25Thứ Ba, 04/02/2025, 10:10
165 · Phật Pháp Vấn Đáp - 165 _ 1 165 · Phật Pháp Vấn Đáp - 165 _ 2

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Hai, ngày 03/02/2025.

--------------------------------------------

PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP

BÀI 165

Hòa Thượng dạy chúng ta tu hành là để đối trị tập khí phiền não, hàng phục thói hư tật xấu của mình chứ không phải cầu có cảm ứng và thần thông. Cảm ứng là mong muốn trong đời sống có nhiều điều tốt đẹp vượt ngoài ý muốn. Tâm mong cầu đó khiến người ta rơi vào cảnh Ma, bị Ma dẫn dụ. Thỏa mãn tham cầu năm dục sáu trần chỉ là cảm ứng của Ma.

Nhiều người, thậm chí là người tu hành nhiều năm cũng không biết điều này. Người xưa từng dạy: “Phật Bồ Tát thành tựu điều tốt đẹp cho người chứ không phải thỏa mãn danh vọng lợi dưỡng cho người”. Cho nên có người nói cha A Di Đà cho cái nhà này, cho cái nhà kia là tư duy khập khiễng. Chúng ta phải hiểu rằng: “Người phước thì ở đất phước và đất phước chỉ dành cho người phước.

Hòa Thượng nói rằng Phật đem hết đạo lý phương pháp chỉ dạy cho chúng ta để chúng ta hiểu và sống phù hợp với chân tướng vũ trụ nhân sanh, phù hợp trong các mối quan hệ giữa người với người, giữa người với thiên địa quỷ thần và giữa người với hoàn cảnh đại tự nhiên. Do đó, chúng ta đừng bao giờ khởi ý niệm mong cầu đời sống thuận tiện mà nên hướng tới mong muốn cho chúng sanh được điều tốt đẹp.

Câu hỏi đầu tiên trong bài học hôm nay, có người hỏi Hòa Thượng rằng: “Kính bạch Hòa Thượng, người sơ học và người tu hành lâu năm, người thì có đời sống thanh nhàn và người lại bận rộn, vậy làm sao để tu hành trong từng hoàn cảnh hoặc thanh nhàn, hoặc bận rộn như vậy ạ?

Khi chúng ta nỗ lực học tập đủ lâu thì chúng ta sẽ biết cách làm thế nào để tu học. Có người cũng hỏi tôi câu hỏi rằng tu làm sao cho đúng pháp? Tôi trả lời rằng chỉ cần nghe Hòa Thượng giảng thật nhiều từ vài năm trở lên thì sẽ tự biết làm thế nào. Sáng nay, tôi khởi lên một ý niệm và ý niệm đó có lợi cho rất nhiều người. Cho nên khởi niệm của chúng ta cũng phải là vì lợi ích chúng sanh, lợi ích cộng đồng và xã hội chứ không khởi niệm vì cơm áo gạo tiền, danh vọng cá nhân thì đó là đúng pháp. Chúng ta có thể hoặc không thể thành Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền đều là do trong ý niệm.

Trả lời câu hỏi đầu tiên, Hòa Thượng nói: “Tu học phải chọn lựa một hoặc hai loại thích hợp với trình độ và hoàn cảnh đời sống của chính mình. Không cần phải chọn quá cao.” Có người có học lực trong xã hội cao nên nghĩ rằng không thể chọn pháp quá thấp nên họ rơi vào trạng thái nói thì được nhưng làm không được. Hòa Thượng tiếp lời: “Điều kiện cơ bản nhất là phải phù hợp ngay trong đời sống của mình như sách Liễu Phàm Tứ Huấn, Kinh A Nan vấn Phật sự kiết hung, sách Thái Thượng Cảm Ứng Thiên, Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo. Đây là nền tảng của sự tu hành. Không luận là chúng ta tu học Đại thừa hay Tiểu thừa, Hiển giáo hay Mật giáo, Tông môn giáo hạ thì đây là căn bản của sự tu hành. Cũng giống như xây dựng một ngôi nhà thì nền móng là vô cùng quan trọng.

Móng chắc thì nhà đứng vững, móng không chắc thì nhà mau đổ vỡ. Sự tu học của chúng ta cũng vậy, chúng ta có xây dựng trên nền móng hay không? Học tập Thái Thượng Cảm Ứng Thiên – cuốn sách nói về nhân quả, tội phước báo ứng giúp chúng ta không mắc sai lầm. Liễu Phàm Tứ Huấn là sách chỉ dạy phương pháp hành thiện, tích thiện, nhờ đó thay đổi được vận mệnh của chúng ta. Thập Thiện Nghiệp Đạo là để chúng ta đối trị ba nghiệp “Thân khẩu Ý”. Cho dù chúng ta tu pháp môn nào mà không có nền tảng này thì như nhà không có móng, để rồi việc tu học của chúng ta tưởng là tốt nhưng đến một ngày sẽ có tác dụng phụ xuất hiện.

Cho nên chúng ta phải xây dựng nền móng vững chắc. Ngày ngày chúng ta không thể không tu thiện, tích thiện. Hãy thử cho đi, chúng ta sẽ thấy, càng cho đi thì chúng ta sẽ càng nghĩ ra nhiều việc để làm, nghĩ ra nhiều thứ để bố thí. Muốn vậy, chúng ta phải dụng tâm, sau đó là nỗ lực làm việc bằng tâm bằng sức chứ không nói bằng miệng. Đây là cách chúng ta cải tạo vận mệnh một cách tốt nhất. Tuy nhiên, nếu chúng ta chỉ làm trên hình thức mà nội tâm không thay đổi thì không thể cải tạo vận mệnh.

Cho nên, Hòa Thượng nhắc đến Thái Thượng Cảm Ứng Thiên, Liễu Phàm Tứ Huấn và Thập Thiện Nghiệp Đạo. Đây là căn bản của căn bản. Vậy chúng ta đã xây dựng được tốt chưa mà mong muốn vãng sanh Tây Phương Cực Lạc, hay mong muốn được đến một cõi an lành hay mong muốn ngay hiện đời được sống an vui hạnh phúc. Chúng ta không cần mong muốn, chỉ cần xây dựng được nền tảng thì nhất định ngay cuộc sống này được an vui, hạnh phúc.