Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Hai, ngày 27/01/2025.
--------------------------------------------
PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP
BÀI 158
Mỗi hình thức ở nơi Phật pháp đều là biểu pháp nhắc nhở chúng sanh. Chúng ta nhất định phải hiểu rõ ý nghĩa này. Hòa Thượng chỉ dạy rằng tượng Phật A Di Đà đứng với một tay cầm hoa sen, một tay duỗi xuống biểu thị là lúc nào Ngài cũng chào đón để tiếp dẫn chúng sanh. Hình tượng Thích Ca Mâu Ni Phật ngồi là dạy chúng ta rằng tâm luôn phải định, ý niệm không được dao động, đặc biệt là không để bị hoàn cảnh bên ngoài làm cho mê hoặc.
Chúng ta từ nơi hình thức này mà thể hội để lập chí tu tập cho đúng. Nếu người nào quá chú trọng hình thức thì người đó thường có tâm mong cầu, mong được Phật ban phước lành. Có người đã đầu tư cả tỷ bạc thỉnh Tượng Phật, chuông đồng ở nước ngoài về để làm một gian thờ Phật. Tuy nhiên, chỉ trong một thời gian thì gia đình người đó bị phá sản. Trong tâm họ sẽ thầm trách rằng thờ Phật hoành tráng và tốn nhiều tiền như vậy sao không được bảo hộ che trở.
Cho nên biểu pháp nơi nhà Phật chính là nhắc chúng ta phải nỗ lực tu hành, luôn tự thay đổi, tự làm mới mình, nhờ đó, phước lành tự nhiên đến. Không ai có quyền ban phước hoặc giáng họa đến cho chúng ta. Chúng ta phải thật làm thì mới thật thấu hiểu việc này. Ngược lại, chúng ta không làm thì sẽ mơ mơ hồ hồ. Ví dụ như chúng ta bày cúng vào dịp lễ Tết là thể hiện tâm tri ân báo ân Phật, Cha Mẹ, Tổ quốc và chúng sanh chứ không phải cầu phước báo. Đó mới là tâm uống nước nhớ nguồn.
Năm nay hai câu đối giao thừa của chúng ta là: “Cha Mẹ có đức hạnh thì con cái nhất định sẽ được tốt lành. Thầy giáo tốt thì học trò nhất định sẽ tốt.” Chúng ta hãy nhìn lại xem, khi ở vai trò cha mẹ, chúng ta đã có đức hạnh chưa? Sở dĩ gia đình không hạnh phúc tạo nên sự bất an cho xã hội là do trong gia đình không có những cha mẹ tốt. Tuy nhiên, đối với cha mẹ là bề trên, chúng ta không quá yêu cầu cha mẹ phải thực hành bởi họ cũng giống bao người, cũng cần có nhân duyên, thiện căn, phước đức thì mới có sự tu tập tốt.
Trong hoàn cảnh đó, chính chúng ta phải là người cha, người mẹ có đức hạnh. Chỉ cần chúng ta tu tập tốt thì thế hệ sau của chúng ta trong vô hình sẽ được cảm hóa một cách thầm lặng. Chúng ta không nên nghĩ rằng quả báo tốt sẽ có ngay trong hiện đời, bởi có thể sau khi chúng ta ra đi rồi thì âm hưởng đó còn lưu lại.
Chúng ta cần có một vị thầy tốt thì bản thân mới có hướng đi tốt. Tất cả khởi tâm động niệm, việc làm của người dẫn đạo là vô cùng quan trọng. Người có tâm rộng lớn chắc chắn sẽ hướng dẫn người sau với tâm đó. Còn một người tự tư ích kỷ, đố kị thì chắc chắn sẽ dẫn dắt người đến sự đố kị. Cho nên “Cha Mẹ có đức hạnh thì con cái nhất định sẽ được tốt lành. Thầy giáo tốt thì học trò nhất định sẽ tốt.”
Chúng ta đã là người trưởng thành, chúng ta đã có đầy đủ tư cách để có lúc làm một vị lãnh đạo, có lúc làm một người thân, có lúc lại như một vị thầy chưa? Chúng ta phải quay lại quán sát từng khởi tâm động niệm, hành động tạo tác của mình chứ chúng ta không tìm cầu bên ngoài. Chúng ta tiếp nhận được giáo huấn của Hòa Thượng trong nhiều năm, vậy thì cứ như vậy mà làm.
Khi Hòa Thượng còn tại thế, tôi có rất nhiều cơ hội để đến bên cạnh Ngài. Tôi tự quán sát rằng ngày ngày mình nghe Hòa Thượng, phiên dịch pháp của Hòa Thượng thì mình đã làm được gì? Chúng ta đã có một vị thầy tốt và nhờ đó, việc tu hành, việc phục vụ chúng sanh mới có động lực tích cực. Nghe lời, làm theo Hòa Thượng đã giúp tôi trong nhiều năm qua, làm được nhiều việc mà không cần phải sáng tạo.
Câu hỏi thứ nhất trong bài học hôm nay, có người hỏi Hòa Thượng rằng: “Xin hỏi Hòa Thượng, quyên tặng nội tạng là một nghĩa cử thiện lành, thế nhưng Phật giáo chủ trương trong 8 giờ đồng hồ thì không động đến người mất, xin hỏi như vậy có phải là không được quyền hiến nội tạng hay không và đối với việc tất cả phải xả có trái nghịch không? Phải nên làm thế nào cho đúng pháp?”
Xả nghĩa là xả trên tâm thì những thứ xả bên ngoài mới là thật xả. Nếu chúng ta chỉ xả bên ngoài, không xả tâm thì có lẽ chúng ta làm chỉ vì “danh vọng lợi dưỡng”, ảo danh ảo vọng chứ không phải là thật làm.
Trả lời câu hỏi này, Hòa Thượng nói: “Phật pháp nói xả là triệt để buông xả, thế nhưng, vấn đề ở chỗ bạn có triệt để buông xả không? Nếu bạn triệt để buông xả thì bạn quyên hiến nội tạng của bạn sẽ không có vấn đề gì cả, chỉ sợ là miệng nói quyên tặng nhưng đến lúc người ta cắt lấy thì lại hối hận, khởi tâm sân và mọi việc sẽ dẫn đến sai lầm, vấn đề liền nghiêm trọng. Cho nên lâm chung, không thể không nghiêm túc về vấn đề này!” Chúng ta sanh thiên hoặc tự tại vãng sanh thì vừa tắt hơi là đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, lúc ấy, ai đó cắt lấy nội tạng cũng không hề gì, không có sự đau đớn.