14Thứ Tư, 19/02/2025, 09:13

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng Chủ Nhật, ngày 15/02/2025.

--------------------------------------------

PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP

BÀI 178

Phật pháp nói tâm phải như hư không và dung lượng của tâm phải rộng lớn như pháp giới. Chúng ta hãy quán chiếu tâm lượng của mình đã đang mở rộng được đến đâu? Tâm người giống như một chiếc van tự động, mở ra rồi vẫn có thể tự động khép lại. Việc kiểm điểm, quán chiếu hằng ngày sẽ phát hiện được mức độ nhỏ dần của tâm. Phải rất nỗ lực, không ngừng tinh tấn, phải bơi thuyền ngược nước mới có thể duy trì được tâm rộng lớn. Chỉ cần ngưng tay chèo một lúc là chiếc thuyền sẽ trôi ngược, nghĩa là tâm đang khép lại.

Việc mở rộng tâm là khó nhưng dù khó cũng phải làm. Nhiều đời nhiều kiếp tâm của chúng ta bị bó hẹp trong “cái ta” và “cái của ta”, không thể dung chứa thêm một thứ gì. Văn hóa dân tộc Việt Nam được truyền từ nhiều đời đến đời ông bà chúng ta có câu: “Bánh ít đi bánh quy lại. Con ăn thì hết người ăn thì còn. Lá lành đùm lá rách”.

Hòa Thượng nói mở được tâm lượng thì mới có thể hồi hướng được cho các oan gia trái chủ. Lúc này, họ sẽ trở thành hộ pháp chứ không đối đầu. Họ luôn ở bên cạnh chờ cơ hội phục vụ cho chính oan gia của mình. Mở rộng tâm lượng là trong cuộc sống thường ngày, mọi thứ đều là dành cho chúng sanh. Ngay đến việc chúng ta thành Phật cũng vì chúng sanh mà thành Phật. Đây mới là “tâm bao thái hư, lượng khắp pháp giới”.

Hòa Thượng khẳng định: “Ăn uống, ngủ nghỉ là vì chúng sanh mà ăn uống, ngủ nghỉ chứ không vì ta nữa. Đoạn ác tu thiện là vì chúng sanh mà đoạn ác tu thiện. Phá mê khai ngộ cũng là vì chúng sanh mà phá mê khai ngộ”, nhờ đó mà chúng ta mới tinh tấn, nỗ lực hơn. Người có tâm rộng lớn phải luôn nhớ đến lời dạy của Hòa Thượng rằng: “Bạn chậm đi một ngày thành tựu thì chúng sanh thêm một ngày đau khổ”.

Nếu chúng ta không mở tâm từ những việc làm nhỏ, từ những khởi tâm động niệm nhỏ hay từ trong ý niệm nhỏ nhất thì sẽ không đạt được tâm rộng mở. Do đó, chúng ta phải luôn xét trong hành động tạo tác, trong khởi tâm động niệm của mình có “vì người khác mà lo nghĩ” hay vẫn đang “vì ta và vì cái của ta”.

Nếu đạt được tâm lượng rộng mở đầy đủ thì thành Phật, đạt được thấp hơn thì thành Bồ Tát. Nếu chẳng đạt được phần nào thì làm phàm phu. Trong bài giảng giải về Kinh Vô Lượng Thọ, Hòa Thượng nói rằng chúng ta làm được những điều Phật dạy trên Kinh Vô Lượng Thọ ở mức 30% thì đạt hạ phẩm hạ sanh, 40% thì đạt hạ sanh trung phẩm và 50% thì đạt hạ phẩm thượng sanh. Có lẽ, chúng ta, chỉ có thể đạt được một trong ba phẩm hạ sanh này. Vì sao? Vì chúng ta xét lại tâm lượng của mình mới thấy chỉ đạt được ở mức độ đó.

Cho nên phải quán chiếu để mở rộng tâm lượng, để phát hiện lúc nào tâm bó hẹp giống như con tằm tự cuốn tơ quanh mình, càng ngày càng kín mít. Điều gì đang cuốn chúng ta vậy? Đó là “tự tư tự lợi, danh vọng lợi dưỡng”, hưởng thụ “năm dục sáu trần” và “tham sân si ngạo mạn”. Những thứ này đang cuốn chặt lấy chúng ta, khiến không thể nghĩ đến ai.

Trước đây tôi từng đi nhập liệm cho một người, quần áo của người này toàn đồ mới nên nếu đem chôn thì lãng phí. Tôi khuyên là nên đem đi tặng thì người con hoảng hốt mà thốt lên rằng: “Bình thường Mẹ con chẳng cho ai cái gì đâu! Bây giờ mà cho là Mẹ con đi đòi lại đấy!” Người Mẹ này đã nằm liệt giường gần nửa năm, lưng lở loét và đã có một lỗ thủng, chảy nước hôi thối. Đây là biến hiện của tâm tham lam bỏn xẻn, ảo danh ảo vọng, chỉ hưởng thụ năm dục cá nhân. Người này đã không mở rộng tâm lượng khi còn sống để rồi cuối cùng, đến cái thân cũng phải xả bỏ mà ra đi. Mọi thứ đều không thể giữ lại, thân thể và quần áo đẹp đều mang đi thiêu hết.

Tôi từng chứng kiến nhiều chiếc xe tang đang chạy bình thường nhưng cứ đến gần nhà hỏa thiêu thì nhất định không chạy nữa. Tuy thế, những thanh niên nhà quàng gạt xe sang một bên và cùng nhau khiêng quan tài để đưa vào nhà hỏa thiêu. Điều kỳ lạ là các chiếc xe ngay sau đó vẫn nổ máy và hoạt động bình thường được. Cho nên đây là sự chấp trước nghiêm trọng của người mất.

Ngược lại với sự chấp trước, tham lam bỏn xẻn, mở rộng tâm lượng là con đường đi sáng suốt, rộng thênh thang cho chúng ta trong đời này và đời sau. Nếu sống với tâm nhỏ mọn, ích kỷ, ky bo sẽ khiến bản thân và mọi người xung quanh cảm thấy túng bách, bó chặt. Hãy sống với tâm rộng lớn để nhẹ nhàng hơn! Cá nhân tôi, từ rất lâu đã đang thực hành việc này. Suy nghĩ đầu tiên trong ngày của tôi luôn là xem hôm nay mình có thể giúp ích được gì cho người khác không?