21Thứ Tư, 05/02/2025, 16:13

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Tư, ngày 05/02/2025.

--------------------------------------------

PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP

BÀI 167

Tu hành trong nhà Phật là phải thật làm. Trong Kinh Kim Cang Phật dạy rằng: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng. Nhất thiết hữu vi pháp như mộng huyễn bào ảnh.” Cho nên không có thứ gì là thật, kể cả “danh vọng lợi dưỡng” cũng chỉ là hư ảo nhưng lại có thể khiến chúng ta đắm chấp trong đó. Sanh tử luân hồi lại là thật cho nên chúng ta phải phản tỉnh điều này.

Từ ngàn xưa đến nay, trải qua bao đời vua chúa nổi danh nhưng rốt cục vẫn là “đồng quy vu tận” mà không ai nắm giữ cái vốn dĩ không thật là danh vọng lợi dưỡng. Câu chuyện của nhưng nhà thông linh tiết lộ cho chúng ta biết rằng có những vị vua mất đã cả 1000 năm nhưng vẫn đang khốn khổ trong vòng sinh tử đọa lạc, không cách gì thoát ra được. Chúng ta biết điều này rồi thì phải hết sức thận trọng.

Chúng ta luôn cố gắng khởi tâm động niệm luôn vì người và thúc liễm những ý niệm vì mình, không để nó phát tác. Đây chính là tu hành chân thật. Một đạo tràng vài ngàn người, vài chục ngàn người mà không tu hành chân thật thì không nói lên điều gì. Chúng ta đặc biệt phải chú ý rằng Phật pháp có chuẩn mực của Phật pháp, Thánh Hiền có chuẩn mực tương thích với Thánh Hiền và con người sống ở thế gian có luật pháp, hiến chương, phong tục tập toán, lễ lạt v..v Chúng ta phải hoàn toàn tuân thủ theo những chuẩn mực, luật pháp, hiến chương, phong tục đó chứ không phải hình thức này bị xử phạt thì chúng ta tránh sang hình thức khác.

Tu hành cốt là để sửa lỗi. Thánh Hiền xưa nói: “Con người không phải là Thánh Hiền thì ai mà không có lỗi. Lỗi mà biết sửa thì không có gì tốt bằng”. Nếu có lỗi mà không biết sửa, vậy thì không thể hết lỗi. Chữ “Tu” là sửa lỗi, là tự làm mới. Trong Đệ Tử Quy có câu: “Nghe khen sợ, nghe lỗi vui”. “Nghe khen sợ” vì đó là những thứ làm chúng ta quên đi chính mình. Đó chỉ là ảo danh ảo vọng cản trở chúng ta tiến đạo. “Nghe lỗi vui” là chúng ta còn có người chỉ lỗi cho mình là một điều may mắn. Đáng buồn nhất là không ai chỉ lỗi cho chúng ta thì không ai có thể cứu được.

Mùi hương của các loài hoa không thể bay ngược gió chỉ có mùi hương của đức hạnh mới ngược gió tung bay khắp muôn phương. Cho nên Hòa Thượng nói: “Đức hóa thiên hạ” – Đức cảm hóa thiên hạ. Đức hạnh chính là “Giới”. Nếu không có đức mà cảm hóa được thiên hạ thì đó chỉ là trên hình thức, thiên hạ chỉ làm theo mà không có “Giới” đức thì thiên hạ sẽ loạn.

Hòa Thượng khẳng định Phật pháp trọng thật chất, tức là thật làm chứ không trọng hình thức, do đó, tu học Phật pháp quan trọng nhất là chính mình phải làm, chính mình làm rồi thì những người khác sẽ tự động làm theo. Những người học Phật, học chuẩn mực Thánh Hiền không thực hành theo lời dạy, đua nhau chạy theo danh lợi đã khiến những người trong xã hội có cái nhìn không đúng. Cho nên đây cũng là lý do vì sao Phật pháp và chuẩn mực Thánh Hiền bị mai một.

Điều căn bản Phật dạy chúng ta phải biết bố thí, kể cả xả bỏ cả chính mình, xả bỏ thân tâm thế giới ở nơi chính mình chứ không chỉ xả tiền bạc bên ngoài. Vật chất bên ngoài xả được chưa phải là chân thật xả mà xả được tập khí phiền não, xả được thân tâm thế giới mới là chân thật xả. Đến thân tâm thế giới còn buông được thì mọi thứ chẳng có chỗ nào mà bám víu. Nhưng con người lại cường độ việc bố thí tài vật mà không nhấn mạnh việc buông bỏ thân tâm thế giới.

Đã từ rất lâu, nói đến “Bố thí” là con người khởi tâm nghi ngờ. Họ cho rằng việc làm này chẳng qua chỉ là miếng mồi nhử, chẳng qua để PR mà thôi. Có rất nhiều người ngạc nhiên hỏi rằng: “Chẳng lẽ cho hoài sao?” Họ tưởng rằng việc “Bố thí” chỉ trong một thời gian rồi đến ngày nào đó sẽ trở thành bán hàng mà bán với giá đắt. Quả thật tôi chỉ biết nói với họ rằng: “Nếu tôi còn ở thế gian này thì những gì xung quanh tôi đều được cho đi một cách miễn phí.

Trong Lục Độ Ba La Mật của Bồ Tát thì “Bố thí” đứng đầu. Người có thể “Bố thí” chân thật là người buông xả thân tâm thế giới, cho nên, mọi thứ xung quanh chẳng có chỗ để bám víu vào họ. Đối với “Năm dục sáu trần”, nếu bản thân mình còn không thấy có thì làm sao có chỗ để hưởng thụ “Năm dục sáu trần”. Nếu còn thấy có bản thân thì mới khởi “Tham Sân Si Mạn”. Tương tự đối với “Danh vọng lợi dưỡng” và “Tự tư tự lợi”, chẳng có chỗ để bám víu.