16Thứ Tư, 19/02/2025, 09:13

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Tư, ngày 12/02/2025.

--------------------------------------------

PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP

BÀI 174

Tu hành là sự thay đổi chính bản thân mình một cách nghiêm túc nhất. Mỗi lúc chúng ta lại trở nên tốt hơn thì đó mới là tu hành. Có nhiều người ban đầu thì tốt nhưng dần dần họ trở nên xấu đi, biến chất mà chính họ không nhận ra. Nguyên nhân là vì họ chểnh mảng trong tu dưỡng, lơ là trong kiểm soát chính mình.

Có người từng hỏi Hòa Thượng rằng họ có thể quy y Tam Bảo thay cho người khác hay không? Nghi vấn này chẳng khác nào câu hỏi đề cập đến việc có ai tu dùm cho chúng ta không? Hay chúng ta có thể tu hộ cho ai được không? Chắc chắn là không! Hằng ngày, chúng ta làm việc cũng chính là tu dưỡng. Nếu không coi đây là cơ hội thì chúng ta tìm kiếm nơi đâu để có thể tu dưỡng đây?

Trong bố thí, có bố thí ngoại tại và nội tài. Chúng ta có thể không có ngoại tại nhưng nội tài của chúng ta là vô tận. Bố thí nội tài là bố thí năng lực, sức khỏe và trí tuệ của chính mình. Nội tài chắc chắn quý hơn ngoại tài. Trong công việc, chúng ta tích cực bố thí là chúng ta đang nhìn thấu sự lợi hại của tâm tham, là cách chúng ta đối trị với tâm này. Do đó, chúng ta càng làm việc, càng bố thí thì chính là đang tu dưỡng nên phẩm đức của chúng ta càng lên cao.

Làm việc còn là trải nghiệm, là cơ hội để khắc phục tập khí lười biếng, chểnh mảng, sợ khó, sợ khổ và cũng là cơ hội làm ra nhiều tài vật giúp ích cho mọi người. Thông qua làm việc, chúng ta thấy các tập khí trong “năm dục sáu trần” nhẹ đi thì đó chính là tu dưỡng còn nếu thấy các tập khí tham ăn, tham ngủ, tham tiền, tham danh, tham lợi đang chiếm thượng phong thì chúng ta sai rồi. Cho nên không chỉ ở trong học đường mới là đang học tập, ngay trong công việc cũng chính là đang học tập, tu hành.

Nếu chúng ta chưa cảm nhận được rằng làm việc chính là học tập thì chúng ta có thể xem lại bộ phim phóng sự được đặt tên là “Sống” của thầy Trần Đại Huệ. Người xưa nói rằng: “Học tập chí ở Thánh Hiền” và qua bộ phim, thầy Trần đã cho chúng ta thấy rằng mọi hoàn cảnh đều là để tu dưỡng, thậm chí lao động hay đi nhặt rác cũng có thể trở thành Thánh Hiền. Cho nên, hoàn cảnh nào khiến con đường tu dưỡng của chúng ta không lớn mạnh thì chúng ta phải xem lại chính mình, có lẽ chúng ta đã dụng tâm sai!

Làm việc chính là để tu hành, mọi sự mọi việc đều là tu dưỡng. Ví dụ như chúng ta sửa được một cái bàn, rồi khởi tâm tự đắc rằng mình đã làm được việc đó. Chúng ta phải biết rằng sửa cái bàn chính là đang sửa nội tâm của chính mình, đang sửa hành nghi của chính mình, đang sửa những thói quen tệ hại nơi chính mình. Nếu chúng ta có thể nâng tầm nhận thức rằng làm việc chính là tu hành thì trong công việc sẽ không sai sót. Ngược lại, không coi làm việc là tu hành thì sẽ không có tâm kiểm soát, do đó, sẽ dẫn đến hư hại.

Mọi người có thể đặt câu hỏi rằng vì sao người chuyên tu niệm Phật, chuyên dịch các bài giảng của Hòa Thượng như tôi mà lại đi trồng rau, làm đậu phụ bố thí, cúng dường? Câu trả lời là vì tôi biết mình rất tham, nhiều đời nhiều kiếp tâm tham đi theo tôi quá nặng. Bản thân tôi từ hai bàn tay của mình chuẩn bị hạt giống, giá thể trồng cây, thậm chí xuất tiền để trang trải chi phí làm đậu phụ và trồng rau. Tôi đang cố gắng thực hành việc cho đi, cố gắng bố thí để xả tâm tham lam, bỏn xẻn.

Trước đây, tôi từng đối trị tâm này bằng một cách nữa là khi tôi nhận được một thì tôi phải đưa ra nhiều hơn phần tôi đã nhận. Tôi quan sát nội tâm mình khi nhận được tiền mà thấy vui là tôi đang tham và khi tôi có tiền, tôi có làm việc lợi ích cho chúng sanh không? Hay là tôi đưa vào tài khoản chiếm làm của riêng. Cho nên đối trị tâm tham quá nặng không cách nào khác hơn là phải bố thí. Có tài vật thì bố thí tài vật, không có tài vật thì bố thí nội tài tức là bố thí năng lực, sức lực, tài trí của mình, làm được bất cứ việc gì thì tích cực làm ngay. Đây chính là tu trong công việc.

Trong những ngày đầu tiên khi tôi bắt đầu phiên dịch đĩa giảng pháp của Hòa Thượng không có ai đồng hành cùng tôi. Tôi tự mình phiên dịch, tự biên tập, thuê người đọc, rồi tự dựng thành video và đăng lên trang web. Trung bình là từ một đến ba ngày là tôi dịch xong một đĩa. Hiện tại, các chú trong ban phiên dịch phải mất từ 7 đến 10 ngày mới dịch xong.