Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Năm, ngày 13/02/2025,
****************************
PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP
BÀI 175
Tổ Sư Ấn Quang dạy chúng ta: “Niệm Phật siêng năng tiêu túc nghiệp, kiền thành tự khả chuyển phàm tâm”. “Niệm Phật” là niệm tự tánh thanh tịnh, quay trở về với tự tánh thuần tịnh, thuần thiện của chính mình. Niệm Phật có thể tiêu được nghiệp cũ mà chúng ta đã tạo trong nhiều đời, nhiều kiếp. Ngày trước, khi Hòa Thượng họp ở Liên Hiệp Quốc về việc xúc tiến hoà bình cho thế giới, có các mục sư, hồng y, lãnh đạo các tôn giáo khác, Hòa Thượng gọi họ là Bồ Tát, nhưng họ không hiểu vì sao Hòa Thượng gọi họ như vậy vì họ không phải là người học Phật. Hòa Thượng giải thích với mọi người, “Bồ Tát” là danh từ chỉ một người hoàn thiện tư cách, trí tuệ, năng lực độ sanh, sau khi hiểu thì mọi người đều hoan hỷ. “Phật” là chỉ người có tư cách, hành vi, sự nghiệp có thể làm mô phạm cho thế nhân.
Tất cả chúng sanh tự tánh đều thuần tịnh, thuần thiện, chúng ta niệm tự tánh là niệm tất cả chúng sanh. Hằng ngày, chúng ta niệm tự tánh, là chúng ta đã quay về với chân tâm, tự tánh của chính mình. Đây là chúng ta đã gieo duyên với chúng sanh, khi duyên chín muồi thì chúng ta sẽ tiếp cận được họ, họ sẽ tiếp nhận lời của chúng ta. Hiện tại, chúng ta chưa cảm hoá được người khác nhưng trong vô hình chung họ đang dần được cảm hoá, chúng ta đã dần tương thông được với họ, một ngày, họ sẽ tự nhiên cảm thấy chúng ta gần gũi, thân thiện, họ sẽ tìm đến. Chúng ta rất khó cảm hoá người vì chúng ta chưa niệm tự tánh, chưa quay về với chân tâm, bổn tánh. Chúng ta đừng tưởng chúng ta không thể ảnh hưởng đến họ, trong âm thầm họ đã dần được cảm hoá. Có những người, chúng ta tưởng rằng không thể độ được nhưng tự nhiên tự họ giác ngộ.
Người xưa nói: “Nhân phi Thánh Hiền mạc năng vô quá, quá vi năng cải mạc nhật hà yên”. Con người không phải Thánh Hiền, không ai mà không có lỗi, chúng ta tạo duyên thì trong âm thầm người khác sẽ được cảm hoá, tự nhiên một ngày họ sẽ giác ngộ. Hòa Thượng nói, Phật Bồ Tát luôn ở bên chúng ta, chỉ cần chúng ta giác ngộ quay đầu thì các Ngài sẽ tìm cách tốt nhất để tiếp cận chúng ta. Phật Bồ Tát có thể không dùng thân phận Phật Bồ Tát mà dùng những thân phận gần gũi để tiếp cận chúng ta, thí dụ như các Ngài có thể dùng thân phận một người thợ vá xe hay một người giao hàng.
Tổ Sư Ấn Quang nói: “Kiền thành tự khả chuyển phàm tâm”. “Kiền thành” là tâm chân thành đến đỉnh điểm. Chúng ta quay về tâm chân thành thì sẽ chuyển được tâm phàm. Chúng ta chưa chuyển được tâm phàm vì chúng ta chưa chân thành đến tột đỉnh. “Tâm phàm” là tâm “tự tư tự lợi”, hưởng thụ “năm dục sáu trần”, “tham, sân, si, mạn”.
Hằng ngày, chúng ta niệm tự tánh thanh tịnh là chúng ta niệm Phật. Chúng ta không dùng tự tánh thanh tịnh niệm Phật thì chúng ta niệm câu Phật hiệu không có tác dụng. Tinh thần của Phật pháp Đại Thừa là giúp chúng sanh vượt thoát sinh tử, nhà Phật không xem phước báu nhân thiên là quan trọng. Trong nhà Phật nói: “Tam thế oán”, đời này chúng ta tạo phước thì đời sau hưởng phước, đời sau nữa sẽ đọa lạc. Trên Kinh, Phật nói: “Vì chúng sanh không nghe được pháp Nhất thừa nên ta phải nói pháp Nhị Thừa và Tam Thừa”. “Pháp Tam thừa” là pháp giúp chúng ta có phước báu ở cõi Trời, cõi Người. “Pháp Nhị thừa” là pháp giúp chúng ta đạt đến quả vị Thanh Văn, Duyên Giác, A – La – Hán. “Pháp Nhất thừa” là pháp giúp chúng ta đạt đến quả vị Phật.
Ngày nay, người thế gian rất chú trọng việc tu phước, hưởng phước. Tôi thường nhắc mọi người: “Xin thường niệm “A Di Đà Phật”, giữ tâm thiện thế giới hòa bình”. “Thế giới” ở đây là thế giới xung quanh chúng ta. Chúng ta chỉ cần giữ tâm thiện thì thế giới xung quanh chúng ta sẽ thiện. Phật Bồ Tát, Thánh Hiền Thần không thể ban phước cho chúng ta. Phật Bồ Tát không dạy chúng sanh chú trọng việc tu phước, hưởng phước nhưng người thế gian thích cuộc sống giàu sang, vinh hiển. Chúng ta tích cực tạo phước thì phước đó sẽ trải đều trong cuộc sống thường ngày của chúng ta. Chúng ta chuyển tâm phàm, làm theo tâm Phật Bồ Tát, Thánh Hiền thì tâm chúng ta không còn là tâm phàm phu. Hòa Thượng thường nói, có những việc, chúng ta tưởng là khó nhưng không khó, tưởng là dễ nhưng không dễ, chúng ta phải làm mọi việc một cách miệt mài, bền bỉ, không thối chuyển. Chúng ta rất dễ thối chuyển. Nếu khi chúng ta chuẩn bị ra đi, tâm chúng ta vẫn mạnh mẽ như chúng ta phát tâm ban đầu thì khi đó chúng ta mới thành công. Chúng ta đừng bao giờ tự mãn vì tâm chúng ta có thể thay đổi bất cứ lúc nào.