28Thứ Năm, 05/09/2024, 12:41
16 · Phật Pháp Vấn Đáp - 16 _ 1 16 · Phật Pháp Vấn Đáp - 16 _ 2

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Năm, ngày 05/09/2024.

****************************

PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP

BÀI 16

Khi tôi đọc bộ “Phật pháp vấn đáp”, tôi thấy có nhiều câu hỏi cho thấy tâm của người hỏi có nhiều vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Chư Phật Bồ Tát, các bậc đại đức tu hành đều làm ra biểu pháp cho chúng ta, chúng ta tin vào các Ngài thì chúng ta sẽ có thành tựu. Chúng ta không tin vào Phật Bồ Tát, các bậc đại đức nên chúng ta không có thành tựu. Các Ngài đã làm ra biểu pháp về việc tu hành và đời sống sinh hoạt, ăn uống, ngủ nghỉ cho chúng ta, chúng ta quan sát các bậc đại tu hành như thế nào thì chúng ta làm y theo như vậy.

Chúng ta thường nghe theo lời người thế gian, sau đó, chúng ta cảm thấy bất an nên chúng ta đặt câu hỏi. Tâm của người thế gian không an, động loạn nên họ cũng muốn chúng ta động loạn giống như họ. Chúng ta chỉ nghe theo những điều mà trên Kinh Phật và các bậc Tổ Sư Đại đã nói. Chúng ta không hiểu sâu Phật pháp, không học theo tấm gương của Tổ Sư Đại Đức thì chúng ta là người giống như Hòa Thượng nói: “Tự dĩ vi thị”. Chúng ta tự cho mình là đúng, là biết, điều này chướng ngại trí tuệ trong tự tánh của chúng ta. Đây là đại bệnh của tất cả chúng sanh.

Có người hỏi Hòa Thượng: “Trước khi con học Phật, mọi người đều tán thán con là người biết chuyện, người thiện lương, nhìn thấy con thì đều khởi tâm cung kính, hoan hỷ, ưa thích, Cha Mẹ của con nói con là một người con hiếu. Nhưng sau khi bước vào nhà Phật, con làm theo lời của vị Thầy dẫn dắt, dụng tâm làm Phật sự thì con thường bị mọi người hiểu lầm, chân thật là con không biết phải nên làm như thế nào?”.

Hòa Thượng nói: “Bạn phải nên nghiêm túc phản tỉnh, bạn xem lại, khi bạn bắt đầu học Phật là bạn đã học sai rồi!”. Nhiều người học Phật nhưng bị người khác dẫn dắt, khiến cho họ ngày càng tăng thêm “danh vọng lợi dưỡng”, ảo danh ảo vọng. Chúng ta thường vui sướng khi được khen, phiền não khi bị chê, chúng ta có tâm cảnh như vậy thì chúng ta càng làm, chúng ta sẽ càng cống cao ngã mạn.

Gần đây, trên báo đăng, có hai vợ chồng trước đây sống rất hạnh phúc, từ khi người vợ thường đi chùa thì gia đình bắt đầu có xung đột. Người chồng là người đảm đang, có trách nhiệm với gia đình, khi đi làm về thì anh thường giúp vợ công việc may vá. Một thời gian sau, người vợ đi lên chùa và không về nữa, sau đó hai người ly dị. Nguyên nhân của việc này là do, sau khi người vợ đi chùa thì cô có một chút địa vị, mỗi lời nói ra đều là “nhất hô bá ứng”, mỗi lời nói ra có hàng nghìn người nghe nên cô chìm trong danh vọng.

Chúng ta nhiễm bất cứ thứ nào trong năm thứ “tài, sắc, danh, thực, thùy” thì những thứ khác chúng ta đều có đủ, những thứ này tuy năm mà là một. Chúng ta đừng cho rằng chúng ta chỉ ham ngủ, chứ chúng ta không ham danh, chúng ta nặng về bất cứ thứ nào thì những thứ khác cũng đang trực chờ xuất hiện. Hòa Thượng nói: “Chúng ta phải nghiêm túc phản tỉnh!”. Chúng ta xem chúng ta có đang học sai không? Trước khi học Phật, chúng ta không dính mắc danh lợi, sau khi học Phật, chúng ta có địa vị, có mối quan hệ, có tên tuổi thì chúng ta thường dính mắc vào “danh vọng lợi dưỡng”.

Hòa Thượng nói: “Phàm là người học Phật thường hay xuất hiện những vấn đề này, đây không phải do lý luận có vấn đề mà là phương pháp chúng ta ứng dụng có vấn đề. Hoặc là ở trong hoàn cảnh, bạn ứng đối không thỏa đáng, không phù hợp. Chúng ta học Phật thì chúng ta phải khiến nhiều người hoan hỷ, tán thán, yêu thương”. Chúng ta làm từ thiện ở các nơi nhưng chúng ta chìm đắm trong lời khen, chúng ta càng làm càng tăng thêm “danh vọng lợi dưỡng” thì đó không phải là chúng ta đang làm Phật sự. Chúng ta làm việc thiện bằng tâm chân thành, thanh tịnh, bình đẳng thì đó mới là chúng ta làm Phật sự.

Trước đây, khi tôi còn nhỏ, tôi nghe mọi người nói trì chú thì đi đường sẽ không gặp Ma nên tôi cũng trì chú, tôi đọc chú càng ngày càng nhanh. Điều này khiến tâm tôi ngày càng trở nên vội vàng, nóng nảy. Khi đó, tôi trì chú là để cầu lợi ích cho bản thân không phải vì lợi ích cho chúng sanh. Đây là lý luận không sai nhưng tôi đã dùng sai phương pháp. Chúng ta trì chú là để tâm chúng ta ngày càng trở nên an tịnh.