11Thứ Năm, 16/01/2025, 07:05

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Ba, ngày 14/01/2025.

--------------------------------------------

PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP

BÀI 146

Từ 20 năm trước, tôi luôn nhắc nhở mọi người luôn mở rộng tâm lượng. Đến nay, trong nhiều giai đoạn, ở mỗi hành trình đến bất cứ nơi đâu, tôi đều nỗ lực thực hiện điều đã khuyên mọi người. Tôi đi đến đâu thì nhất định phải có quà tặng và phóng sanh. Tôi từng nói với một vị Hòa Thượng ở Cà Mau rằng những việc làm đó của tôi là do sự cố gắng phát tâm, bất cứ lúc nào Hòa Thượng cần, gọi tôi là tôi sẽ có mặt.

Đây chính là điểm để chúng ta phản tỉnh, kiểm điểm lại việc làm, khởi tâm động niệm của chúng ta có vì người, vì đoàn thể, vì quốc gia, dân tộc mà lo nghĩ hay không? Chúng ta vẫn đang vì mình và vì cái của mình. Màu cờ sắc áo của mỗi trường trong Hệ thống phải như nhau chứ không thể mỗi trường một kiểu, có tiền thì áo đẹp, ít tiền thì áo xấu hơn một chút.

Có vị Thánh Hiền trước khi mất, một người hầu nói với ông rằng ông là một người đức hạnh thì phải xứng đáng nằm một chiếc chiếu hoa nhưng người con không đồng ý vì cho rằng cha mình mệt lắm rồi. Vị Thánh Hiền thấy vậy nói rằng: “Cả đời của ta xem trọng lễ nghi phép tắc, đến người hầu còn tôn trọng việc làm của ta còn con ta thì lại không!” Nói rồi liền ra đi. Người xưa cũng nói: “Nhân phi nghĩa (không có chuẩn mực) bất giao, vật phi nghĩa bất thủ”.

Cũng vậy, chúng ta là con cháu trong một gia tộc thì mọi việc làm của chúng ta phải nói lên tinh thần của gia tộc đó còn nếu chúng ta làm việc trong một hệ thống nào đó thì việc làm của chúng ta phải làm nổi bật tinh thần của hệ thống đó. Màu cờ sắc áo cũng vậy, nếu không khéo chỉ là cạnh tranh, chỗ này làm nét hơn, đẹp hơn chỗ kia. Cho dù đẹp hơn, chúng ta cũng không nên làm. Điều chúng ta hướng tới là tinh tế hơn, chuẩn mực hơn chứ không lòe loẹt để vượt trội. Nếu chúng ta có tâm làm để vượt trội thì tâm cảnh đó sai rồi, không xứng là học trò của Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền.

Trong Kinh Hoa Nghiêm, Phật nói ra tám chữ là tổng cương lĩnh: “Học vi nhân sư, hành vi thế phạm”- Học để làm Thầy người, làm là để làm ra chuẩn mực, ý nói rằng việc đối nhân xử thế, hành động tạo tác, khởi tâm động niệm trong chúng ta luôn luôn phải mực thước để trong vô hình mọi người sẽ bị cảm động. Trong chúng ta tập khí xấu ác thì đầy rẫy, chuẩn mực của Phật Bồ Tát Thánh Hiền mới chỉ thấm ở ngoài da, cho nên chúng ta phải thận trọng khi những tập khí xấu ác trong chúng ta trổ ra, sẽ đẩy những tập khí tốt mới dính bên ngoài trôi đi mất.

Chúng ta không nên có ý niệm “Tự tư tự lợi”, ý niệm hơn người (ý niệm bá đồ) Bồ Tát Thường Bất Khinh dầu có bị người mắng mỏ và đá đuổi đi vẫn luôn nói: “Con kính các Ngài vì các Ngài sẽ thành Phật.” Đây là Ngài đang biểu pháp cho chúng ta. Hòa Thượng cũng thường nhắc nhở chúng ta về việc này. Ngài nói: “Những việc làm của chúng ta đem so với Phật Bồ Tát sẽ thấy chúng ta chưa làm được gì!” Lời dạy này khiến chúng ta luôn thấy xấu hổ, không có một ý niệm tự hào nào về những việc mà mình đã làm. Ân đức của Phật Bồ Tát đối với chúng ta quá lớn. Hiện tại, chúng ta thay Phật Bồ Tát Thánh Hiền để làm mà làm ở mức độ như thế này thì không khéo tình hình có thể còn tồi tệ hơn.

Thầy Trần từng nói đến Thánh Hiền trên giấy, Thánh Hiền trên bàn phím, đơn giản chỉ là mặc chiếc áo của Thánh Hiền, ngồi quạt phe phẩy đọc sách nhưng vẫn đầy tập khí phiền não. Người như thế tưởng mình là Thánh Hiền nhưng đến hình nộm của Thánh Hiền cũng còn không giống. Càng học Phật thì tâm càng mở rộng nhưng vì sao có người học Phật tâm càng hẹp lại hoặc là buổi sáng thì mở tâm đến tối, tâm đã hẹp trở lại. Cho nên chúng ta phải quán sát xem mọi việc làm của chúng ta, có phải đều là vì chúng sanh lo nghĩ hay không?

Hòa Thượng từng thắc mắc với Ngài Lý Bỉnh Nam về việc trong 100 điều niệm Phật, vì sao điều đầu tiên lại là niệm Phật đọa địa ngục. Ngài Lý Bỉnh Nam nói rằng đây là việc hết sức lớn nên Ngài sẽ nói tại giảng đường, cho tất cả mọi người cùng nghe. Niệm Phật với tâm ảo danh ảo vọng, tâm “tự tư tự lợi”, tâm xây dựng bá đồ thì chính là tự đưa mình vào địa ngục.

Chúng ta học Phật là để trở thành Phật, Bồ Tát chứ không phải để trở thành người quân tử, tuy nhiên, tinh thần của người quân tử khiến chúng ta phản tỉnh rằng bản thân chúng ta có đáng mặt làm quân tử không nói chi đến việc làm Phật, làm Bồ Tát. Trong Quần Thư Trị Yếu, một vị quan đã phải chặt chân người lính hầu phạm lỗi, đến khi vị quan này phải chạy loạn do giặc đuổi thì người lính hầu đã chỉ một cái lỗ dưới cổng thành cho ông trốn vào đó nhưng ông từ chối, đến khi quá cấp bách người lính hầu không dùng tâm báo thù mà dùng tâm tri ân tiếp tục chỉ một ngôi nhà bên cạnh thành cho ông trốn chạy. Ông nói: “Năm xưa, ta vì quốc pháp mà làm, không hề có chút tự tư tự lợi nên nhà người có thù ta thì ta cũng không trách người”.