Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Bảy, ngày 08/02/2025.
****************************
PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP
BÀI 170
Chúng ta tu học Phật pháp, chúng ta sống ở thế gian thì chúng ta phải hiểu được đạo lý cải tạo vận mệnh. Chúng ta biết rõ đạo lý cải tạo vận mệnh thì chúng ta mới cải tạo được hoàn cảnh sống của chính mình. Nhiều người học Phật nhưng không biết cách cải tạo vận mênh nên hoàn cảnh sống của họ ngày càng xấu. Nếu chúng ta làm đúng đạo lý, phương pháp thì chúng ta có thể thay đổi được vận mạng. Cuộc đời của Hòa Thượng là minh chứng cho chúng ta, tất cả những điều Ngài có trong hiện tại đều là hoa báo, do ngay trong đời này Ngài tu tích. Hòa Thượng từng nói, trước đây, Ngài không có tuổi thọ, không có phước báu, “tứ cố vô thân”, lưu lạc tha hương, Ngài đã thay đổi hoàn cảnh sống bằng cách nghe theo lời dạy của Đại sư Chương Gia là chân thật bố thí. Chúng ta không thay đổi được hoàn cảnh sống là do chúng ta không nỗ lực.
Có người hỏi Hòa Thượng: “Thưa Hòa Thượng, Đại sư Ấn Quang trong “Hộ Quốc Tiêu Tai Pháp Ngữ” đã khai thị: “Minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật”. Bởi vì tông môn giáo hạ công phu đến khi được khai ngộ thì biết được chân tánh của chính mình giống với Phật tánh cho nên gọi là “kiến tánh thành Phật”. Cho dù là “kiến tánh thành Phật” là thấy tự tánh thiên chân Phật nhưng những phiền não vi tế vẫn chưa đoạn, con xin hỏi, sau khi ngộ rồi mà chưa chứng thì có phải là vẫn bị luân hồi hay không?”.
“Kiến tánh thành Phật” là thấy tánh thành Phật. Người này hỏi rất cao, người này hỏi, sau khi đã thấy tánh rồi thì có bị thoái chuyển nữa hay không.
Hòa Thượng nói: “Người sau khi ngộ rồi thì vẫn có khả năng bị luân hồi nếu như họ không dụng công, nếu không đem cảnh giới hướng lên cao thì rất dễ dàng thối đoạn. Trong Tông môn gọi là khai ngộ, gồm có giải ngộ và chứng ngộ, Ấn Quang Đại Sư nói ở đây là giải ngộ. Người giải ngộ thì phiền não, tập khí chưa đoạn vậy thì vẫn còn phải sinh tử, một khi rơi vào sinh tử thì liền bị cái mê của cách ấm, đi đầu thai; người sau khi nhập thai thì những điều trước đây đã ngộ sẽ hoàn toàn quên. Do vậy giải ngộ chưa nắm chắc nhất định chúng ta phải chứng ngộ. Người chứng ngộ thì nhất định phải đoạn kiến tư phiền não, trần sa phiền não và phá một phẩm vô minh, lúc này, họ mới có thể chứng ngộ, minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật, trên “Kinh Hoa Nghiêm” gọi đây là “Duyên giáo sơ trụ Bồ Tát Pháp Thân Đại Sĩ”. Các bậc Bồ Tát ở trên “Kinh Hoa Nghiêm” nói đã chứng được tam bất thối”.
Nhân gian thường nói, trước khi đầu thai thì chúng ta sẽ bị bà mụ cho ăn “cháo lú”. Khi chúng ta nhập thai thì chúng ta sẽ không còn nhớ điều gì. Bồ Tát sau khi nhập thai, được sinh ra, khi có sự khải thị, nhắc nhở thì các Ngài liền tỉnh. Thí dụ, khi Bồ Tát nhìn thấy một chiếc lá vàng rơi hay nhìn thấy một cảnh vô thường thì các Ngài liền tỉnh ngộ. Hòa Thượng rất từ bi, Ngài vẫn trả lời câu hỏi, dù người hỏi rất vọng tưởng, phân biệt chấp trước, chưa đạt tới cảnh giới mà mình đang hỏi. Trong cuộc sống, có những người nói lý “không không” nhưng khởi tâm động niệm đều là “danh vọng lợi dưỡng”, “tự tư tự lợi”, “tham, sân, si, mạn”.
Hòa Thượng nói: “Thiền Tông khởi ngộ, sau khi ngộ thì khởi tu, nếu không tu thì không được, chúng ta đọc “Ảnh Trần Hồi Ức Lục” của pháp sư Đàm Hư, Ngài nói một cách rõ ràng, cả cuộc đời, Ngài chính mắt nhìn thấy, chính tai nghe được người niệm Phật đứng vãng sanh, ngồi vãng sanh, lâm chung không có bệnh khổ, biết trước giờ ra đi có hơn 20 người; nghe người khác kể lại thì con số đó không thể tính kể. Thế nhưng, Người tu Thiền mà được minh tâm, kiến tánh thì cả đời Ngài chưa từng nghe thấy, nhìn thấy”.
Hòa Thượng biết người hỏi chưa đạt tới cảnh giới tu tập này, Ngài đã nhắc nhở họ một cách hết sức khéo léo. Trên thực tế, người thật nói, thật làm, làm thật có kết quả thì ít; người nói nhiều, làm ít, làm không có kết quả thì rất nhiều.
Có người hỏi Hòa Thượng nói: “Thưa Hòa Thượng, thần hộ pháp Di Đà, tay cầm chùy kim cang, cái chùy hướng xuống đất thì biểu thị ý nghĩa gì?”.
Trong “Nhi Đồng Học Phật”, cậu bé Ba-Ca-Da nhìn thấy Phật tướng hảo quang minh, rất đẹp, cậu bé hỏi Phật: “Con phải làm như thế nào để có thể giống được như Ngài?”. Mỗi nơi có cách tạo các hình tượng trong nhà Phật khác nhau. Thí dụ, có nơi chữ vạn đầu quay về bên trái, có nơi thì chữ vạn quay về bên phải, cách lý giải nào cũng đúng. Điều quan trọng là chúng ta đã làm được chuẩn mực của Phật Bồ Tát, của Thánh Hiền hay chưa.