31Thứ Ba, 04/02/2025, 10:10
161 · Phật Pháp Vấn Đáp - 161 _ 1 161 · Phật Pháp Vấn Đáp - 161 _ 2

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Năm, ngày 30/01/2025.

****************************

PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP

BÀI 161

Hòa Thượng dạy chúng ta: “Đức hóa thiên hà”. Đức hạnh của chúng ta sẽ cảm hóa được mọi người. Chúng ta chỉ cần tu hành, sửa mình thì sẽ cảm hóa được người và thiên nhiên. Thiên nhiên ngày càng khắc nghiệt vì con người đã rời xa tính đức vốn thiện của chính mình. Hòa Thượng từng nói: “Một ý niệm thiện khởi lên thì châu biến pháp giới. Một ý niệm ác khởi lên cũng châu biến pháp giới”. Chúng ta quán sát, hằng ngày, chúng ta khởi lên bao nhiêu ý niệm thiện, bao nhiêu ý niệm ác?

Trong xã hội hiện đại, thiên tai, lũ lụt, động đất, sóng thần, cháy rừng diễn ra ngày càng nhiều. Gần đây, ở một đất nước khoa học kỹ thuật rất phát triển, mọi người đều bất ngờ vì một trận cháy rừng lớn đã xảy ra và thiêu trụi rất nhiều căn nhà. Nếu con người khuyết đức thì mọi việc đều có thể xảy ra. Tôi khuyên mọi người cũng là nhắc nhở chính mình là chúng ta phải mở rộng tâm lượng, tu phước, tích phước, tiếc phước. Tiếc phước là chúng ta không lãng phí phước mà chúng ta để dành phước báu cho những chúng sanh khổ nạn, những người cần được cứu giúp. Nếu chúng ta thật tin đạo lý này thì chúng ta sẽ thật làm. Thánh Hiền xưa đã nói: “Quân tử vui làm quân tử, tiểu nhân oan ức vẫn làm tiểu nhân”. Người có phước thì nhất định sẽ được hưởng phước, người không có phước thì cho dù oan ức, cho dù họ có oán trời, trách người cũng không có phước để hưởng.

Chúng ta tu phước bằng cách chúng ta mở rộng tâm lượng, biết nghĩ về người khác. Thí dụ, chúng ta đi trên đường, chúng ta nhặt một mảnh rác, một khúc gỗ thì đó cũng là chúng ta đã tu phước, không phải chúng ta xây chùa to, xây tượng Phật to thì chúng ta mới có phước báu. Người xưa nói: “Người phước nhất định ở đất phước, đất phước chỉ dành cho người phước”. Tại sao chúng ta không tích cực tạo phước mà chỉ tích cực hưởng phước? Chúng ta có phước đủ ở cõi người thì chúng ta nhất định được sinh đến cõi người, chúng ta có đủ phước đến cõi trời thì chúng ta nhất định sinh đến cõi trời, chúng ta đủ phước đến thế giới Tây Phương Cực Lạc thì chúng ta nhất định sẽ đến được đó. Chúng ta không cần cầu khẩn, van xin ai mà chúng ta chỉ cần tích cực tu tích phước đức. Phật Bồ Tát, Tổ Sư Đại Đức đã dạy chúng ta nguyên lý nguyên tắc và đã làm ra tấm gương cho chúng ta.

Hằng ngày, có những người phải đi chợ mua rau, mua đậu nhưng ở đây, mỗi ngày tôi đều cho đi rất nhiều rau, hai vườn rau quanh nhà tôi luôn phát triển xanh tốt, trời càng lạnh thì rau càng phát triển. Chúng ta tích cực lao động, luôn vì người khác lo nghĩ thì mới có kết quả tốt đẹp như vậy. Hàng xóm cho rằng chúng ta đã rất vất vả để chăm sóc vườn rau nhưng tôi cảm thấy chúng ta không vất vả lắm. Chúng ta phải tích cực tu phước, tích phước, tiếc phước, chúng ta làm nhiều thì những việc làm của chúng ta sẽ trở thành tự nhiên, không gượng gạo. Chúng ta hiểu được nguyên lý, nguyên tắc thì mọi hành động, việc làm thiện của chúng ta sẽ trở thành tự nhiên. Nếu mọi ý niệm, việc làm thiện của chúng ta diễn ra một cách tự nhiên thì chúng ta đã tạo thành công đức.

Người thế gian tưởng rằng tham cầu thì sẽ có được nhưng chúng ta tham cầu, mong muốn thì chúng ta không bao giờ có được. Đầu năm, người thế gian đi cầu cúng, hái lộc để tìm cầu phước lộc, họ không hiểu được đạo lý là chỉ có chính mình mới tự ban phước cho chính mình. Chúng ta tích cực làm việc thiện lành, giúp ích xã hội, cộng đồng chính là chúng ta tự mình ban phước lành cho chính mình. Những người cùng khổ hoan hỷ tiếp nhận sự giúp đỡ của chúng ta là người đã giúp chúng ta có cơ hội tu phước. Trên Kinh nói: “Một ngày tu ở thế giới Ta Bà bằng 100 năm tu ở cõi Cực Lạc”. Vì ở thế giới Cực Lạc, tất cả chúng sanh đều là Bồ Tát Bất Thoái nên ở đó, chúng ta không có cơ hội hành bố thí.

Có người nói rằng, tôi chọn được mảnh đất có phong thủy tốt nên vườn rau của tôi mới phát triển xanh tốt, các loài hoa mới nở rực rỡ như vậy. Chúng ta tích cực làm để cho đi, đây chính là chúng ta đã chọn phong thủy tốt. Họ không biết đó là do chúng ta tích cực lao động, sáng và chiều chúng ta đều tưới, chăm sóc cây. Phong thủy không tự nhiên tốt đẹp, cây không thể mọc lên từ sân làm bằng bê-tông. Tâm chúng ta bỏn xẻn, vô cảm thì phước báu không thể sinh ra. Chúng ta thật hiểu được đạo lý nhân quả thì chúng ta hãy tuân theo đó mà làm. Từ sơ phát tâm đến khi viên thành Phật đạo chúng ta không thể rời khỏi đạo lý nhân quả. Phật Bồ Tát cũng tu tích từng chút công đức, không phải tự nhiên mà các Ngài trở thành phật Bồ Tát, các Ngài đã trải qua vô lượng kiếp tu hành. Trong “Kinh Hiền Ngu” nói về những đời quá khứ của Thích Ca Mâu Ni Phật, để được học Phật pháp, Ngài phải đánh đổi bằng đôi mắt, bằng hạnh phúc gia đình. Chúng ta khởi tâm động niệm đều phải nghĩ đến việc tu tích, chúng ta rời xa ý niệm mong cầu thì chúng ta có công đức, chúng ta còn có ý niệm mong cầu thì chúng ta chỉ có phước báu.