

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Ba, ngày 04/02/2025.
--------------------------------------------
PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP
BÀI 166
Chúng ta tu hành cần chọn một pháp. Theo tứ y pháp thì chúng ta chọn pháp liễu nghĩa mới có thể thành tựu. Pháp được chọn phải phù hợp với phương thức đời sống và công việc của chính mình. Rất nhiều người chọn sai pháp, không thuận tiện trong công việc và không dung hòa giữa tu hành với đời sống nên dẫn đến nhiều phiền não. Họ thậm chí còn đối diện với mâu thuẫn gia đình. Trong bối cảnh đó, họ không biết cách nào để giải tỏa vì trong tư tưởng chỉ nghĩ là học Phật, niệm Phật, ăn chay là tốt nên bắt cả gia đình làm theo khiến sinh ra phiền não.
Ngày nay nhiều người học tập hay đọc Kinh giáo đều không khế nhập là do họ đã chọn pháp quá cao nên làm không nổi. Hằng ngày đến Tam quy Ngũ giới và Thập thiện làm chưa tốt nhưng đã mau mắn đi thọ Bồ Tát giới. Họ cho rằng thọ Bồ Tát giới thì thành Bồ Tát. Tuy nhiên, đời sống của họ thì bức bách, buồn khổ, không an vui và tư duy hành động thì không có một chút nào giống Bồ Tát. Đó chỉ là Bồ Tát trên danh tự, trên hình thức chứ thực chất thì chưa phải là Bồ Tát.
Cho nên học Phật là phải thực hành những gì chúng ta đã học, đã nói, không phải là “vung tay quá trán”, nói cho người khác làm còn mình thì không chịu làm. Có người ngày ngày bảo người ta buông xả, bố thí còn bản thân thì vơ vào càng nhiều càng tốt. Phật Bồ Tát luôn nói những gì các Ngài đã làm nên lời nói của các Ngài luôn chân thật.
Việc học tập tu hành nơi nhà Phật không thể nóng vội, nhanh chóng. Hòa Thượng từng dạy rằng muốn loại trừ, thay đổi tập khí thì cần phải trải qua thời gian dài chẳng khác gì một bình từng đựng rượu phải mất một thời gian mở nắp mới bay hết mùi rượu. Việc đối trị không thể nhanh, không thể một sớm một chiều mà làm được ngay. Bởi thế, tượng của thập bát A La Hán, bậc đã chứng Lậu Tận Thông, đều có mỗi người một vẻ, có vị ngồi đó mà miệng như vẫn đang nhai là muốn nói đến tập khí vẫn còn. Thậm chí, đã là A La Hán rồi, khi nghe tiếng nhạc, trong bất giác họ vẫn tự động đứng dậy múa theo tiếng nhạc, đến khi kiểm soát lại mới phát giác ra.
Cho nên, 16 chữ tập khí phiền não mà Hòa Thượng từng nhắc gồm “danh vọng lợi dưỡng, tự tư tự lợi, năm dục sáu trần, tham sân si mạn” đã được huân tập trong chúng ta rất sâu dày, nhiều đời, nhiều kiếp. Cho nên muốn thay đổi nó phải mất rất nhiều thời gian, mỗi ngày một ít.
Câu hỏi đầu tiên trong bài học hôm nay, có người hỏi Hòa Thượng rằng: “Kính bạch Hòa Thượng, tu học thành tựu ở các tông các phái đều có sự khác biệt. Ví dụ Mật tông thì “Tức thân thành Phật”, Thiền tông thì “Minh tâm kiến tánh” và vãng sanh Tịnh Độ tông thì “Bất thối thành Phật”, vậy ba bậc này có gì khác biệt không ạ?”
Là hành giả tu hành, chúng ta cứ thành thật niệm Phật, không cần khởi lên ý muốn tìm hiểu, đọc qua, xem qua để biết người khác tu thế nào. Điều này cho thấy chúng sanh quá phức tạp, nhiều chuyện, càng cho thấy nghiệp chướng, chấp trước của chúng sanh quá nặng. Bởi thế mà việc độ chúng sanh của Phật, Bồ Tát rất là cực khổ. Nếu chúng sanh nghe lời thật làm thì Phật Bồ Tát đâu có vất vả. Như ông thợ vá nồi cả ngày niệm Phật, mệt thì nghỉ, nghỉ rồi thì lại niệm tiếp. Người như ông quả thật là lão thật, trung thật, thành thật không có vọng tưởng phân biệt. Ông được dạy sao thì ông làm như vậy.
Trả lời câu hỏi này, Hòa Thượng nói: “Thành Phật thì hoàn toàn như nhau nhưng khi tu hành thì phương pháp có sự khác nhau. Đối với tôi mà nói, Tịnh tông niệm Phật vãng sanh, “Bất thối thành Phật” là dễ dàng nhất, còn Mật tông – “Tức Thân thành Phật” hay Thiền tông – “Minh tâm kiến tánh” thì rất khó làm. Năm xưa, lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ - một vị Kim cang Thượng sư của Mật tông đã từng nói với tôi về vấn đề Mật tông “Tức tâm thành Phật”.
“Ngài nói dân số chúng ta có 13 ức, sau giải phóng 50 năm, người tu hành Mật tông thành tựu chỉ có 6 người. Ông nói rằng: “Thế gian hiện tại, căn tánh tu học Mật tông không có nữa, về sau tu học Mật tông cũng sẽ không thành tựu.” Cho nên cả đời của lão cư sĩ đi đến khắp nơi đều tuyên dương Tịnh Độ, đều khuyên người trì danh niệm Phật và bản thân Ngài cũng niệm Phật vãng sanh. Việc này đồng tu ở Bắc Kinh đều biết. Trước lúc ông vãng sanh nửa năm, mỗi ngày ông niệm mười mấy vạn câu Phật hiệu. Đây là tấm gương tốt của người niệm Phật chúng ta. Ngài không dùng Mật pháp tu Tịnh Độ mà dùng phương pháp niệm Phật để tu Tịnh Độ. Đây là một khải thị rất quan trọng cho chúng ta.”