10Thứ Hai, 20/01/2025, 12:31

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Sáu, ngày 17/01/2025.

****************************

PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP

BÀI 149

Con người đều có quá khứ, hiện tại và tương lai, do vậy chúng ta phải cẩn trọng khi khởi tâm động niệm, hành động tạo tác vì tất cả đều sẽ kết thành nhân, nhân nhất định sẽ kết thành quả. Chúng ta làm thiện thì sẽ kết thành quả thiện, chúng ta làm ác thì sẽ kết thành quả ác. Chỉ cần chúng ta có một ý niệm tư lợi, một ý niệm chiếm hữu tiện nghi của người thì chúng ta cũng đã gieo nhân ác. Thí dụ, khi tôi đến đây, hoàn cảnh này hoàn toàn không phải là của tôi, tôi không thể tùy tiện sử dụng. Chúng ta tùy tiện sử dụng thì chi phí điện nước, chi phí bảo trì thì chúng ta sẽ nợ người quản lý, người quản lý có thể là một cá nhân hay một hệ thống, thậm chí là một quốc gia. Chúng ta thường cho rằng mình nghiễm nhiên được sử dụng nên chúng ta rất tùy tiện.

Cách đây hơn 20 năm, khi tôi còn quản lý nhà sách Phật giáo “Biển Tuệ”, một nhà sách tư nhân, có một cô bé là quản lý khu cafe - sách, một hôm, tôi nhìn thấy cô dùng nhiều miếng vải cotton mới để lau bàn và bỏ ngay miếng vải vào thùng rác. Tôi ngạc nhiên hỏi vì sao cô làm như vậy thì cô nói, người bảo vệ nói loại vải này có rất nhiều nên cô có thể dùng thoải mái. Họ cho rằng vải cotton này không có giá trị, vải là của công ty nên công ty nghèo đi chứ họ không nghèo. Tôi khuyên cô, vải sạch thì cô có thể dùng lau bàn, khi miếng vải xấu hơn thì chúng ta có thể dùng lau sàn hoặc nhưng nơi bẩn hơn, chúng ta chỉ bỏ đi những tấm vải xấu nhất; chúng ta sử dụng tài sản của công ty một cách hoang phí thì công ty không nghèo đi nhưng chính chúng ta nghèo đi phước báu. Khi chúng ta hết phước thì chúng ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Người bảo vệ đã nói cô có thể dùng vải một cách thoải mái sau đó mắc nhiều sai phạm nên bị đuổi việc. Anh ta tùy tiện hưởng dụng, tùy tiện lấy tài sản của công ty nên đã dần hết phước. Khi anh ta trở về nhà, cuộc sống của anh ta sẽ còn “thê thảm” hơn, anh ta đã hết phước nên anh ta không thể tùy tiện sử dụng, tùy tiện lấy cắp tài sản của người khác.

Chúng ta phải tu hành ở ngay trong cuộc sống thường ngày, ngay trong khởi tâm động niệm, đối nhân xử thế tiếp vật, trong cách làm việc, cách ăn uống. Nhiều người lầm tưởng rằng, họ tụng một bộ Kinh, niệm Phật khoảng 2 giờ đồng hồ đã là rất tinh tấn, đó chỉ là một cách trong nhiều cách tu hành, điều quan trọng nhất là chúng ta phải tu hành ngay trong đời sống, ngay trong khởi tâm động niệm, trong hành vi của chính mình.

Trong “Liễu Phàm tứ huấn” có kể một câu chuyện về một vị quan tên là Vệ Trọng Đạt, ông chết khi mới hơn 40 tuổi, khi nhìn thấy ông, Diêm Vương tức giận nói: “Tại sao nhà ngươi còn trẻ mà tạo nhiều tội nghiệp như vậy?”. Ông không hiểu mình đã tạo những nghiệp gì, Diêm Vương đưa cho ông xem rất nhiều án kiện, ngay khi ông khởi tâm động niệm thì đã tạo thành tội. Khi Diêm vương xét những việc thiện thì ông chỉ làm một điều thiện nhưng phước báu của điều thiện này rất lớn, phước báu của việc thiện này nhiều hơn những tội mà ông đã tạo. Ông cũng không biết mình đã làm việc thiện gì. Diêm Vương nói, khi nhà vua muốn xây dựng một công trình lớn, công trình này sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống người dân ở ba châu Phủ, ông đã khuyên vua không nên làm, tuy nhà vua không nghe theo lời ông nhưng ông đã khởi niệm vì người dân nên ông có phước báu rất lớn. Tất cả khởi tâm động niệm, hành động tạo tác thường ngày của chúng ta đều kết thành nhân. Chúng ta đừng để đến khi quá muộn thì mới phản tỉnh.

Khi tôi cuốc đất trong vườn nhà, tôi nhận ra, bên dưới lớp đất là một lớp đá non, khi tôi cải tạo đất để đất tươi tốt, có thể trồng được mọi loại cây thì các loại cỏ cũng mọc lên khắp nơi. Trong phân của trâu bò đã có hạt giống của các loại cỏ, khi được gieo xuống đất thì những hạt giống này lớn lên một cách mạnh mẽ. Trong vườn nhà tôi có các loại cây cỏ từ mọi miền của Tổ quốc, đó là vì trong phân bò có sẵn hạt giống các loại cỏ ở khắp các vùng miền. Chúng ta đã tạo nhân thì chắc chắn nhân đó sẽ sinh sôi nảy nở. Chúng ta chỉ cần khởi tâm động niệm thì chúng ta đã tạo nhân. Mỗi chúng ta đều có quá khứ, chúng ta không thể biết trong vô thủy các đời trước chúng ta đã tạo những nhân bất thiện gì, đời này, nếu chúng ta tiếp tục tạo nhân ác thì chúng ta đã tạo duyên để nhân ác trong quá khứ có cơ hội nảy nở. Khi tôi mang phân bò về rải vào trong vườn nhà mình là tôi đã tạo duyên cho hạt mầm ở trong phân có cơ hội sinh sôi. Chúng ta phải thấu hiểu chân tướng sự thật để hết sức cẩn trọng, không tùy tiện.