Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Tư, ngày 22/01/2025.
--------------------------------------------
PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP
BÀI 153
Hòa Thượng nhắc nhở chúng ta rằng đạo tràng chánh pháp thì nhất định có đạo phong và học phong. “Tràng” là nơi chốn, “đạo” là pháp tu, vậy thì nơi chốn nào có phương pháp, đạo lý rõ ràng thì mới gọi là đạo tràng. Nơi thị phi nhân ngã, chìm trong danh vọng, chỉ tu trên hình thức, không có thực chất thì không phải là đạo tràng.
Không chỉ ở đạo tràng mà mỗi hành giả tu hành cũng phải có đạo phong và học phong tức là có phương pháp tu hành đi đôi với học tập chứ không “tu mù luyện quáng”. Việc học tập cần phải có một người thầy dẫn đường, không thể nói chúng ta tự học tự biết. Thích Ca Mâu Ni Phật cũng không nói vậy! Ngài bảo rằng Ngài chỉ thuật lại điều mà bảy đời chư Phật đã nói. Khổng Lão Phu Tử cũng vậy, “thuật nhi bất tác” chỉ nói lại điều người xưa nói.
Nếu một đạo tràng hay một hành giả tu hành đã có đạo phong và học phong thì bước tiếp theo, chúng ta còn phải xem xét đến việc mọi người có thật làm, thật tu không? Người thật làm thì ngày ngày chú trọng đến nội tâm, xa lìa sự cám dỗ của “Tài Sắc Danh Thực Thùy”, xa lìa “danh vọng lợi dưỡng”. Người không thật làm là do mong cầu “danh vọng lợi dưỡng”, mong cầu thỏa mãn “năm dục sáu trần”, không thể khởi lên ý niệm tu hành.
Câu hỏi đầu tiên trong bài học hôm nay, có người hỏi Hòa Thượng là: “Kính bạch Hòa Thượng, con là Thầy giáo trung học dạy môn Vật lý, con thấy học sinh ngày nay khó dạy hơn trước rất nhiều, thậm chí trong mắt của chúng không có trưởng bối. Có lúc để chạy kịp tiến độ giáo trình nên lúc lên lớp không tránh khỏi việc quở mắng vài câu. Những lúc như vậy, trong tâm con lại khởi lên tâm sân. Con xin hỏi, việc này đối với việc tu hành có chướng ngại hay không và con phải nên ứng phó thế nào?”
Ở vai trò trưởng bối, quản lý hay Thầy cô giáo thường đối diện với việc la mắng học sinh hay cấp dưới bởi chúng sanh căn tánh ngày nay nghe rất nhiều nhưng không mấy khi ngộ ra được, thậm chí còn hiểu sai lệch đi. Trả lời câu hỏi này, Hòa Thượng nói: “Đối với việc tu hành không có chướng ngại. Thích Ca Mâu Ni Phật có lúc cũng quở phạt trách mắng. Tổ sư đại sức xưa đôi lúc cũng vỗ bàn mắng người. Đây chỉ là một phương pháp giáo học! Nhà Phật gọi là phương tiện khéo léo.
“Chư Phật Bồ Tát xuất hiện ở thế gian cũng như là một diễn viên đang diễn kịch. Thế gian này thì như một sân khấu, những việc làm phương tiện đó không phải là thật. Tuy rằng chúng ta thấy Phật Bồ Tát hay Tổ sư làm ra vẻ tức giận nhưng thật sự họ có tức giận không? Đây chỉ là phương tiện giáo học dạy bảo đối với một căn tánh chúng sanh nào đó, giúp đỡ họ để họ nhận ra. Việc này hoàn toàn khác với phàm phu. Phàm phu thì tức giận phát khởi từ nội tâm. Từ trong tâm lưu lộ ra bên ngoài. Còn tức giận hay sân si của các Ngài chỉ là biểu hiện còn trong tâm không có.”
Chúng ta phải hiểu rằng ai đó quát mắng, quở phạt nhưng không để bụng là để cho mọi người tốt lên, còn từ bi khiến cho mọi việc hư hại thì không còn là từ bi. Ở thế gian, con người sân hận vì họ bị tổn hại hay không đạt được lợi. Còn nếu tức giận mà vì tốt cho người thì cũng đáng. Sự tức giận ấy sẽ tan biến rất nhanh, không lưu trong tâm.
Cũng giống như người thầy giáo đặt câu hỏi này là vì muốn học trò hoàn thành giáo trình, cuối khóa có thể thi đạt yêu cầu. Cũng vậy, Cha Mẹ mắng con cũng vì muốn con tốt. Một người lãnh đạo quở trách hoặc dùng phương pháp cưỡng chế vì cũng muốn nhân viên nâng cao ý thức của mình.
Hòa Thượng nói: “Chúng ta là những người học Phật thì mới có thể làm được những sự việc này. Có những lúc, nếu không dùng những phương pháp này thì sự việc sẽ không làm được tốt. Chúng ta nên biết hỷ nộ, ái ố ở nơi Phật Bồ Tát chỉ là diễn kịch.” Lúc nhỏ, tôi quá nghịch ngợm nên có bị đánh roi hai lần, đó là cách để đối trị với tập khí xấu của những người buông lung phóng túng.
Hòa Thượng tiếp lời: “Đây chỉ là cách làm cho mọi việc trở nên tốt hơn, là cách làm cần thiết, là trí tuệ chứ không phiền lòng. Có nhiều phương cách độ chúng sanh. Đối với người căn tánh lanh lợi, thông minh thì chỉ cần nói nhẹ là họ đã giác ngộ. Đối với người căn tánh sâu nặng, không chỉ mắng một lần mà mắng nhiều lần còn chưa tỉnh. Đó là phương tiện khéo léo để độ chúng sanh.”