21Thứ Tư, 04/09/2024, 19:06
15 · Phật Pháp Vấn Đáp - 15 _ 1 15 · Phật Pháp Vấn Đáp - 15 _ 2

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Tư, ngày 04/09/2024.

--------------------------------------------

PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP

BÀI 15

Rất nhiều người trong xã hội cho rằng học Phật là mê tín và thông tin này cứ được truyền miệng trong thế gian. Hòa Thượng từng nói việc tin vào Phật có phương pháp và lý luận rất rõ ràng, rất khoa học cho nên học Phật không phải là mê tín. Chúng ta học có điều, có lý, có phương pháp giúp chúng ta vận dụng trong đối nhân xử thế tiếp vật, trong hành động tạo tác hằng ngày. Người chỉ nghe nói mà không tìm hiểu đã vội vàng chụp mũ rằng học Phật là mê tín thì theo Hòa Thượng người đó mới là đại mê tín.

Có người hỏi Hòa Thượng câu hỏi đầu tiên trong bài học hôm này là họ là công chức nhà nước thì làm cách nào để học được Phật pháp. Hòa Thượng trả lời là : “Trước tiên phải nhận thức rõ ràng về Phật pháp. Sau khi có nhận thức rõ ràng rồi mới biết được Phật pháp là giáo dục.” Đó chính là giáo dục một người hoàn thiện, giáo dục một người từ phàm phu thành Phật Bồ Tát hay từ một người ác thành một người thiện.

Trong từ “Phật giáo” thì “Phật” chỉ cho một con người hoàn thiện và “giáo” là giáo dục. Phật giáo là giáo dục con người để trở thành Phật, thành người hoàn thiện, thành một người tốt. Phương Đông thì gọi người như vậy là Thánh Hiền. Phật pháp thì gọi những người hoàn thiện về tư cách, hành vi, sự nghiệp làm mô phạm cho người thế nhân là Phật. Cho nên giáo dục để làm Phật mà là mê tín sao?

Hòa Thượng phân tích tiếp: “Giáo dục đời sống không phân biệt quốc gia, chủng tộc, tôn giáo, nghề nghiệp thậm chí không phân biệt giai tầng, đẳng cấp. Đây là giáo dục trí tuệ, dạy bảo cho chúng ta phương pháp và lý luận để cầu trí tuệ. Chỉ có trí tuệ khai mở rồi mới có thể giải quyết được vấn đề cho nên Phật pháp gọi là phổ độ (rộng độ) chúng sanh.

“Chữ “độ” ở đây chính là giúp đỡ. Chư Phật Bồ Tát phổ biến, hiệp trợ tất cả chúng sanh ở trong tận hư không khắp pháp giới. Các Ngài giúp cho chúng ta nhận biết rõ mối quan hệ giữa người với người, giữa người với hoàn cảnh tự nhiên và giữa người với thiên địa quỷ thần.” Điểm này khi xưa tôi chưa từng được nghe cho đến khi phiên dịch bài giảng của Ngài. Chúng ta vẫn thường hiểu chữ “độ” là người bề trên đưa tay cứu vớt người dưới nhưng nhờ Hòa Thượng, chúng ta mới hiểu đúng về chữ “độ”, chính là giúp đỡ, phục vụ.

Hòa Thượng tiếp lời: “Ngày nay, nếu chúng ta dùng từ “thiên địa quỷ thần” thì có rất nhiều người bài bác, không tin, đặc biệt là giới khoa học. Tuy nhiên, nếu chúng ta đổi sang cách gọi mới là “những sinh vật ở các tầng không gian khác” thì tất cả mọi người dễ dàng tiếp nhận.” Con người chấp nhận rằng song song với tầng không gian của chúng ta còn có rất nhiều tầng không gian khác đang tồn tại và đương nhiên sẽ có các chúng sanh sống ở đó.

Hòa Thượng nói thêm rằng: “Nếu nói theo cách nói này thì mọi người dễ dàng tiếp nhận. Đây là chúng ta đã nói rõ chân tướng của vũ trụ nhân sanh. Ở ngay trong phương diện hành vi đời sống của chúng ta, Phật dạy làm cách nào để đoạn ác tu thiện, chuyển mê thành ngộ, cho nên đây đích thực là cách giáo dục vô cùng tốt đẹp.” Hòa Thượng Tịnh Không từng nói rất nhiều rằng Phật giáo chính là giáo dục, Phật giáo không phải là tôn giáo. Phật giáo dạy con người chuyển từ ác thành thiện, chuyển từ mê thành ngộ, chuyển từ phàm phu thành Bồ Tát. Đây mới là giáo dục chí thiện viên mãn.

Chúng ta học Phật chính là học để cầu khai mở trí tuệ chứ không phải học mê muội. Hòa Thượng từng kể rằng hồi mới học Phật, bạn bè Ngài bảo Ngài là mê tín nhưng vài chục năm sau, họ đã công nhận Ngài đã chọn đúng con đường. Ngài học để giác ngộ, để chuyển phàm thành Thánh còn họ không học Phật mà cả đời bận rộn chỉ truy tìm “danh vọng lợi dưỡng”. Khi tuổi già đến, họ có tiền của, danh vọng nhưng không thể nương tựa vào đó. “Danh vọng lợi dưỡng” vẫn khiến họ khổ đau, sức cùng lực kiệt. Lúc ấy họ mới cảm thấy mình đã sai, tuy nhiên, khi nhận ra rồi thì cũng không còn đủ thời gian để sửa chữa.

Chúng ta đừng để cho mình muộn màng. Trong lúc còn trẻ khỏe, cần phải dũng mãnh tinh tấn hơn. Nếu chểnh mảng, qua loa thì tuổi trẻ qua nhanh và khi chợt tỉnh rồi thì thời gian đã hết. Rất nhiều người đang rơi vào trạng thái này, luôn phải nói đến từ “giá như”. Chúng ta đang sống trong thời Mạt pháp, cách Phật gần 3000 năm thế mà chúng ta vẫn gặp được Phật pháp, gặp được một người tu hành làm ra biểu pháp để chúng ta học tập. Cả đời của Hòa Thượng là tu hành và nỗ lực làm lợi ích chúng sanh. Ngài đến và rời khỏi thế gian giống như một lữ khách.