Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Sáu, ngày 06/09/2024.
****************************
PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP
BÀI 17
Có người lo lắng hỏi Hòa Thượng rằng: “Thưa Hòa Thượng, ngày nay, hình tượng của Phật pháp đã bị hoen ố bởi vì những người tu học không làm ra được tấm gương tốt, vậy làm thế nào để Phật pháp được hưng vượng?”.
Hòa Thượng nói: “Việc đó không cần phải lo lắng, tất cả đều là phước đức, nhân duyên”. Có những đứa trẻ vừa mới sinh ra tâm đã thiện lương, biết đến hiếu đạo nhưng cũng có đứa trẻ được nuôi dạy trong môi trường giáo dục chuẩn mực nhưng chúng vẫn không thể chuẩn mực, đây là do phước đức, nhân duyên, thiện căn của mỗi người.
Tôi biết một gia đình, người Cha và người Mẹ chỉ biết đọc, không biết những lễ tiết thường tình, người Cha ngày nào cũng uống bia rượu nhưng người con của họ rất ngoan, học rất giỏi. Khi người con lớn lên, cậu bé vừa đi học vừa làm thêm, sau khi học xong, cậu làm trong lĩnh vực viễn thông, hiện tại cậu đã có chỗ đứng trong công ty và không làm phiền đến Cha Mẹ. Một lần, tôi hỏi người con là việc học tập của cậu có cần máy tính không. Người con trả lời một cách dứt khoát là: “Con đã có máy rồi!”. Cậu biết là nếu cậu nói là cần máy tính thì tôi sẽ tặng nhưng cậu không có tâm tham cầu. Mỗi chúng ta, khi sinh ra đã có sẵn phước đức, nhân duyên, nếu chúng ta có nhân duyên tốt thì chúng ta sẽ gặp được những người Thầy tốt.
Tôi may mắn gặp được Hòa Thượng Tịnh Không, nếu tôi không gặp Ngài thì tôi không biết là mình sẽ đi về đâu. Hòa Thượng ở quốc gia khác, tôi có nhân duyên gặp được thùng đựng đĩa Hòa Thượng giảng, khi tôi mới nghe đĩa của Hòa Thượng, tôi chưa hiểu được nhiều, tôi cảm nhận được tâm chân thành của Ngài nên tôi cố gắng nghe. Hòa Thượng từng nói: “Chúng ta đừng tưởng chúng ta cô độc giữa cuộc đời này, Phật Bồ Tát luôn dõi theo chúng ta”. Chỉ cần tâm chúng ta chí thành, trên thì chúng ta cảm thông với chư Phật, dưới thì chúng ta cảm thông đến những chúng sanh nhỏ nhất. Tôi có cảm nhận rất chắc chắn về điều này!
Hòa Thượng từng nói: “Tất cả chướng ngại đều từ nơi chúng ta”. Chúng ta không có chướng ngại thì mọi sự lớn, nhỏ đều sẽ không có chướng ngại. Có gia đình, Cha và Mẹ đều học chuẩn mực Thánh Hiền, học giáo huấn của Phật Bồ Tát, đi dạy học nhưng những người con lại không muốn học. Ngược lại có gia đình, Cha Mẹ chưa từng được tiếp nhận chuẩn mực đạo đức, chưa từng tiếp nhận giáo huấn của Phật Bồ Tát nhưng con cái lại ngoan hiền, biết không phiền lòng Cha Mẹ, đó là do người con có thiện căn, phước đức sâu dày. Do vậy, chính chúng ta phải vun bồi thiện căn, vun bồi phước đức, thậm chí là chúng ta vun bồi nhân duyên. Nhân duyên nằm trong tay chúng ta, hằng ngày, chúng ta có thể vun bồi vô số mối nhân duyên.
Hòa Thượng từng khuyên chúng ta, nếu chúng ta muốn kết thiện duyên với mọi người thì khi mọi người đến nghe giảng pháp, chúng ta đến sớm hơn, chúng ta quét dọn giảng đường, sau đó, chúng ta đứng ở cửa tặng cho mọi người khăn giấy hoặc viên kẹo…Đây chính là chúng ta đã tự tạo ra nhân duyên tốt, thiện lành. Từ nhân duyên thiện lành nhỏ có thể biến thành nhân duyên thiện lành to lớn. Chúng ta phải chú ý đừng bao giờ bỏ qua cơ hội tạo ra những nhân duyên thiện lành nhỏ. Chúng ta đi đến phương nào, chúng ta cũng nên mang theo một vài món đồ tặng, biếu mọi người. Chúng ta tặng một chút quà nhưng chúng ta có thể đã tạo ra một mối nhân duyên rất thiện lành, sâu dày. Chúng ta không cần làm việc gì lớn lao. Tôi có cảm nhận sâu sắc về việc này!
Có những việc, tôi tưởng chừng như rất nhỏ, thậm chí sau khi làm xong thì tôi đã quên từ lâu. Nhưng đến một ngày, khi nhân duyên hội đủ, tôi gặp lại họ, họ đãi ngộ, giúp đỡ tôi rất nhiệt tình. Tôi hỏi họ, vì sao họ đối xử với tôi thiện lành như vậy thì họ mới nói đó là do ngày trước, tôi đã tạo ra nhân duyên như vậy. Khi đó, tôi giật mình phản tỉnh, ngày trước, may mắn là tôi đã nắm lấy nhân duyên nhỏ đó. Nếu khi đó, tôi lơ là, qua loa, thì tôi không thể có sự giúp đỡ tốt đẹp này. Chúng ta đừng trách ai! Chúng ta không có sự giúp đỡ, sự đãi ngộ, sự ân cần của người khác là do chúng ta đã sống một cách vô tâm. Người có tâm thì khi đi đến bất cứ nơi nào, họ đều có thể làm được rất nhiều việc cho mọi người. Nếu chúng ta ưu tư rằng, làm thế nào để Phật pháp hưng vượng, làm thế nào để người người có được lợi ích từ Phật pháp thì đây là chúng ta đã có ý niệm mong cầu, vội vàng. Chúng ta làm tốt vai trò, bổn phận của mình thì chúng ta đã làm ra biểu pháp, chúng ta tự nhiên ảnh hưởng đến người một cách sâu sắc.