13Thứ Tư, 19/02/2025, 09:13

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng Chủ Nhật, ngày 09/02/2025.

--------------------------------------------

PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP

BÀI 171

Tu học Phật pháp cần phải mở rộng tâm lượng nếu không mọi hành động việc làm đều chỉ vì “ta” và cái “của ta”, nên đều là không tốt, đều là bất thiện. Mở rộng được tâm lượng thì tất cả mọi việc làm lúc ấy mới đúng là hy sinh phụng hiến.

Trong bài học hôm trước, có người nêu lên nghi vấn rằng nếu mở đạo tràng niệm Phật thì chỉ một thời gian, nơi đó sẽ là đạo tràng của các chúng sanh ở các tầng không gian đến tu tập. Như vậy, việc này sẽ ảnh hưởng đến mọi người xung quanh. Chỉ có người ích kỷ, tâm nhỏ hẹp mới cho là thế, khiến reo rắc nên nỗi sợ hãi. Một đạo tràng niệm Phật tinh tấn chưa bao giờ như vậy.

Trước đây tôi từng soạn một bài nghi lễ cúng chúng sanh, khuyến khích mọi người giúp ích cho họ thì cũng có thông tin rộ lên rằng: “Mời quỷ đến thì dễ mà đưa quỷ đi thì khó, sợ rằng lâu dần nhà mình sẽ trở thành ổ Ma”. Vì sao Ma thích đi kiếm chuyện trêu trọc người khác là bởi vì họ quá rảnh nên đi phá làm phá xóm, họ không có việc gì làm, không có thời gian tu tập, văn Kinh thính pháp.

Ở thế gian cũng vậy, nhiều thanh niên không có việc gì làm nên túm năm tụm ba lại và chỉ một thời gian là xảy ra chuyện. Hòa Thượng từng giải thích cho chúng ta hiện tượng Ma nhập, Ma ám, Ma phá là vì trong tâm có tâm Ma. Tâm Ma là tâm gì? Là tâm “tự tư ích kỷ, ảo danh ảo vọng”, muốn hưởng thụ “năm dục sáu trần” và “tham sân si”. Chỉ vì chìm đắm trong những tâm này nên Ma bên ngoài mới tác động được.

Ma nằm ở trong chính khởi tâm động niệm. Do đó, nếu Ma đến đây ở với tôi thì cũng tốt. Họ sẽ thấy tôi luôn tỉnh táo, không một chút ủ dột, suốt ngày làm việc, gói bánh và đi khắp nơi cúng dường. Ví dụ như ngày hôm qua tôi gói bánh xong thì đi khắp mọi nơi để tặng từ Cần Thơ, Vĩnh Long và Thành phố Hồ Chí Minh rồi lại vòng trở về Đà Lạt. Cho nên, họ cũng sẽ không có thời gian để vọng tưởng hay đi phá phách người khác. Những vị Ma nào ở đây sẽ là những vị tinh tấn còn nếu lười biếng thì chắc đã bỏ đi.

Trong xã hội ngày nay, người ta đa phần luôn khởi tâm động niệm, chỉ nghĩ đến lợi thì mới làm và họ nhất định không chịu thiệt thòi một chút nào. Cảnh giới này khác xa so với tư cách của “Người quân tử thấy lợi không màng, thấy khó dấn thân”. Hòa Thượng từng nói về tư cách ấy khiến tôi vô cùng cảm xúc. Người quân tử là người chưa học Phật mà họ đã có tâm cảnh đó, đương nhiên, người học Phật lại không nên thấy lợi thì tìm đến, thấy khó thì bỏ đi. Nếu không làm được như vậy thì đây cũng là lý do khiến Ma ám, Ma phá.

Chúng ta phải biết rằng trong đời này hoặc trong đời quá khứ, chúng ta đã tạo ra nhiều oán nghiệp nên các oan gia trái chủ luôn muốn đòi lại món nợ năm xưa. Chỉ cần có cơ hội là họ liền xuất hiện. Bất cứ ai, bất cứ lúc nào, bất cứ nơi nào, chướng ngại và khó khăn sẽ xảy ra do chính oan gia trái chủ tạo ra, cho nên, chúng ta tuyệt đối không được có bất cứ một ý niệm tự đắc, tự mãn nào vì đây là cơ hội để họ tấn công.

Trong lịch sử Phật giáo đã có dẫn chứng về việc này. Ngài Ngộ Đạt Quốc Sư sau khi gây oán thù với Tiều Thố trong tiền kiếp thì các kiếp về sau đều tu hành nghiêm túc. Trải qua như thế đến đời thứ 10, Ngài được phong tặng là Quốc Sư và được nhà Vua tặng cho chiếc ghế trầm hương, tỏa ra mùi thơm. Ngài liền khởi ý niệm: “Chỉ có quốc sư như ta mới có được chiếc ghế trầm hương này!”. Ngay lập tức, oan gia trái chủ của Ngài là Tiều Thố, liền xuất hiện, thành mụn ghẻ ăn thịt nơi đầu gối.

Chúng ta không nên nghĩ là mình không có oan gia trái chủ. Theo Hòa Thượng, sự xuất hiện của oan gia trái chủ là một việc tốt vì họ sẽ trở thành người nhắc nhở, khiến chúng ta phải thúc liễm hơn, phải cẩn trọng hơn. Nếu đời sống luôn nhẹ nhàng, thuận buồm xuôi gió, không có chướng ngại thì tâm buông lung, chểnh mảng sẽ xuất hiện và tâm cầu vượt thoát sanh tử sẽ tan nhạt. Ngược lại, nếu đời sống thường đối diện bệnh khổ, nội tâm bức bách thì sẽ thấy thế gian này không phải là chốn dễ đùa, không đáng để ở lâu.

Chúng ta hãy quán chiếu lại nội tâm mình xem, phải chăng chúng ta đang phát tâm niệm Phật cầu sanh Cực Lạc hay phát tâm học Phật cầu giải thoát chỉ là ở trên hình thức, còn trong nội tâm vẫn là đang đắm chấp, quyến luyến sâu đậm vào thế gian này. Hôm qua sau khi xong việc, trên đường trở về Đà Lạt, tôi đi ngang qua Thành Phố Hồ Chí Minh, trong tâm tôi khởi lên niệm xót xa, cảm giác như đang bỏ lại điều gì đó. Tôi nhận ra ngay đó là “tình chấp” bởi lúc này, tôi đang rời xa con tôi, rời xa cháu tôi đang ở thành phố. Rõ ràng “tình chấp” vẫn khởi lên và nếu chúng ta không nhìn thấy nó thì không thể có cách gì để đối trị.