Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Ba, ngày 21/01/2025.
--------------------------------------------
PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP
BÀI 152
Hòa Thượng dạy chúng ta tu học tại đạo tràng chánh pháp thì nhất định phải có đạo phong, học phong. Đạo phong chính là phương pháp tu hành và học phong là phải có nghiên cứu, thâm nghiên giáo lý. Nói cách khác đạo tràng chánh pháp là phải có học tập Kinh giáo. Hai việc trên không được rời khỏi giáo huấn của Phật trên Kinh điển.
Ngày nay, phần nhiều người tu học chẳng để ý đến việc này mà đều là cảm tình dụng sự. Họ nghe ai đó nói năng dễ thương, kể chuyện cười nghiêng ngả, hô hố thì họ thích còn lời nói thật thà chỉ trích lỗi lầm của họ thì họ liền bỏ đi. Người ta chẳng còn quan tâm đến đạo phong và học phong - phong khí học tập, tu hành nữa.
Hòa Thượng nói: “Nếu đạo tràng có giảng dạy, ngày ngày giảng Kinh nói pháp, không có tu hành thì chỉ được một nửa. Nếu đạo tràng có tu hành mà không có giảng Kinh nói pháp cũng chỉ được phân nửa.” Tu mà không học thì chỉ là “Tu mù luyện quáng”, giống như chiếc thuyền hướng ra biển mà thiếu cái La bàn nên không thể đến đích, không thể đến nơi mình mong muốn.
Chúng ta tu tập mà không cần học Kinh pháp thì phải ở đẳng cấp niệm một câu “A Di Đà Phật” niệm đến cùng như ông thợ vá nồi, ông thầy hương đăng hay pháp sư Cụ Hành hoặc Hòa Thượng Hải Hiền. Tuy các Ngài không học Kinh giáo nhưng các Ngài tuyệt đối nghe lời Thầy, Thầy bảo niệm Phật thì niệm, không có phân biệt.
Người hiện nay thì đầy phân biệt chấp trước. Ví dụ như có người cho rằng học Phật thì không được học Đệ Tử Quy vì học Đệ Tử Quy như thế là xen tạp. Dù họ nói như vậy, nhưng ai đó hành hiếu, thăm viếng họ với tư cách là học trò thăm Thầy, hành Đệ Tử Quy thì họ lại rất thích. Cũng vậy, chúng ta nói đến chuẩn mực đạo đức, đến gia phong lễ giáo thì không ai thích vì họ cho đó là phong kiến, rườm rà. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh thực tế ví dụ như dựng vợ gả chồng, họ lại quan tâm đến nhà trai hay nhà gái có đạo đức không. Chẳng ai muốn gả con mình cho một gia đình có cha mẹ không hạnh phúc, cha hoặc mẹ không trung thủy.
Như vậy trong vô hình chung, tâm của họ vẫn hướng đến chuẩn mực đạo đức. Vậy nếu không học tập chuẩn mực Thánh Hiền và thực hành chuẩn mực Thánh Hiền thành gia phong truyền thừa trong mỗi gia đình thì làm sao có được cuộc sống như họ mong muốn!
Người xưa nói rất rõ: “Học mà không hành thì như đãy đựng sách” còn tu mà không học thì chỉ là “Tu mù luyện quáng”, không có kết quả, tín tâm rất dễ bị dao động. Một khi dao động lòng tin thì lãng phí cả một đời tu hành. Trước đây tôi bị bệnh đến mức thở không được, đầu óc luôn hoa mày chóng mặt, toàn thân không động được vào nước vì hễ chạm vào thì như triệu mũi kim châm vào da. Người ta bảo với tôi rằng bệnh này niệm Phật không hết đâu, nên trì chú mới khỏi.
Họ nói như vậy nhưng tôi nhất định không nghe theo. Tại sao tôi vẫn giữ tín tâm với Tịnh Độ? Bởi vì tôi đã có hơn 30.000 giờ nghe Hòa Thượng chỉ dạy. Trong tôi, lúc nào cũng văng vẳng lời dạy của Ngài rằng: “Bạn có đủ can đảm để suốt cuộc đời này chỉ niệm một câu A Di Đà Phật không?” Có người thiếu lòng tin đến mức chỉ trong một thời gian ngắn mà tu học ba, năm, bảy pháp tu. Đến giờ, họ vẫn đang liêu phiêu đi tìm pháp giải thoát và an lạc. Tại sao họ như vậy? Vì họ không biết rằng an lạc phải đến từ trong nội tâm chứ không đến từ bên ngoài. Khi tâm thay đổi thì liền có an lạc ngay.
Hòa Thượng nói: “Cho nên tu mà không học hay học mà không tu thì đạo tràng không viên mãn. Đạo tràng viên mãn nhất định phải có đạo phong, học phong đầy đủ. Đối với Tịnh Độ cũng có sự đặc biệt, ví dụ như đạo tràng Linh Nghiêm của Tổ sư Ấn Quang, một năm có 365 ngày thì mỗi ngày đều là niệm Phật không có giảng Kinh. Đây là đạo tràng thuần chánh. Chỉ có Tịnh tông thì mới có thể như vậy được.”
Trong Tịnh Độ, có trường hợp đặc biệt nhưng đòi hỏi phải có tín tâm đầy đủ như pháp sư Cù Hành, Hòa Thượng Hải Hiền hay ông thợ vá nội không học mà vẫn thành tựu. Người ở đạo tràng của Tổ Ấn Quang trong đầu chỉ có Tịnh tông, ý niệm của họ chỉ có một câu “A Di Đà Phật”, không bị xen tạp.
Ngày nay, chúng ta không được như vậy, luôn là xen tạp đủ thứ, chìm trong “danh vọng lợi dưỡng”. Mới tu thì không có vấn đề gì, tu một thời gian thì lên trưởng, phó đạo tràng, nhìn mọi người một cách khinh miệt, luôn xem mình cao, chẳng cần lễ nghĩa với ai.