Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Hai, ngày 17/02/2025.
--------------------------------------------
PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP
BÀI 179
Nếu trong đời sống của chúng ta, giả sử có phạm phải sai lầm thì chính mình phải thành tâm sám hối, tự thay đổi tự làm mới. Tuy nhiên, đối với oan gia trái chủ nhiều đời thì việc hóa giải còn khó hơn nữa, đòi hỏi chúng ta phải thay đổi hoàn toàn, thậm chí thay đổi ngay cả trên khởi tâm động niệm. Lúc này, oan gia trái chủ mới cảm động, mới tha thứ. Nếu chỉ làm một vài việc công đức hay cầu siêu mà cho rằng đã hóa giải được rồi thì đó là sai lầm.
Nếu chúng ta phạm tội rồi quỳ dưới chân Phật Bồ Tát Thánh Hiền để xin che trở thì việc này không thể được thành toàn! Phật Bồ Tát Thánh Hiền che trở cho người phạm tội thì ai là người giúp đỡ những người bị hại. Cho nên mỗi hành động việc làm của chúng ta luôn phải “vì người khác mà lo nghĩ”, luôn cân nhắc xem việc mình làm có gây ra sự tổn hại trước mắt hay lâu dài cho người khác không? Đây mới là tâm niệm của người tu hành.
Nếu chỉ cho rằng tụng Kinh niệm Phật là tu hành thì việc này chưa phải là đầy đủ. Hành giả tu hành cần phải quán chiếu xem mình đang dụng tâm gì khi tụng Kinh niệm Phật? Tụng Kinh niệm Phật với tâm “Chân Thành, Thanh Tịnh, Bình Đẳng, Chánh Giác, Từ Bi” hay là tụng với tâm tùy tiện, không quán sát xem việc làm của cá nhân có tổn hại ai hay không? Ví dụ như việc lợi dụng uy tín của tập thể, của đơn vị mình công tác nhằm thỏa mãn tham cầu cá nhân sẽ không thể tránh được kiếp nạn.
Sám hối cải đổi qua loa không thể giúp hóa giải oan gia trái chủ mà phải bằng sự thay đổi của cả cuộc đời này. Trước đây chúng ta “tự tư tự lợi ”, vì mình mà lo nghĩ thì nay, sau khi đã ăn năn hối cải và nhận ra lỗi lầm, chúng ta toàn tâm toàn lực vì Phật pháp trường tồn, vì phát dương quang đại chuẩn mực Thánh Hiền, vì lợi ích của người mà lo nghĩ thì may ra oan gia trái chủ nhìn thấy mới cảm động, mới tha thứ, mới không tính sổ.
Hòa Thượng nói rằng sau khi phạm sai lầm rồi mà chúng ta tiến hành một vài lễ siêu độ long trọng hay lập bài vị thì đây vẫn chỉ là hình thức, tác dụng không lớn. Phải là tự mình thay đổi trong khởi tâm động niệm, không chỉ trong một ngày, một tháng một năm mà phải là trong cả cuộc đời, thì mới đạt được lời Phật dạy “Cảnh tùy tâm chuyển”, mới có thể chuyển đổi được nghiệp lực, chuyển đổi được oan gia trái chủ.
Có người cho rằng chỉ cần hối lỗi nhận lỗi là xong. Chúng ta phải hiểu rõ cho đúng về việc này! Hối lỗi nhận lỗi rồi, lại tiếp tục phạm lỗi, thì là sai. Hối lỗi nhận lỗi rồi mà không phạm phải lỗi lầm cũ nữa, mới là đúng. Hiểu sai về việc này nên nhiều người rất lơ là qua loa trong việc sám hối. Do đó mà người tu hành học Phật chưa làm ra được tấm gương.
Đã là người học Phật thì phải luôn kiểm điểm xem mình đang tiến bộ hay đang lui sụt. Nếu tiến bộ thì chính là đang làm ra tấm gương tốt, đang sơn son thếp vàng lên Phật, đang phát dương quang đại Phật pháp. Đại chúng xã hội nhìn vào tán thán người học Phật. Công đức phước báu rất lớn! Nếu lui sụt thì chúng ta làm ra tấm gương xấu cho xã hội đại chúng. Trong nhà, chúng ta sẽ làm ảnh hưởng đến cả gia đình. Ngoài đời, người đệ tử như chúng ta sẽ làm ảnh hưởng đến Phật pháp, chúng ta khó lòng gánh nổi nhân quả từ việc này.
Có người hỏi Hòa Thượng rằng: “Kính bạch Hòa Thượng, xin Ngài cho biết nghi thức thâu nhặt xá lợi phải như thế nào ạ?”
Hòa Thượng trả lời: “Thâu nhặt xá lợi không có nghi thức nhất định, quan trọng là phải có tâm cung kính. Không phải ai cũng có xá lợi, có người sau khi thiêu chỉ là nắm tro tàn, có người thì có một chút màu sắc. Xá lợi chính là xương cốt kết thành, có xá lợi từ thịt kết thành, từ máu kết thành, từ tóc kết thành. Hình trạng màu sắc không giống nhau. Chỗ này phát hiện không khó, chỉ cần chúng ta chú ý một chút là nhận ra.
“Thế nhưng, quan trọng nhất là chúng ta phải hiểu xá lợi từ đâu mà hình thành? Đại sư Chương Gia đã nói với chúng ta rằng xá lợi và tâm thanh tịnh có một sự tương quan mật thiết, cũng chính là người có sức định cao sẽ kết thành xá lợi. Một người có tâm thanh tịnh, có công phu của thiền định thì mới có xá lợi. Hơn nữa, một người có xá lợi nhiều hay ít, màu sắc cũng không nhất định thì phải xem công phu của người đó là sâu hay cạn. Chư Phật Bồ Tát lưu lại xá lợi cho chúng sanh với dụng ý là cho đồng tu học Phật một phần khích lệ.”