20Thứ Ba, 04/02/2025, 10:10
162 · Phật Pháp Vấn Đáp - 162

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Sáu, ngày 31/01/2025.

****************************

PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP

BÀI 162

Hòa Thượng thường nhắc nhở chúng ta, chúng ta hưởng phước hay chịu nạn đều do chính mình “tự tác tự thọ”, tự làm tự chịu. Đạo lý này tưởng chừng dễ hiểu nhưng rất nhiều người không hiểu. Khi người thế gian gặp được những điều tốt thì họ cho rằng đó là do họ may mắn, gặp điều không tốt thì họ cho rằng đó là do họ xui xẻo. Họ không biết rằng may mắn hay xui xẻo là do khởi tâm động niệm của chính mình.

Hằng ngày, tôi dậy sớm lễ Phật, sau khi lạy Phật xong, tôi nhất định phải nghĩ đến một việc nào đó để giúp ích cho mọi người. Sáng nay, tôi nghĩ đến ở những nơi hẻo lánh nhiều người chưa có cuộc sống ấm no nên tôi đã chuyển tiền đi nhiều nơi để giúp đỡ mọi người. Nếu chúng ta chỉ khởi tâm động niệm mà không làm thì đó là chúng ta vọng tưởng, nếu chúng ta chuyển ý niệm thành hành động thì ý niệm đó trở thành nguyện lực.

Hòa Thượng nói: “Chư Phật Bồ Tát rất từ bi nhưng khi chúng sanh gặp tai nạn, Phật Bồ Tát, Thánh Hiền, Thần cũng không có cách để giúp họ”. Chúng ta phải thấu hiểu việc này, không ai có thể giúp được chúng ta, chúng ta không cần van xin ai mà chính chúng ta phải nỗ lực. Phật Bồ Tát giúp chúng ta bằng cách các Ngài giáo hóa giúp chúng ta giác ngộ, quay đầu, thật làm. Chữ “Hóa” này rất hay! Tết năm nay, tôi nhớ đến bốn chữ mà Hòa Thượng nhắc nhở chúng ta đó là: “Đức hóa thiên hạ”. Chúng ta dùng đức hạnh, đạo đức của chính mình làm ra tấm gương để người khác làm theo.

Chánh pháp luôn dạy người vì chúng sanh lo nghĩ. Tà pháp dạy người nghĩ đến lợi ích của riêng mình, thỏa mãn dục vọng, bá đồ của riêng mình. Chúng sanh chịu khổ nạn vì họ không biết tu phước, tích phước. Ngày trước, chúng ta cũng không biết tích cực tu phước, tích phước nên chúng ta đã phải nhận khổ nạn. Khi chúng ta giác ngộ, chúng ta biết tu phước, tích phước thì chúng ta nhận thấy mọi sự đều hanh thông. Người thế gian phải chịu khổ nạn vì họ luôn tham cầu, không cho đi, không mở rộng tâm lượng. Chúng ta không mở rộng tâm lượng thì chúng ta không thể cải đổi được vận mệnh.

Chúng ta may mắn được tiếp nhận giáo huấn của Phật. Phật đã nói rõ cho chúng ta tại sao chúng ta phải chịu những quả báo trong đời quá khứ, hiện tại và tương lai. Phật từ bi không phải bằng cách là cho chúng ta cơm gạo, nếu chúng ta không có phước thì Phật mang gạo đến chúng ta cũng không thể ăn được.

Có những người có cuộc sống đầy đủ nhưng họ không có thọ mạng, không có sức khỏe để hưởng phước. Ngày trước, tôi biết một người rất giàu, ông bị bệnh nằm một chỗ hơn 20 năm, ông ăn bằng cách bơm thức ăn qua ống, hằng ngày, ông được Y-tá chăm sóc, hằng tuần, ông được Bác sĩ đến kiểm tra sức khỏe.

Tà pháp mượn hình tướng, mượn lời, mượn danh tiếng của nhà Phật để dẫn dụ mọi người mê lầm. Nhiều người mặc áo của nhà Phật, họ không tu tập nhưng họ vẫn có thể kiếm được rất nhiều tiền bằng cách lừa gạt người khác. Đây là họ giống như người xưa nói: “Hữu danh vô thực”.

Phật nói rõ cho chúng ta chân tướng của vũ trụ nhân sinh, chúng ta phải tự mình giác ngộ quay đầu. Chúng ta muốn chân thật giác ngộ, quay đầu thì chúng ta phải tự thay đổi, tự làm mới. Tại sao chúng ta làm mà chúng ta chưa có cảm ứng? Hòa Thượng từng nói: “Tác ý viên thành”. Chúng ta chỉ cần khởi tâm thì việc đó đã thành tựu. Hơn mười năm trước, khi tôi nghe câu nói này, tôi chưa hiểu nhưng hiện tại, tôi sâu sắc thể hội về câu nói này. Chúng ta chỉ cần khởi ý niệm thì đã là thành công, đã là viên mãn. Chúng ta tác ý, khắc ý thậm chí cưỡng cầu nhưng vẫn chưa làm được là vì chúng ta không thật làm hay chúng ta làm vì “danh vọng lợi dưỡng”. Hòa Thượng nói: “Nếu chúng ta thật làm vì chúng sanh thì Phật Bồ Tát, Thánh Hiền, Thần sẽ vì chúng ta mà an bài”.

Hòa Thượng từng nói: “Độ chúng sanh là phục vụ chúng sanh”. Chúng ta phải ngày ngày tận tâm tận lực phục vụ chúng sanh. Ngày trước, Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam nói với Hòa Thượng: “Ngày nay, mấy ông quỳ dưới chân tôi để cần cầu học Phật pháp nhưng tương lai, các ông phải quỳ dưới chân người ta mà dâng Phật pháp”. Khi Hòa Thượng đến cần cầu học Phật pháp với Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam, tâm của con người vẫn thuần thiện, biết kính trọng Lão sư, Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam đã nhìn rõ, sau này, các học trò của mình sẽ phải dâng Phật pháp lên cho mọi người. Đây là tâm đại từ, đại bi của nhà Phật.