Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Tư, ngày 15/01/2025.
--------------------------------------------
PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP
BÀI 147
Trong Kinh nói rằng có tám vạn bốn ngàn pháp môn tu học. Đây là con số để chỉ rằng Phật pháp có rất nhiều pháp môn chứ không phải muốn nói lên con số nhất định. Vì sao lại có nhiều pháp môn đến vậy? Vì mỗi chúng sanh có căn tánh khác biệt và tùy theo căn tánh của chúng sanh mà Phật nói ra pháp phù hợp.
Chúng ta là người tu học thì không phải pháp nào mình cũng tu, mỗi căn tánh chúng sanh sẽ phù hợp với một pháp. Đó là pháp giúp chung sanh an vui qua việc phiền não nhẹ, trí tuệ thêm lớn. Nếu phiền não không nhẹ, tập khí xấu ác vẫn còn nguyên, trí tuệ không lớn và đầu óc lâng lâng, bay bay thì chúng ta phải thận trọng bởi có lẽ đã rơi vào cảnh Ma.
Pháp có rất nhiều người nói và nói theo cách riêng của họ. Chúng ta phải phản tỉnh là nếu pháp nào không phù hợp, không cần nghe thì chúng ta nên tránh. Khi nền tảng tâm chưa có sự kiên định thì chắc chắn chúng ta sẽ dao động. Bản thân tôi bao năm nay chỉ nghe và phiên dịch pháp của Hòa Thượng. Tôi chỉ hiểu điều Hòa Thượng giảng, người khác giảng chân thực là tôi không hiểu.
Hòa Thượng cũng dạy chúng ta về chữ hằng thuận. Đây là chỉ chúng ta tùy thuận theo cái thiện, theo giáo huấn của Phật Bồ Tát Thánh Hiền chứ không tùy thuận theo điều xấu ác. Điều xấu thì dễ dàng bám chặt vào chúng ta, dễ lôi kéo chúng ta và rất khó bong tróc còn điều thiện khó bám vào chúng ta lại rất dễ bong tróc. Chính vì vậy, tôi quan sát thấy rằng có những người trong lúc làm việc, đối nhân xử thế thì sự lười biếng và tập khí xấu ác trong họ là thật còn những việc họ làm ra là giả vì họ làm không có tâm, đầu óc lơ mơ.
Làm bất kỳ việc gì đều phải tỉ mỉ, đều phải có tâm, sản phẩm làm ra phải dụng tâm từ A đến Z khiến người khác hài lòng. Người ta cũng dụng tâm nhưng không phải là chân tâm mà là háo tâm, vọng tâm, cuồng tâm cho nên mới dẫn đến nhiều việc sai sót. Từ nơi tâm chân thành có đầy đủ tất cả. Háo tâm, vọng tâm, cuồng tâm khiến bưng bít chân tâm của chúng ta.
Việc duy trì lễ Phật buổi sáng đều đặn giúp tôi lấn át được sự lười biếng và chểnh mảng. Mỗi sáng phải đúng tốc độ, đúng con số lễ Phật hằng ngày. Tôi cũng giống như mọi người, chỉ ngồi một lúc là tâm trí ngây ra, nhưng tôi phản tỉnh ngay, liền đứng dậy tiếp tục lễ Phật. Cho nên, nếu chúng ta dụng tâm thái sai lầm thì việc chúng ta làm ra chỉ là giả, là không thật, là hư tình giả ý. Dầu cho nguyện vọng muốn vãng sanh là chính xác nhưng mỗi người vẫn có những ý niệm sai như thế này thì Thế giới Tây phương Cực Lạc sẽ “loạn”. Người như thế không thể tiến bộ, không thể thành Phật Bồ Tát Thánh Hiền.
Hằng ngày chúng ta không cần quán chiếu quá cao, chỉ cần chú ý đến những việc nhỏ nhất như mình có dậy đúng giờ, có lạy Phật đủ số không? Đây là chính mình tạo ra sự mực thước cho mình. Trong nhiều năm dài, tôi chỉ nghe lời dạy của Hòa Thượng qua băng đĩa dù rằng tôi có rất nhiều cơ hội gặp trực tiếp Ngài. Những lời nói qua băng đĩa của Ngài đều là lời nói thật!
Cho nên hằng ngày, chúng ta phải quán chiếu xem những gì của chúng ta là thật? Những gì của chúng ta là giả? Phải chăng lễ Phật, tham gia học tập hay đối nhân xử thế tiếp vật đều là giả. Từ sáng sớm đến tối muộn, mọi thứ đều là giả, vậy thì chúng ta làm sao quay trở về với sự chân thật của chính mình? Nếu chúng ta còn rơi vào tâm cảnh này thì chắc chắn sẽ giống như lời Hòa Thượng nói: “Chúng sanh ngày nay thích nghe gạt, không thích nghe khuyên”. Lời khuyên thì bao giờ cũng trong chuẩn mực và lời gạt thì luôn thỏa mãn tập khí, thỏa mãn tham cầu, thỏa mãn dục vọng của chính mình.
Câu hỏi đầu tiên trong bài học hôm nay, có người hỏi Hòa Thượng rằng: “Kính bạch Hòa Thượng, mỗi ngày sớm và tối, con tụng Kinh Vô Lượng Thọ một biến, niệm chú vãng sanh ba biến, niệm Phật trong 10 hơi thở, ngoài ra còn thời gian thì nghe giảng Kinh. Con tu học như vậy có thỏa đáng không ạ?”
Hòa Thượng trả lời: “Rất thỏa đáng!” Thế nhưng khi chúng ta nghe câu trả lời của Hòa Thượng thì phải nghe rộng hơn. Trong lúc giảng Kinh Vô Lượng Thọ, Hòa Thượng từng nói rằng: “Bạn có đủ can đảm để suốt cuộc đời này chỉ niệm một câu A Di Đà Phật không?” Cho nên chúng ta không nên chỉ nghe một câu trả lời mà cho rằng Hòa Thượng đưa ra phương pháp tu học này. Đây là người hỏi đã có thời khóa tu học sẵn và hỏi Hòa Thượng có thỏa đáng không mà thôi.