Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Năm, ngày 06/02/2025.
****************************
PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP
BÀI 168
Tu hành chính là chuyển nghiệp lực thành nguyện lực, chuyển phiền não thành Bồ Đề. Chúng ta đã chuyển đổi được nghiệp lực thành nguyện lực chưa? Hằng ngày, chúng ta chuyển được nghiệp lực thì ít nhưng thối lui nhiều, do vậy chúng ta ngày càng bị thụt lùi. Việc chuyển nghiệp lực thành nguyện lực, chuyển phiền não thành Bồ Đề rất cần thiết để hiện tại có được tâm an tịnh , tương lai có thể giải thoát. Chúng ta thường lo lắng về nhiều việc nhưng những việc này không liên quan đến việc giải thoát sinh tử. Chúng ta cùng học tập, cùng nhắc nhở nhau đề cao cảnh giác vì mỗi ngày chúng ta gặp rất nhiều duyên khiến chúng ta lui sụt, gặp rất ít duyên giúp chúng ta tiến đạo.
Làm thế nào để chúng ta chuyển nghiệp lực thành nguyện lực, chuyển phiền não thành Bồ Đề? Chúng ta chỉ cần thay đổi khởi tâm động niệm của mình, nếu chúng ta có một niệm vì người thì nghiệp lực trở thành nguyện lực, nếu chúng ta khởi một niệm vì mình thì nguyện lực trở thành nghiệp lực. Chúng ta vì người mà lo nghĩ thì đó là tâm Bồ Đề, chúng ta vì mình lo nghĩ thì đó là phiền não. Chúng ta phải chuyển đổi từ ngay trong ý niệm của chính mình. Điều này không khó nhưng cũng không dễ, tất cả là do thói quen của chúng ta. Hằng ngày, chúng ta khởi tâm động niệm chỉ nghĩ đến mình hay khởi tâm động niệm vì người thì dần dần nó sẽ trở thành thói quen. Chúng ta vì mình lo nghĩ, vì mình mà làm thì chắc chắn chúng ta có phiền não, chúng ta vì người thì chúng ta không có phiền não.
Hôm qua, tôi nói với mọi người, nếu ai đang phiền não thì hãy đến làm ở vườn rau, lò đậu chỉ sau vài tuần thì họ sẽ có niềm vui. Sắp tới có các trại hè, nếu chúng ta đến các trại hè hỗ trợ làm trợ giảng thì chúng ta sẽ có niềm vui. Nếu chúng ta tham dự toàn bộ 14 trại hè thì chúng ta sẽ có bước ngoặt thay đổi khởi tâm động niệm của chính mình.
Hôm qua, con gái tôi nói, từ khi sinh ra, thời gian mà cháu tôi cười nhiều hơn tất cả thời gian mà con gái tôi đã từng cười. Niềm vui của đứa trẻ đến từ đâu? Niềm vui đó đến từ nội tâm. Chúng ta phải khai thông nội tâm của mình. Nội tâm chúng ta không rỗng rang, an tịnh vì chúng ta có rất nhiều lo toan, buồn vui, thương ghét, giận hờn. Khi chúng ta làm việc lớn, chúng ta cũng không cần lo toan, chúng ta không cần động tâm là việc mình làm có thành công hay không.
Có nhiều người niệm Phật lâu năm nhưng họ luôn lo lắng, tâm họ như vậy thì không thể vãng sanh. Điều then chốt trong việc tu hành pháp môn Tịnh Độ đó là chúng ta phải buông bỏ thân tâm thế giới, chúng ta buông bỏ thì chúng ta mới có thể vãng sanh. Trong tiết mục “Táo quân” vào dịp Tết năm nay, có một lần, máy chấm công của Thiên Lôi nói: “Xin hẹn lại năm sau!”. Nếu chúng ta còn vướng bận, lo toan thì sẽ “xin hẹn chúng ta vào vô lượng kiếp sau”. Chúng ta phải đặc biệt chú ý để chuyển phiền não thành Bồ Đề. Chúng ta khởi tâm động niệm vì mình lo nghĩ thì đó là phiền não. Chúng ta khởi tâm động niệm vì người lo nghĩ thì đó là Bồ Đề.
Có người hỏi Hòa Thượng: “Thưa Hòa Thượng, Bồ Tát còn có bị nhân quả báo ứng hay không?
Phật Bồ Tát hiểu rất rõ nhân quả báo ứng, các Ngài luôn tuỳ theo nhân quả mà làm. Trong “Kinh Nhân Quả” nói: “Bồ Tát sợ nhân chúng sanh sợ quả”. Chúng ta tuỳ tiện tạo nhân khi quả báo hiện tiền thì khiếp sợ, cầu cứu, lúc này đã không còn kịp. Bồ Tát thận trọng trong việc tạo nhân, các Ngài không tuỳ tiện tạo nhân ác, hay thậm chí, các Ngài không làm việc tạo duyên tiền đề để khiến người khác tạo ác. Trên Kinh nói: “Bồ Tát có một pháp là thường niệm thiện pháp, tư duy thiện pháp, quán sát thiện pháp, không để một chút ý niệm bất thiện xen tạp”.
Hòa Thượng nói: “Ngày trước, đại sư Bách Trượng gặp một người già tu luyện, ông lão này do Hồ Ly tinh tu luyện biến thành. Con Hồ Ly già này trong đời quá khứ là một vị pháp sư giảng Kinh, nói pháp, một hôm, có người hỏi ông: “Bậc đại tu hành còn rơi vào nhân quả hay không?”. Ông trả lời là: “Bất lạc nhân quả”. Không rơi vào nhân quả. Kết quả là ông đọa súc sanh thành một con chồn, sau khi con chồn tu hành 500 năm thì biến thành người, đến thỉnh giáo Đại sư Bách Trượng về việc làm thế nào thoát khỏi cõi súc sanh. Đại sư nói: “Ngày mai, trên giảng đường giảng Kinh, ông hãy hỏi lại ta câu hỏi này, ta sẽ trả lời cho ông và đại chúng”. Ngày hôm sau, ông lão này cung kính hướng đến Ngài thỉnh pháp, nêu ra vấn đề này, ông hỏi: “Bậc đại tu hành có rơi vào nhân quả không?”. Đại sư Bách Trượng trả lời: “Bất muội nhân quả”. Các Ngài không mê muội mà tường tận với nhân quả, các Ngài tường tận nên các Ngài không làm việc trái nhân quả, không tạo nên quả xấu”.