chính mỗi cá nhân nỗ lực. Người không muốn chuyển đổi thì cho dù ở trong trại quản giáo nhiều năm, đến khi ra ngoài sẽ vẫn chứng nào tật đó, còn người muốn chuyển đổi thì chỉ trong thời gian ngắn là đã có kết quả.

Mật tông đa phần tu trong thời gian ngắn là xuất hiện nhiều cảnh giới tạm gọi là thù thắng, tạm gọi là không thể nghĩ bàn. Trước đây, tôi từng nghe một số người nói rằng trì Chú Đại Bi để có tiền xây nhà và quả thật, là có kết quả! Chính vì vậy, có rất nhiều người tin theo. Chúng ta phải biết rằng tu hành trong nhà Phật không phải để có nhiều tiền mà là để đạt được tâm thanh tịnh, khai mở được trí tuệ, hàng phục được tất cả tập khí phiền não của mình. Nếu dùng Phật pháp để cầu thỏa mãn năm dục “Tài Sắc Danh Thực Thùy” tức là dùng tâm Ma để tu Phật pháp thì kết quả thu hái được cũng là kết quả của Ma.

Câu nói: “Vô công hưởng Lộc” rất đáng để chúng ta suy ngẫm, ý của câu này nhắc đến những người không muốn dụng công tu hành nhưng lại muốn có kết quả. Vậy thì kết quả có được rất mau chóng, rất rõ ràng nhưng nó không đến từ nội tâm của chúng ta mà đến từ bên ngoài, có sự tác động của Ma. Cho nên pháp gì thỏa mãn “năm dục sáu trần” thì đó không phải là pháp Phật. “Phật Bồ Tát chỉ thành nhân chi mỹ bất thành nhân chi ác.

Trước đây tôi biết một người, tu hành trong một thời gian rất ngắn thì dường như có thần thông. Rất nhiều người cung kính họ, họ sau đó rơi dần vào danh, lợi và cuối cùng chìm vào sắc, không bao lâu thì chết. Học Phật là đối trị tập khí, phiền não, “tham sân si, danh vọng lợi dưỡng, tự tư tự lợi”. Nếu những thứ đó ngày một nhẹ đi là tu đúng pháp mà ngày càng nặng lên là tu sai pháp.

Chúng ta tu hành Phật pháp không phải là mong có kỳ tích mà là để đối trị tập khí phiền não. Ai thích kì tích rất dễ bị dẫn dụ. Có vài người tu hành, được cho là có thành tựu, từng ngỏ ý muốn truyền thụ Mật pháp cho tôi, nhưng tôi đã từ chối. Những người được cho là có thành tựu ấy, giờ đây cũng chẳng còn có thành tựu. Vì sao? Vì phiền não và khổ đau của họ vẫn y nguyên. Những linh nghiệm họ đạt được là do tác động đến từ bên ngoài chứ không từ nội tâm thanh tịnh.

Cho nên tu học Phật, điều cốt yếu là đạt được tâm thanh tịnh. Một khi đạt được tâm này thì mọi sự chướng ngại khổ đau sẽ ít đi và khó tác động đến nội tâm của mình. Vì không được giảng giải nên chúng ta rất dễ bị nhầm lẫn. Trên Kinh Phật đã nói rõ, thời kỳ Chánh pháp thì giới luật thành tựu; thời kỳ Tượng pháp thì thiền định thành tựu; và thời kỳ Mạt pháp thì Tịnh Độ thành tựu. Một câu “A Di Đà Phật” là vô thượng thâm diệu thiền, là đại thần chú, là đại minh chú, là tổng trì của các chú. Đây là lời của tổ sư Tịnh Độ chứ không phải của người bình thường.

Câu hỏi thứ hai: “Con thường nghe sư phụ nói rằng nếu có phước báu thì nên xây Từ Đường, vậy nên xây Từ Đường theo hình thức nào và trong Từ Đường nên giảng Kinh gì ạ?

Hòa Thượng trả lời: “Phật pháp là sư đạo, sư đạo xây dựng trên nền tảng của hiếu đạo, con người mà không biết hiếu thuận với cha mẹ thì họ không biết tôn sư trọng đạo. Đây là lí nhất định. Nhiều năm trước, có một số pháp sư ra nước ngoài hoằng pháp, tôi từng khuyên là không nên xây dựng Phật điện theo kiến trúc cung điện của nhà Vua mà hãy xây dựng Từ Đường.

