Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Sáu, ngày 14/02/2025,
****************************
PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP
BÀI 176
Hòa Thượng nhắc nhở chúng ta, bệnh khổ chướng ngại đều do nghiệp chướng của chính mình. Chúng ta phải chuyển đổi thân nghiệp lực thành thân nguyện lực. Thân nghiệp lực là thân “tự tư tự lợi”, “danh vọng lợi dưỡng”, hưởng thụ “năm dục sáu trần”, “tham, sân, si, mạn”. Chúng ta phải dùng thân nguyện lực để hoằng dương Phật pháp, chuẩn mực Thánh Hiền, làm những việc chân thật lợi ích tất cả chúng sanh. Hằng ngày, chúng ta đang dùng thân nghiệp lực hay nguyện lực? Việc này tự chúng ta biết rất rõ, chúng ta không cần hỏi ai!
Nếu chúng ta dùng thân nguyện lực thì chúng ta không còn là phàm phu. Chúng ta tu hành nhiều năm mà chúng ta vẫn dùng thân nghiệp lực vậy thì chúng ta vẫn là một phàm phu, hiện tại, chúng ta không phải là phàm phu bình thường, phàm phu tiêu chuẩn mà là một phàm phu tội lỗi. Chúng ta là một phàm phu tội lỗi thì chúng ta phải tuỳ nghiệp thọ báo, bị nghiệp dẫn dắt. Chúng ta không thể cưỡng lại nghiệp lực mà chúng ta vẫn tùy thuận tập khí, phiền não thì chính là chúng ta bị nghiệp dẫn dắt. Đời này, chúng ta bị nghiệp dẫn dắt thì đời tương lai chúng ta cũng sẽ tuỳ nghiệp thọ báo, không thể vượt ra ngoài sự dẫn dắt của nghiệp báo.
Hòa Thượng nói: “Chư Phật Bồ Tát chỉ có thể dạy chúng ta đạo lý, phương pháp, nếu chúng ta hiểu rõ thì chính mình phải chăm chỉ nỗ lực tu sửa hành vi, cách thấy, cách nghĩ, cách làm sai lầm của chính mình. Nếu chúng ta làm được như vậy thì nghiệp chướng của chính mình sẽ tiêu mất đây là chúng ta đã chuyển được nghiệp lực. Tôi thường khuyên các đồng thu phải chuyển thân nghiệp chướng thành thân nguyện lực. Cách chuyển đổi như thế nào để có kết quả tốt nhất? Trước đây khi chưa gặp Phật pháp, khởi tâm động niệm của chúng ta đều là “tự tư tự lợi”, đem lợi ích của chính mình đặt ở hàng đầu, sau khi học Phật, từ đây về sau, chúng ta không còn chính mình, tất cả vì Phật pháp, vì chúng sanh, vì chuẩn mực Thánh Hiền”.
Mặc dù không được dạy nhưng khi tôi đặt một chiếc bình xuống, tôi sẽ luôn để nó thật cân đối. Hằng ngày, chúng ta làm y theo chuẩn mực thì chúng ta dần dần sẽ có sự chuẩn mực. Trước đây, chúng ta “tự tư tự lợi”, sau khi được tiếp nhận Phật pháp, chúng ta làm vì Phật pháp, chuẩn mực Thánh Hiền, tất cả chúng sanh thì chúng ta đã mang nghiệp lực chuyển thành nguyện lực. Chúng ta đã có phương pháp rõ ràng nếu chúng ta nghe lời, thật làm thì chúng ta đã mang nghiệp lực chuyển thành nguyện lực.
Nếu những tập khí của chúng ta ngày càng tan nhạt thì đây là chúng ta đang dần chuyển được nghiệp lực. Chúng ta tùy thuận theo tập khí mà tạo nghiệp thì chúng ta cũng sẽ phải tùy nghiệp mà thọ báo. Tập khí của chúng ta là “tự tư tự lợi”, hưởng thụ “năm dục sáu trần”, “danh vọng lợi dưỡng”, “tham, sân, si, mạn”. Nếu một tập khí nào của chúng ta lớn dần thì các tập khí khác cũng sẽ lớn dần. Chúng ta lười biếng khi làm một việc thì chúng ta cũng sẽ lười biếng trong các việc khác.
Hòa Thượng từng nói, thời gian mọi người niệm Phật, lạy Phật thì chúng ta đi làm việc khác, chúng ta tưởng rằng chúng ta siêng năng nhưng đây chính là chúng ta giải đãi. Mọi người đang làm một việc, chúng ta lại đi làm một việc khác để mọi người thấy rằng chúng ta không lười biếng. Không phải chúng ta làm nhiều việc là chúng ta tinh tấn, đó là chúng ta đang lười biếng, giải đãi, mông lung, hôn trầm, tán loạn.
Khi mọi người lạy 500 lạy, có người đứng dậy đi lấy nước, lấy đệm cho người khác, đây là họ “tinh tướng” chứ không phải “tinh tấn”, họ bị tập khí, phiền não sai sử. Nếu chúng ta chuyển đổi thân nghiệp lực thành thân nguyện lực thì chúng ta giống như nhà Phật nói là: “Thừa nguyện tái lai”. Thân chúng ta không còn là thân nghiệp chướng mà là thân nguyện lực, khi đó, chúng ta sẽ thay Phật, thay Thánh Hiền, hoằng dương Phật pháp, hoằng dương chuẩn mực Thánh Hiền. Thân tùy thuận theo tập khí, phiền não là thân nghiệp báo. Thân vượt qua được tập khí xấu ác, không để tập khí xấu ác dẫn đạo là thân nguyện lực.
Hòa Thượng nói: “Sau khi chúng ta chuyển thân nghiệp lực thành thân nguyện lực thì chúng ta phải không ngừng tinh tấn, nỗ lực”. Rất nhiều người không nỗ lực, tinh tấn nên dần trở thành lười biếng, giải đãi. Một số người dậy sớm học một thời gian thì nghỉ, sự tinh tấn, nỗ lực của họ ngày càng giảm.