17Thứ Năm, 16/01/2025, 22:15

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Năm, ngày 16/01/2025.

****************************

PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP

BÀI 148

Người xưa nói: “Một tấc thời gian có thể mua được một tấc vàng, nhưng một tấc vàng không mua được một tấc thời gian”. Con người thường chìm đắm trong tranh danh, đoạt lợi, khi hơi tàn sức kiệt, họ khẩn trương đi tìm diệu pháp nhưng lúc đó đã quá muộn. Đối với việc này mọi người thường chỉ hiểu một cách mơ hồ, nếu họ thật hiểu thì họ đã có cách sống khác. Chúng ta vẫn đang đua tranh, tranh dành ảo danh, ảo vọng, ảo lợi, những thứ này không có gì là thật, chúng ta tưởng chừng như mình có được nhưng chúng sẽ nhanh chóng đi qua.

Trên “Kinh Kim Cang” nói: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng, nhất thiết hữu vi pháp như mộng, huyễn, bào ảnh”. Khi chúng ta chân thật hiểu được điều này thì chúng ta sẽ làm ra những việc mà người thế gian không thể tin được, họ cho rằng chúng ta rất giàu, chúng ta thừa tiền nên chúng ta mới làm được những việc lợi ích cho nhiều người như vậy. Họ không biết rằng: “Người trí thì biết đem vật chất chuyển thành phước báu, người ngu si mới đem phước báu chuyển thành vật chất”. Chúng ta mong muốn, tham cầu mà chúng ta có được thì chính là chúng ta đã dùng phước báu trong vận mạng của chính mình. Chúng ta tặng rau, đậu, mở những lớp học kỹ năng sống, tổ chức các buổi lễ tri ân hoàn toàn miễn phí nên nhiều người cho rằng chúng ta rất giàu.

Gần đây, một số người hàng xóm ở khu đào tạo Sơn Tây đến nói với tôi là họ muốn mở rộng đường, họ muốn đổ bê tông vào dải đất nhỏ phía bên ngoài bờ tường của chúng ta, để làm việc này họ cần khoảng 7, 8 khối bê tông. Tôi nói, chúng ta sẵn sàng để mọi người dùng dải đất đó để làm đường và chúng ta sẽ ủng hộ cho họ 10 khối bê tông. Hòa Thượng dạy chúng ta: “Việc tốt cần làm, nên làm, không công, không đức”. Khi chúng ta làm việc chúng ta luôn đặt việc lợi ích cộng đồng, lợi ích xã hội, lợi ích chúng sanh lên trên hết. Chúng ta học Phật, học chuẩn mực Thánh Hiền thì chúng ta phải có nền tảng vững chắc để khi chúng ta gặp cản trở thì chúng ta không bị dao động.

Trước đây, tôi dịch Kinh, giảng Kinh, niệm Phật nhưng sau đó, tôi đi làm giáo dục nên nhiều người nói tôi xen tạp, khoảng 10 năm sau, họ lại nói với tôi là việc tôi làm giáo dục là rất tốt. Khi tôi trồng rau sạch, làm đậu để tặng, nhiều người cũng cho rằng những việc làm này là không cần thiết, về sau, họ lại nói với tôi rằng những việc này rất tuyệt vời. Nhiều người cho rằng người khác là “xen tạp” nhưng bản thân họ thì khô cứng, cố chấp, ngoan cố. Họ nhìn thấy người khác làm tốt cho cộng đồng, xã hội, đồng thời tu hành vẫn rất tốt nhưng họ không thay đổi. Có người nói với tôi, họ không thể nghĩ ra là nên làm những việc này. Tôi nói, vì không ai nghĩ nên tôi phải nghĩ.

Khi tôi đến một nơi nào đó, tôi dọn lên bàn ăn các thức ăn do tôi trồng, mọi người đều cảm thấy rất an tâm khi ăn, sau đó, tôi tặng cho mọi người rất nhiều thứ mang về như kim chi, súp lơ, bông cải…Gần đây, chúng ta mở Zoom niệm Phật, mọi người cũng nhận thấy việc này rất lợi ích. Quỹ đạo con đường mà tôi đi, từ điểm xuất phát dần mở rộng ra như một vòng tròn và hiện tại lại tôi đang dần quay về với điểm xuất phát.

Chúng ta muốn độ chúng sanh thì chúng ta phải làm những việc mang lại lợi ích thiết thực cho chúng sanh. Nhiều người chỉ muốn niệm Phật để họ được vãng sanh, không quan tâm đến đời sống hiện tại, không quan tâm đến thế hệ sau. Đây là chúng ta chưa phát Tâm Bồ Đề. Chúng ta tu hành nếu chúng ta không cẩn trọng thì chúng ta sẽ rơi vào trạng thái “vô cảm”. Điều này rất đáng sợ.

Từ bi” là chúng ta đồng cảm với chúng sanh khổ nạn, hiểu được những điều người ở thế gian tìm cầu. Người thế gian đều mong cầu có được đời sống an vui. Có những người niệm Phật lâu năm nhưng gia đình của họ thì “tan cửa nát nhà”. Điều quan trọng là chúng ta niệm Phật bằng tâm gì. Chúng ta có đang niệm Phật với tâm chân thành, thanh tịnh, từ bi không? Hay chúng ta đang niệm Phật với tâm danh lợi, tham cầu? Có người, khi chưa niệm Phật thì ở trong một ngôi nhà nhỏ, sau khi niệm Phật một thời gian thì họ mua được nhiều ngôi nhà lớn. Người xưa gọi là là “bã danh lợi”, “danh lợi” là những thứ bỏ đi giống như bã mía. Chúng ta đang đem một của báu “liên thành” đổi lấy “bã danh lợi” hay đổi lấy một viên kẹo?