Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Hai, ngày 13/01/2025.
--------------------------------------------
PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP
BÀI 145
Phật pháp có lý, có sự viên dung tuy vậy có người chỉ bám vào lý mà không có sự thực hành thấu đáo, ngược lại có người bám vào sự mà không thấu hiểu lý. Hai cách tu hành như vậy chỉ là “Tu mù luyện quáng” chẳng có kết quả tốt đẹp. Một hành trình từ nơi này đến nơi khác phải có đầy đủ điểm khởi đầu, điểm kết thúc và phương hướng đi. Trong hành trình đó, chúng ta phải giữ được tốc độ đều đặn thì mới đến được đích. Chúng ta có điểm khởi đầu tốt nhưng không nên đi đến giữa chừng thì thả lỏng.
Có người đi xe đạp gần đến vạch đích thì không thèm đi nữa vì nghĩ là chẳng ai có thể vượt lên trước anh ta. Tuy nhiên, có một người vác xe chạy bộ vẫn có thể đuổi kịp và về đích trước. Việc tu hành của chúng ta cũng thế, chúng ta phải thận trọng! Khởi tâm động niệm của chúng ta hiện đang bị tập khí dẫn dắt, khiến chúng ta lui sụt chứ không tiến bộ. Nhiều người thắc mắc vì sao họ luôn ở trạng thái như vậy? Vì nhiều đời nhiều kiếp và cả đời này, chúng ta chỉ làm cho dễ coi chứ chưa tinh tấn. Do đó, chỉ cần lơ là, lơi lỏng là chúng ta sẽ bị tập khí sai sử ngay.
Bên cạnh tập khí xấu ác luôn làm chệch hướng tín tâm, nguyện tâm của chúng ta, xung quanh chúng ta còn có vô vàn sự cám dỗ. Đa phần chúng ta phạm phải sai lầm rồi mới hối hận và chắc chắn chúng ta sẽ phải nhận lấy nhân quả từ việc làm sai lầm đó. Chúng ta gây thiệt hại cho chính bản thân mà nhân quả đến với chúng ta đã đáng sợ, huống hồ chúng ta làm việc tổn hại đến cơ quan đoàn thể, hay đến quốc gia dân tộc thì nhân quả phải gánh chịu sẽ không thể nghĩ bàn. Những người học Phật, học chuẩn mực Thánh Hiền vẫn còn rất tùy tiện. Hằng ngày họ nói lời Thánh Hiền nên họ tưởng họ đã là Thánh Hiền rồi.
Nếu trong khởi tâm động niệm có sự kiểm soát thì chúng ta sẽ không để những sơ xuất xảy ra, nhất định không cần ai bên cạnh nhắc nhở. Thầy Thái từng kể về vị học trò của Khổng Tử lúc sắp lâm chung thấy chiếc chiếu được sắp đặt không đúng với chuẩn mực đã lên tiếng điều chỉnh lại rằng nhất định phải làm đúng lễ. Nói xong thì ông liền ra đi. Chúng ta chưa làm được như vậy nhưng trong khởi tâm động niệm và hành động phải có sự quán sát hướng đến điều này. Đó chính là chánh niệm tu hành!
Ý niệm chiếm tiện nghi tức là chọn phần tốt cho mình vẫn xuất hiện nhiều trong chúng ta. Chúng ta tưởng rằng cầm cả đống tiền trong tay mới là chiếm tiện nghi hay sao? Hằng ngày từ việc ăn uống, đi lại, chúng ta phải quán sát xem mình có chiếm tiện nghi không? Việc đó sẽ phải chi trả từ trong phước báu của chúng ta. Những gì chúng ta không trả bằng tiền thì nhất định sẽ trả bằng phước báu và những gì chúng ta tích công bồi đức làm cho mọi người thì cũng sẽ nhận bằng phước báu. Cao hơn, chúng ta làm với tâm vô tư vô cầu thì sẽ được trả bằng công đức. Nói như vậy cho dễ hiểu chứ không ai trả cho chúng ta. Phước báu sẽ tự nhiên hình thành giúp chúng ta hưởng ở thế gian và công đức cũng tự hình thành giúp chúng ta vượt thoát thế gian.
Chúng ta nghe điển tích của người xưa luôn có cảm khái rất sâu sắc. Đối với sự chuẩn mực phải luôn chấp trước chứ không nên tùy tiện. Sự tùy tiện đến giới nhỏ không cần giữ khiến chuẩn mực của Phật pháp, của Cổ thánh Tiên hiền bị lệch đi rất xa. Việc xem trọng chuẩn mực chính là sự tu hành. Chúng ta chỉnh sửa hoàn cảnh xung quanh chính là sửa tâm, chúng ta sửa tâm thì hoàn cảnh xung quanh theo đó mà được chỉnh sửa lại.
Mỗi chúng ta rất dễ bị tập khí phiền não dẫn dụ mà không phát hiện ra, khiến chúng ta bị tha hóa dần dần, mỗi ngày một ít, đến lúc phát hiện ra thì không thể sửa lại được. Đây là điểm chúng ta phải lưu ý! Cho nên trong quá trình tu hành của bản thân rất cần có sự sách tấn của mọi người. Mọi người còn có người nhắc nhở, bản thân tôi có ai nhắc nhở đâu. Từ nhỏ đến giờ tôi gần như phải tự nỗ lực một mình. Cũng may là tôi bám chặt vào lời Hòa Thượng dạy, ngày ngày học tập chính là ngày ngày được nhắc nhở. Ngoài việc học tập theo thời gian quy định nhất định thì gần như lúc nào tôi cũng nghe pháp. Tôi ngồi bất kỳ nơi nào trong khu nhà ở này thì tôi nghe pháp ở nơi đó.
Đó là chính chúng ta tạo cơ hội nhắc nhở bản thân mình! Nếu không như thế thì chúng ta sẽ nhiễm dần dần “danh vọng lợi dưỡng”, “năm dục sáu trần” hay “Tài Sắc Danh Thực Thùy” - thứ đưa chúng ta vào địa ngục. Trong vô hình, những thứ này khiến chúng ta nhuộm chàm, tẩy không ra nên đành phải hẹn kiếp sau, kiếp này thực sự hết cách rồi. Liệu chúng ta có cơ hội ở kiếp sau hay không?