Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Ba, ngày 10/02/2025.
--------------------------------------------
PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP
BÀI 173
Hòa Thượng dạy chúng ta Phật pháp phải thật làm. Trong “Tam Phước Vãng Sanh” thì phước thứ ba được nói đến trong Kinh Vô Lượng Thọ là “Thọ trì đọc tụng; Vì người diễn nói”. Ý câu này không phải chỉ “đọc tụng” trên miệng mà còn là “thọ trì” nghĩa là mang giáo huấn của Phật thực tiễn vào trong khởi tâm động niệm của chính mình. Làm đúng như vậy mới có kết quả.
Vì sao chúng ta thực hành, tu học mà không được tinh tấn hơn, không thật có kết quả thậm chí lòng tin càng lúc càng bị lung lay khiến mất cả đạo tâm? Là do chúng ta chưa thật làm. Chúng ta đừng nghĩ rằng nếu bản thân không tinh tấn thì không sao. Thực tế, không tiến ắt sẽ lùi bởi vì công cuộc thay đổi tập khí của cá nhân giống như chèo thuyền ngược nước. Chỉ cần chúng ta ngưng tay chèo thì chiếc thuyền đã lùi lại phía sau vạch xuất phát, chứ không có chuyện đứng im một chỗ.
Tu hành học Phật, học chuẩn mực Thánh Hiền rất tốt, vậy tại sao nhiều người có sự lui sụt, càng học càng không thấy an vui, khởi tâm nghi ngờ Phật, Bồ Tát Thánh Hiền không có sự gia trì? Vì họ nghe hoài, nghe mãi nhưng không làm nên không có kết quả, nên không vui, không thích học. Cuộc sống thường ngày của họ phải đối diện với sự ngỗ nghịch của con cái, bất hòa giữa vợ chồng, không gắn kết giữa thân bằng quyến thuộc, do đó, họ chỉ học suông nên mất hết đạo tâm, mất hết tín tâm.
Nhiều người rơi vào thảm cảnh này, lui sụt đến mức không thể cứu vãn. Nếu việc học tập của họ được ứng dụng vào đời sống thì sẽ có sự an vui vượt cả dự đoán của bản thân, nhờ đó, tinh thần của họ sẽ càng lúc càng tinh tấn hơn. Cho nên Hòa Thượng sách tấn chúng ta rằng Phật Bồ Tát không còn lui sụt nữa vậy mà các Ngài vẫn không ngừng tinh tấn. Chúng ta còn chưa thể an trụ nơi tín tâm kiên cố nên việc thối lui rất dễ xảy ra, mọi thứ thật mong manh.
Do đó, “thọ trì” chính là thực tiễn được những giáo huấn của Phật ngay trong cuộc sống, ngay trong khởi tâm động niệm, đối nhân xử thế tiếp vật của chúng ta. Nếu chúng ta thật làm, thật tinh tấn thì niềm tin của chúng ta càng kiên cố và việc làm của chúng ta sẽ càng dũng mãnh hơn, kết quả sẽ rõ ràng hơn. Nhờ đó niềm tin lại càng mạnh mẽ hơn, công việc lại dũng mãnh hơn. Phật cùng các vị Tổ sư Đại đức từng dạy chúng ta rằng người học Phật sẽ có được hạnh phúc an vui nhưng nếu không có được hạnh phúc an vui thì đạo tâm của người học sẽ dần mất đi.
Có những người dù ở ngay bên cạnh Hòa Thượng mà vẫn rơi vào “danh vọng lợi dưỡng”, thậm chí rơi vào sắc dục. “Tài Sắc Danh Thực Thùy” lôi kéo khiến họ không cưỡng lại được. Tiền bạc và tài sản nhiều quá, không hưởng không được, cho nên Hòa Thượng cho biết rằng sau mấy mươi năm sách tấn các đồng tu, đến khi kiểm điểm lại thì người có thể kế thừa, tiếp nối mạng mạch chưa quá 10 người. Cho nên Hòa Thượng nói: “Ông tu ông đắc, bà tu bà đắc”, không có chuyện ở gần một vị đạo cao đức trọng mà có thể được hưởng nhờ.
Anan là thị giả của Phật, là người trùng tuyên lại những lời Phật dạy, cứ ngỡ rằng ở gần Phật thì sẽ không bị lôi kéo vậy mà Ngài đã bị Ma Đăng Già làm cho mê hoặc, cũng may Ngài chưa phạm giới cấm. Ngài đã khởi ý niệm cầu cứu và Phật biết chuyện nên thuyết Chú Lăng Nghiêm rồi bảo đệ tử đến cứu Anan. Sau lần đó, Anan chợt tỉnh rằng nếu không giác ngộ, không giải thoát, không vượt qua tập khí của chính mình thì sẽ vẫn bị đọa lạc.
Cho nên tất cả mọi người đều phải tinh tấn, ngày ngày tinh tấn, chỉ cần một ý niệm lơi lỏng sẽ khiến nhiều tập khí phiền não của chúng ta trỗi dậy. Tại sao thiện pháp thì khó làm mà ác pháp lại dễ làm? Vì chúng ta trong nhiều đời nhiều kiếp đã quá quen với ảo danh ảo vọng, chìm đắm trong “năm dục sáu trần”, quá quen với “danh vọng lợi dưỡng, tự tư tự lợi và tham sân si ngạo mạn”. Những ác pháp không cần ai dạy mà chúng ta đều làm được. Còn đối với thiện pháp, chúng ta mới làm, mới được dạy, nên chưa thể lấn át được ác pháp.
Hằng ngày chúng ta niệm đủ thứ, niệm lung tung, tà niệm rất nhiều, làm tổn hại tâm thanh tịnh của chúng ta trong khi chúng ta lại không niệm Phật, không đề khởi được thiện niệm, thứ rất tốt cho thân tâm chúng ta. Do đó thiện niệm không thắng được tà niệm. Nếu chúng ta không tiến thì nhất định sẽ lùi, không có chuyện chúng ta được trở về vạch xuất phát. Nhiều người tu hành tưởng rằng mình tiến bộ và vẫn còn phía trên vạch xuất phát nhưng thực tế họ đã ở dưới vạch xuất phát rất xa.