Từ Đường chính là đề xướng hiếu đạo. Mọi người đều hiểu được hiếu đạo, hiểu được hiếu dưỡng phụ mẫu. Sau khi họ hiểu được hiếu dưỡng phụ mẫu rồi thì mới xây dựng Phật đường. Lúc này, họ mới chân thật tiếp nhận giáo dục của Phật một cách có hệ thống, có nền tảng. Phật pháp mới có gốc. Tôi cũng nói qua rất nhiều lần, nhưng nhiều người ra nước ngoài vẫn xây dựng Phật điện theo kiến trúc kiểu cung điện mà không hề xây dựng Từ Đường. Đây là phước báu của chúng sanh. Chúng sanh không có phước. Phật pháp là giáo học, mà giáo học lại không được cắm gốc (tức là người tiếp nhận không có nền tảng hiếu đạo).

Chúng ta nên xây dựng Từ Đường như thế nào? Có rất nhiều nơi để chúng ta tham khảo. Ở Đại Lục, có nhiều Từ Đường được xây dựng rất đúng cách, tuy rằng đã có nhiều nơi bị phá bỏ. Ở núi Cửu Hoa, vẫn còn không ít những Từ Đường tồn tại, hiện tại rất sung thịnh, nhiều người đến chiêm bái, tham quan. Cách thức xây dựng thế nào thì bạn đến nơi đó để xem. Đây là thường thức nhưng lại có thể giúp cho chúng ta xây dựng Từ Đường không chỉ là nơi tu học, nơi thờ cúng tổ tiên, mà còn là nơi sinh hoạt, có thể tổ chức sum họp, ăn uống.

Chúng ta nên giảng Kinh điển gì ở Từ Đường? Nên giảng luân lí, hiếu đạo, ngũ luân, ngũ thường, bát đức mà nhà Nho đã nói. Phật Kinh cũng có thể nhắc đến việc này, đều có thể ở nơi Từ Đường mà giảng dạy. Chúng ta phải đem Từ Đường làm thành Trung tâm Hoằng dương Văn hóa Truyền thống hay Trung tâm Đoàn kết Gia tộc. Văn hóa của chúng ta có thể kéo dài được hơn 5000 năm, không bị mất đi ở thế gian này, chính là nhờ Từ Đường mà phát huy được Văn hóa Dân tộc.

Nếu chúng ta muốn truyền thống gia tộc kéo dài hay tiếp nối truyền thống dân tộc thì Từ Đường đóng vai trò quan trọng. Từ Đường không chỉ là nơi thờ cúng mà còn nên là Trung tâm Hoằng dương Văn hóa Truyền thống của gia tộc, của dân tộc.

Tại Từ Đường, mỗi gia tộc nên quy định một tháng hay một quý sẽ có những ngày tổ chức giảng về luân lí đạo đức, nhờ đó, con cháu đời sau sẽ biết được hiếu đạo. Ở miền Bắc nước ta có nhiều Từ Đường nhưng thiên nhiều về thờ cúng chứ không phải là nơi giáo dục cho gia tộc. Đời chúng ta còn hiểu được một chút về luân lí, hiếu đạo nhưng đến đời con, đời cháu, có thể Từ Đường sẽ trở thành nơi hoang phế vì cháu chắt không hiểu cách làm thế nào để tiếp nối truyền thống gia tộc.

Sau khi xây Từ Đường rồi mới xây Phật đường. Nếu chỉ xây dựng Phật đường để tiếp nối giáo huấn của Phật mà không biết hiếu dưỡng phụ mẫu thì không có nền tảng. Đôi khi người ta đến với Phật chỉ là để cầu phước, cầu bình an mạnh giỏi. Bản thân tôi cũng như vậy, nhưng nhờ tiếp nhận lời giáo huấn của Hòa Thượng nên mới biết được học Phật thì phải nên tu tập ra sao./.

****************************

Nam Mô A Di Đà Phật

Chúng con xin tùy hỷ công đức của Thầy và tất cả các Thầy Cô!

Nội dung chúng con ghi chép lời giảng của Thầy có thể còn sai lầm và thiếu sót. Kính mong Thầy và các Thầy Cô lượng thứ, chỉ bảo và đóng góp ý kiến để tài liệu học tập mang lại lợi ích cho mọi người!