56Thứ Tư, 04/09/2024, 09:37
14 · Phật Pháp Vấn Đáp - 14

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Ba, ngày 03/09/2024.

--------------------------------------------

PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP

BÀI 14

Rất nhiều người học Phật trong lòng còn nhiều nghi vấn. Vì sao vậy? Điều đầu tiên là vì tâm họ không chân thành. Tổ sư Đại đức từng dạy: “Chí thành cảm thông” – tâm chí thành thì trên cảm thông với chư Phật, dưới cảm thông đến tất cả chúng sanh. Không xuất phát từ tâm chân thành thì sẽ phát sinh ra vô số nghi hoặc.

Nhớ lại mấy mươi năm trước, tôi khát khao tìm Phật pháp chân chánh nhưng không biết tìm nơi đâu. Trong tôi khi đó đơn thuần chỉ là một mảng tâm cầu học chứ không phải tìm học Phật pháp để đạt được mong muốn gì đó. Thế là một ngày nọ, tôi gặp được pháp Hòa Thượng và sự khác lạ trong những bài giảng của Ngài đã khiến tôi chuyên tâm tìm để nghe rồi sau đó phát tâm phiên dịch. Những bản dịch đầu tiên đã được các sư cô đưa lên trang web nhằm phổ biến cho mọi người còn bản thân tôi thì một lòng cần mẫn, nỗ lực phiên dịch.

Đó là những nhân duyên ban đầu, cho nên, chúng ta học Phật mà có nhiều điểm nghi ngờ là vì tâm của chúng ta không chân thành. Điều thứ hai lý giải vì sao người học Phật có nhiều nghi vấn là do họ không chuyên tâm nghe pháp. Nghe pháp cũng phải biết cách nghe. Chúng ta dùng thời gian tập trung nghe pháp nhiều chứ không phải nghe nhiều pháp. Nghe nhiều pháp sẽ khiến chúng ta bị rối, mỗi người một cách khiến chúng ta không biết đâu là đúng đâu là sai.

Hòa Thượng chỉ dạy chúng ta nghe một người thì đi một con đường, nghe hai người thì có hai con đường, nghe ba người thì đứng giữa ngã ba, rồi tiếp tục nghe thêm nhiều người thì chúng ta đứng giữa ngã tư, ngã năm, ngã sáu. Vậy chúng ta biết đi hướng nào đây? Nếu chúng ta chăm chỉ học pháp thì mọi nghi hoặc sẽ dần dần được giải quyết.

Nếu chúng ta từng tham dự 2000 giờ học “Chuyên đề 1200 đề tài của Hòa Thượng Tịnh Không, Tịnh Không Pháp Sư Gia Ngôn Lục và Tịnh Không Pháp Ngữ” thì chúng ta sẽ được nghe Hòa Thượng giải thích hết những nghi vấn trong Phật pháp. Vấn đề khó khăn của chúng ta nằm ở chỗ chúng ta nghe quá nhiều người giảng pháp cho nên chúng ta bị lạc trong rừng.

Hòa Thượng là một tấm gương về việc chuyên tâm học pháp. Ngài chỉ đi theo một Thầy. Ngài đến học với Thầy Lý Bỉnh Nam, học đến 10 năm. Ngay ngày đầu tiên đến học đã được lão sư khảo nghiệm một cách rất khó, không dễ gì vượt qua. Hòa Thượng kể rằng Thầy Lý biết Hòa Thượng từng học với những bậc tài đức là Đại Sư Chương Gia và Giáo Sư Phương Đông Mỹ nhưng vẫn yêu cầu học trò của mình từ nay về sau chỉ được nghe một mình lão sư nói, những kiến thức học tập được trước đó phải bỏ đi và những sách mà học trò muốn xem phải được sự đồng ý của lão sư.

Sự khảo nghiệm này mỗi chúng ta không ai vượt qua được. Chúng ta sẽ nói rằng ông Thầy này quá ngạo mạn. Cho nên chúng ta phải biết mỗi người có cách truyền pháp riêng. Nếu chúng ta cảm thấy không hài lòng thì cứ tìm nơi khác chứ không nên đến với Thầy rồi khen chê là sai rồi. Mình muốn học thì mình phải theo đúng những gì Thầy chỉ dạy, không muốn thì mình có thể đi chỗ khác.

Khi xưa lúc tôi học với Hòa Thượng Tịnh Thuận, Thầy chỉ dạy cách phiên dịch, cứ thế học trò tự học theo cách dịch của Thầy chứ không phải đặt ra nghi vấn vì sao phiên dịch như vậy và câu này phải phiên dịch như thế nào? Thầy sẽ không giải thích mà mỗi học trò phiên dịch theo cách dịch mẫu, cho đến một lúc nào đó, thông qua việc thực hành, học trò sẽ tự mình hiểu được là vì sao phiên dịch như vậy.

Đó là cách dạy ngày xưa còn cách dạy của ngày nay hoàn toàn khác, không phải là tự mình khơi dạy năng lực của chính mình. Hòa Thượng Tịnh Không từng nói cách dạy gia giáo chỉ có ở nhà Phật, Thầy dạy cho trò, bắt đầu từ Thích Ca Mâu Ni Phật truyền đến ngày nay. Cách dạy của nhà Phật khác với cách dạy của thế gian.

Mấy ngày nay chúng ta thấy nhiều người hỏi những câu hỏi không cần thiết. Vì sao vậy? Vì trong lòng của họ có quá nhiều nghi hoặc, ngờ vực. Nếu như chúng ta đã tin theo một vị Thầy, như tin theo Hòa Thượng thì Hòa Thượng dạy, chúng ta cứ làm. Ngày ngày nghe pháp của Hòa Thượng, ngày ngày thật làm theo lời pháp đó thì mỗi ngày chúng ta đều tốt hơn. Còn ngồi đó mà nghi ngờ đặt câu hỏi tại sao phải làm như thế này, thế kia thì chỉ mất thời gian.