Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Năm, ngày 23/01/2025.
****************************
PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP
BÀI 154
Phật pháp rộng lớn vô cùng, vô tận. Mỗi góc độ trong cuộc sống của chúng ta đều là Phật pháp. Nếu chúng ta không tham học thì chúng ta sẽ không biết phải làm như thế nào mới đúng. Chúng ta học Phật, chúng ta cần có thời gian thâm nghiên cho đủ độ sâu, chúng ta hiểu một cách sâu sắc thì chúng ta mới có thể hành trì một cách linh hoạt. Phật pháp không khô cứng, bó chặt trong một hình thái nhất định. Ở quốc gia, khu vực nào thì Phật pháp hòa mình vào nơi đó, phù hợp, không có một chút khác biệt để có thể chân thật lợi ích chúng sanh. Nếu chúng ta dùng một hình thái khô cứng để mang đến các nơi thì chúng ta đã sai!
Ở nước chúng ta, Phật pháp ở mỗi vùng miền cũng có sự khác biệt. Thí dụ, có khu vực, người Phật tử thích mặc áo màu lam, có khu vực thì Phật tử chỉ mặc áo màu nâu. Chúng ta đến đâu, chúng ta phải quán sát một cách rõ ràng để có thể hòa nhập với mọi người. Chúng ta phải thâm nghiên giáo học của nhà Phật để chúng ta có kiến giải sâu rộng, ứng dụng được Phật pháp vào cuộc sống, vào đối nhân xử thế tiếp vật.
Có người hỏi Hòa Thượng: “Thưa Hòa Thượng,Phật giáo có phải là một tôn giáo không?”. Đây là một câu hỏi rất hay, có thể người hỏi đã biết câu trả lời, rất nhiều người cho rằng Phật giáo là tôn giáo, là triết học, là khoa học.
Hòa Thượng nói: “Chúng ta học Phật trước tiên, chúng ta phải nhận biết Phật pháp một cách rõ ràng, phần nhiều người cho rằng Phật giáo là tôn giáo. Hai chữ “tôn giáo” có ý nghĩa rất tốt. “Tôn” có ba ý nghĩa. Ý nghĩa thứ nhất là chủ yếu, thứ hai là trọng yếu, thứ ba là tôn trọng. “Giáo” cũng có ba ý nghĩa là giáo dục, giáo học và giáo hóa. Hai chữ “tôn giáo” nghĩa là giáo học quan trọng, cần thiết, là giáo hóa tối cao”.
Nếu chúng ta không nhận biết rõ ràng thì chúng ta hiểu, làm một cách mơ hồ và chắc chắn có một kết quả mơ hồ. Phật giáo hóa, dạy bảo chúng sanh để chúng sanh đạt đến tư cách, hành vi, ý niệm chuẩn mực nhất. Người có tư cách, hành vi, ý niệm đạt đến chuẩn mực cao nhất chính là Phật, chuẩn mực thấp hơn là đẳng giác Bồ Tát hay các cấp bậc tu chứng khác nhau.
Sau khi được nghe Hòa Thượng nhắc đi nhắc lại nhiều lần, tôi mới hiểu rõ được nét đặc sắc, sự thù thắng của Phật pháp, từ đó xây dựng được tín tâm cho mình. Chúng ta có tín tâm sâu thì chúng ta sẽ làm mọi sự, mọi việc theo lời Phật dạy một cách mạnh mẽ, không do dự. Nhiều người do dự khi làm theo lời Phật dạy. Phật dạy chúng ta bố thí nhưng nhiều người sợ bố thí hết thì sẽ không còn gì để ăn, cuộc sống sẽ khó khăn. Họ cho rằng phải tích chứa tiền của để sử dụng, tiêu dùng. Đây là ý niệm sai lầm nhưng chúng ta khuyên người bố thí thì rất nhiều người sẽ không tin.
Dịp Tết này, tất cả các các trường trong hệ thống đều tổ chức gói bánh Tét, bánh ú, bánh chưng, tặng quà cho mọi người. Mọi người tận tâm, tận lực làm nên những người nhận được quà đều rất hoan hỷ. Những việc chúng ta làm đã có hồi báo vô cùng tốt đẹp ngay trong hiện thực. Trong mấy tháng gần đây, tôi làm rất nhiều việc, tôi bỏ ra nhiều, tôi nghĩ đến một việc cần phải làm thì tôi đã có ngay các nguồn lực để làm, tôi không gặp bất cứ khó khăn gì. Đây là sự hồi báo, sự chứng thực để chúng ta tăng thêm niềm tin. Chúng ta phải thật làm thì mới có kết quả rõ nét. Chúng ta làm thử, làm với trạng thái dò la thì chúng ta chưa thể có kết quả. Chúng ta muốn thật làm thì chúng ta phải có niềm tin vững chắc, muốn có niềm tin vững chắc thì chúng ta phải hiểu những điều Phật đã dạy. “Tôn giáo” chính là giáo dục chủ yếu, giáo học quan trọng và giáo hóa tối cao. Giáo hóa để mọi người thẳng đến thành Phật.
Hòa Thượng nói: “Phật giáo không phải là mê tín mà là giáo dục, có thể chân thật giúp đỡ chúng ta giải quyết những vấn đề ngay trong cuộc sống hiện tại. Từ ở nơi tu dưỡng của mỗi cá nhân sẽ đạt đến xã hội an định, công việc thuận lợi, gia đình hòa thuận và góp phần hài hòa thế giới”.
Mỗi ý niệm thiện chúng ta khởi lên thì đều châu biến pháp giới. Một ý niệm ác chúng ta khởi lên cũng châu biến pháp giới. Những ý niệm này giống những giọt nước, những giọt nước sẽ được cộng dồn, những giọt nước có thể làm tràn ly nước. Một ý niệm thiện cộng dồn thì sẽ tạo thành mảng năng lượng, mảng từ trường tốt đẹp xua tan đi mảng từ trường không tốt. Một ý niệm ác khởi lên cũng cộng dồn với những ý niệm ác tích tụ thành năng lượng, từ trường xấu dẫn đến thiên tai, nhân họa. Mọi sự, mọi việc ở thế gian đều hình thành bởi ý niệm của chúng ta. Một ý niệm bất thiện cộng dồn thì sẽ chiêu cảm đến thiên tai. Một ý niệm thiện cộng dồn thì sẽ tạo thành mảng từ trường thiện xua tan đi từ trường bất thiện.