Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Ba, ngày 28/01/2025.
--------------------------------------------
PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP
BÀI 159
Hòa Thượng nhắc nhở chúng ta rằng chư Phật Bồ Tát, Tổ sư Đại đức giáo hóa chúng sanh thường chú trọng đến việc cốt lõi là làm sao đưa chúng sanh thoát khỏi sanh tử luân hồi. Ban đầu, chúng sanh khởi tâm tu hành cũng là để vượt thoát sinh tử luân hồi, tuy nhiên, tu hành được một thời gian, phước báu ở thế gian có thể dẫn dụ chúng sanh khiến chúng sanh chìm đắm trong danh vọng lợi dưỡng.
Đáng sợ nhất là lợi dưỡng! Có khi cả đời tu hành tưởng chừng như sắp đến ngày viên mãn thì bỗng dưng lại rơi vào tấm lưới danh vọng lợi dưỡng khiến bị đọa lạc. Do đó, rất nhiều Tổ sư Đại đức và gần đây có Hòa Thượng Hải Hiền nói rằng : “Cả đời tu hành mà không được vãng sanh thì coi như là thất bại rồi!”
Như vậy vãng sanh là việc quan trọng nhất, các việc khác không làm chúng ta động tâm bởi đó chỉ là từ bi xuất phương tiện nhằm cứu giúp chúng sanh, hướng chúng sanh đến với Phật pháp, đến với chuẩn mực Thánh Hiền chứ không hề vì bá đồ cá nhân hay cưỡng cầu mà làm.
Chúng ta hãy quán sát lại xem, chúng ta có đề cao cảnh giác về việc này không? Chúng ta cũng nhìn xung quanh xem những người tu hành có lấy việc này làm trọng không? Đạo tràng là nơi nương chúng tu hành, nhưng chúng ta phải xem xét xem đạo tràng đó có danh vọng lợi dưỡng không? Có những đạo tràng ban đầu là một căn nhà nhỏ, sau đó đạo tràng to lớn thành một tòa nhà. Việc này có cần thiết không? Đạo tràng chú trọng đến danh vọng lợi dưỡng là dự báo Phật pháp suy đồi, pháp môn tu hành càng lúc càng chú trọng danh vọng lợi dưỡng chứ không chú ý đến việc vượt thoát sinh tử làm gốc.
Từ lâu, tôi nghe lời Hòa Thượng dạy cho nên việc của riêng mình thì sơ sai qua loa, tất nhiên vẫn phải tròn bổn phận trách nhiệm, nhưng việc của chúng sanh thì phải nghiêm túc, kỹ lưỡng. Hòa Thượng từng nhắc nhở chúng ta rằng các Tổ sư Đại đức luôn vì một việc lớn, đó là vì tiền đồ tương lai của tất cả chúng sanh mà lo nghĩ, và việc này quan trọng hơn bất cứ việc gì.
Cho nên chư Phật, Bồ Tát và các Tổ sư Đại đức đến thế gian này để lo một việc chung thân trọn đời là làm sao giúp chúng sanh vượt thoát được sanh tử. Ai đó có thể vì chúng sanh mà lo nghĩ thì họ chính là đang dụng tâm của Phật, Bồ Tát và các Tổ sư Đại đức. Hòa Thượng chân thật là một người như thế bởi Ngài chỉ cần pháp tòa để giảng giải cho chúng sanh, nhằm giúp họ có cơ may nương nhờ Phật pháp mà tu hành giải thoát, còn mọi điều khác như danh vọng lợi dưỡng thì nhường cho người khác.
Chúng ta ngày nay có làm vì chúng sanh, vì việc đại sự ngay trong một đời của chúng sanh mà lo nghĩ hay không? Chúng ta phải luôn cảnh giác vì ý niệm đầu tiên của chúng ta có thể là để giải thoát nhưng ý niệm kế tiếp có thể đã đọa lạc, đã rơi vào danh vọng lợi dưỡng, quên đi mục tiêu ban đầu. Chúng ta ban đầu tu học Phật pháp là để giải thoát sanh tử hay niệm Phật là để vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc, vậy bấy lâu nay chúng ta niệm Phật với tâm gì? Có chân thành mà niệm, có thanh tịnh mà niệm hay ngày ngày chìm đắm trong danh vọng lợi dưỡng, tham sân si ngạo mạn? Nếu như vậy thì chúng ta sẽ vãng sanh đến chỗ nào?
Đến độ tuổi hiện nay, tuy chưa già nhưng tôi cảm nhận những lời dạy của Hòa Thượng, càng lúc càng thấm đẫm. Cho nên năm nay hai câu đối giao thừa mà tôi viết là: “Cha mẹ có đức hạnh thì con cái nhất định được nương nhờ” và “Một người thầy (người dẫn dắt) tốt thì người học trò (người học theo) nhất định sẽ tốt”. Câu tổng cưỡng lĩnh, tổng tiền đề mà Phật đã nói trên Kinh Hoa Nghiêm có câu: “Học vi nhân sư, hành vi thế phạm” – học để làm thầy người, làm là để làm ra tấm gương chuẩn mực cho người.
Chúng ta cùng xem lại khởi tâm động niệm hằng ngày hay ba nghiệp thân khẩu ý, bốn oai nghi đi đứng nằm ngồi của chúng ta có tương ưng với từng phẩm vị vãng sanh mà chúng ta hướng đến hay chưa? Hòa Thượng chỉ dạy rằng làm được 20% Tịnh nghiệp Tam phước và những gì Phật dạy trên Kinh Vô Lượng Thọ thì đạt hạ phẩm hạ sanh. Phước thứ nhất Tịnh nghiệp Tam phước được đề cập trên Kinh Vô Lượng Thọ gồm: “Hiếu dưỡng Phụ Mẫu, phụng sự Sư trưởng, Từ tâm bất sát, Tu 10 nghiệp thiện”.
Làm được 30% thì đạt trung phẩm hạ phẩm, 40% thượng phẩm hạ sanh. Cứ thế 50% đạt hạ phẩm trung sanh v..v... Chúng ta theo tiêu chí này thì biết rõ mình sẽ ở phẩm vị nào, vãng sanh hay đọa địa ngục. Con người đến thế gian để tìm danh vọng lợi dưỡng thì họ cứ việc thỏa mãn danh vọng lợi dưỡng, còn chúng ta biết rằng nhiều đời nhiều kiếp chúng ta chìm trong danh vọng lợi dưỡng khiến trầm luân trong sinh tử, khổ không nói ra lời thì chúng ta phản tỉnh. Còn nếu thấy chưa đủ khổ thì tiếp tục trầm luân.