Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Ba, ngày 18/02/2025.
--------------------------------------------
PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP
BÀI 180
Hòa Thượng nói tâm địa của Bồ Tát thường thanh tịnh nên các Ngài không có khởi tâm động niệm. Việc ứng hóa ở thế gian là do chúng sanh có cảm nên các Ngài liền ứng. Khi chúng sanh vừa khởi tâm động niệm thì Phật, Bồ Tát đều nhận biết được ngay, cho nên chúng sanh nào chân thật quay đầu, chân thật tiếp nhận lời giáo huấn thì các Ngài liền đến để tiếp độ.
Bồ Tát không có tâm niệm mà tùy duyên hóa độ còn chúng sanh luôn khởi tâm động niệm, rơi vào phan duyên nên nhất định phải cưỡng cầu. Chúng sanh luôn là đòi hòi mọi việc phải nhất định thế này, nhất định thế kia hoặc nhất định phải tốt. Vì lý do này mà luôn nhiều phiền não. Phật Bồ Tát không cưỡng cầu bởi các Ngài nhìn thấy rằng, nếu một việc làm có kết quả tốt là do chúng sanh đủ phước để hưởng được điều tốt đó. Ngược lại, kết quả của việc làm không tốt là do chúng sanh thiếu phước để hưởng.
Có lần lớp bồi dưỡng tăng tài đã được chuẩn bị đầy đủ mọi mặt nhưng đến phút chót thì các học viên bị cản trở không thể đến được lớp. Việc này làm nhiều người rất phiền não nhưng Hòa Thượng thì nói rằng: “Chúng ta phát tâm làm một cách chân thành, cho nên thay vì chúng ta phải làm 4 đến 5 năm mới có kết quả, thì nay, do người ta không đến nên công đức của việc làm này đã viên mãn rồi!” Hòa Thượng từng nói rằng: “Tác ý viên thành’ – nghĩa là một khi khởi tâm chân thành thì mọi việc làm đều viên mãn. Nếu đủ duyên để làm thì rất tốt mà không đủ duyên để làm thì cũng rất tốt.
Câu hỏi đầu tiên trong bài học hôm nay, có người hỏi Hòa Thượng rằng: “Kính bạch Hòa Thượng, chỉ cần chuyên trì một câu danh hiệu A Di Đà Phật, không cần đọc tụng Kinh điển cũng không nghe sư phụ giảng Kinh, như vậy có vãng sanh không?”
Việc này quan trọng ở chỗ có xây dựng tín tâm kiên cố, nguyện tâm có tha thiết hay không? Trong quá trình tu học, hành giả có thay đổi một câu “A Di Đà Phật”, một hướng Tây Phương để đi hay không? Trả lời câu hỏi này, Hòa Thượng nói: “Có thể, chỉ cần bạn tín tâm kiên định, nguyện tâm khẩn thiết! Nếu bạn còn có hoài nghi, bạn còn bị cảnh giới làm cho dao động, vậy thì bạn phải nghe Kinh, nghe pháp để xây dựng tín tâm cho kiên cố, nguyện tâm Tịnh Độ phải khẩn thiết”.
Nghe giảng Kinh là để thấu hiểu, để rõ lí, để không còn hoài nghi, không còn xen tạp, không còn gián đoạn. Nếu trên bước đường tu hành, đạo lí và phương pháp không nắm được thì sẽ thành “tu mù luyện quáng”, không dẫn đến thành công. Một khi đã thông hiểu đạo lí, phương pháp và không còn hoài nghi thì không cần đọc Kinh và nghe giảng pháp. Người tu Tịnh Độ nghe Thiền, nghe Mật thì sẽ bao chao, dao động.
Nhiều người đến đây rất ngạc nhiên vì không thấy tôi đọc Kinh, ngay đến Kinh Vô Lượng Thọ tôi cũng không có. Khi tôi phiên dịch đĩa giảng Kinh Vô Lượng Thọ của Hòa Thượng, Ngài nói: “Bạn có đủ can đảm để suốt cuộc đời này chỉ niệm một câu A Di Đà Phật không?” Từ đó tôi nghe lời chỉ niệm một câu “A Di Đà Phật”. Tuy vậy, quán chiếu lại tâm mình, tôi xét thấy mình vẫn niệm quá nhiều thứ như niệm phân biệt, vọng tưởng, chấp trước, niệm tốt xấu chứ chưa hoàn toàn là một câu “A Di Đà Phật” niệm đến cùng.
Câu hỏi thứ hai: “Kính bạch Hòa Thượng, con đã học Phật nhiều năm, kiên trì trường chay, khi ăn cơm với đồng nghiệp trong công ty thì thức ăn thịt cá còn thừa lại rất nhiều, đổ đi thì lãng phí. Con xin hỏi là có thể đem những thức ăn này để cho người khác ăn hay không, làm như thế, có phạm tội sát sanh hay không?”
Hòa Thượng trả lời: “Được! Đây không phải là sát sinh. Họ bỏ đi thức ăn quá nhiều thì đây là lãng phí, sẽ tổn phước của mình. Chúng ta có thể đem đi phân phát cho một số người nghèo khổ. Đây là việc tốt! Khi chúng ta làm như vậy, chúng ta có thể niệm Phật hồi hướng công đức và phước báu đến cho những chúng sanh bị chết này. Đây cũng là kết pháp duyên với chúng sanh.”
Không phải người nào cũng có thể ăn chay, lại càng không thể bắt ai đó ăn chay. Ăn chay là sự phát tâm, là sự nhận biết rằng ta và chúng sanh cùng một thể, nghĩa là tự tánh của tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Chúng ta không nỡ ăn thịt chúng sanh là vì cảm nhận rằng họ sẽ đau khổ, sẽ ham sống sợ chết. Cho nên, chúng ta dùng tâm yêu thương, niệm Phật hồi hướng công đức cho họ. Việc làm này phải xuất phát từ tâm “Chân thành, Thanh tịnh, Từ bi’ thì mới không sai, ngược lại, dù cho có làm việc tốt mà xuất phát từ tâm “tự tư tự lợi, ảo danh ảo vọng” mong người ta báo ân lại thì việc tốt đó cũng trở thành việc xấu.