12Thứ Năm, 16/01/2025, 07:05

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng Chủ Nhật, ngày 12/01/2025.

--------------------------------------------

PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP

BÀI 144

Mọi sự thuận tiện hay bất lợi trong cuộc sống của chúng ta đều là nhân trước quả sau. Chúng ta hiểu như vậy nhưng khi gặp chuyện thì chúng ta thường rơi vào trạng thái nghĩ không thông. Vì sao như vậy? Vì chúng ta chưa chân thật hiểu một cách sâu sắc. Nhà Nho có câu “oán trời trách người” để chỉ những người khi suy nghĩ không thông lại hay trách người khác chứ không tự quay vào trong để trách chính mình.

Nếu chúng ta có đầy đủ phước đức nhân duyên của cư dân cõi Phật hoặc một thiên nhân ở cõi trời dục giới hay cõi trời vô sắc giới thì chúng ta sẽ đến cõi Phật, cõi trời dục giới hay cõi vô sắc giới đó. Tuy nhiên, chúng ta chưa đủ phước báu mà nghiệp quả còn nhiều nên chúng ta vẫn phải ở trong cõi Ta Bà nhiều phiền não, khổ đau và chướng ngại. Hiểu thấu điều này rồi, chúng ta hay mau mau làm các việc phước lành để tích công bồi đức. Đến khi chúng ta già nua, mọi sự mọi việc không theo ý chúng ta nữa thì muốn làm việc gì cũng đều khó có cơ hội.

Chúng ta biết tất cả mọi việc đều là nhân trước quả sau vậy thì tại sao chúng ta không tạo ra nhân tốt? Là vì chúng ta chưa thật sự tin. Chúng ta cho rằng ngày ngày tranh đấu, ngày ngày đi tìm danh vọng, địa vị, tài sản thì mới giàu được nên chúng ta cứ chìm đắm ở trong đó. Bà cư sĩ Hứa Triết chưa từng mua cho mình bất cứ thứ gì, kể cả quần áo, vậy mà Bà chẳng thiếu thứ gì, tủ lạnh luôn đầy đủ thức ăn. Bữa ăn của Bà đơn giản có khi chỉ là một trái táo hay một cốc sữa chua là đủ. Mọi người cứ tự nhiên mua và đặt vào tủ lạnh của Bà mà bản thân Bà cũng không biết họ là ai.

Một trường học đang dạy các con về đạo đức, về chuẩn mực Văn hóa Truyền thống. Mọi thành viên trong trường đều học tập và đang thay đổi tốt đẹp, vậy chúng ta làm trong môi trường đó, chúng ta có nhận ra rằng mọi người xung quanh đang vì điều gì mà làm việc hăng say không? Còn bản thân chúng ta, chúng ta vì cái gì? Có phải chờ để lấy tiền không? Lấy tiền để làm gì? Để làm con ma giàu nhất nghĩa trang hay sao?

Những người được học, được tiếp nhận Văn hóa Truyền thống thì cơ hội để quay đầu còn rất khó huống hồ những người chưa được học. Vậy thì, chúng ta cần phải chờ đợi họ. Hòa Thượng từng nhắc đến điểm này khiến chúng ta phải suy ngẫm. Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý đến thời gian vì thời gian không chờ chúng ta. Có thể chúng ta không làm con Ma giàu nhất nghĩa trang nhưng có thể làm con Ma hối tiếc nhất thế gian.

Hối tiếc là vì chúng ta đã làm ra những việc tổn hại đến bao người hoặc đã không kịp hoàn thành mọi dự định, hoạch định thì đã phải ra đi. Hiện tại, những gì cần làm tôi đã làm, không còn trù bị hoặc hoạch định những thứ vượt qua tầm với của bản thân nữa. Mọi sự đã hoàn thành thì sẽ thong dong. Có những người chẳng tu hành nhưng đời sống của họ không có nhiều ràng buộc nên đến lúc ra đi, họ rất tự tại.

Phật pháp là giải thoát, là an vui vậy mà nhiều người tu học Phật pháp lại chẳng thấy an vui, chẳng thấy giải thoát. Năm 2000 rộ lên tình trạng Y2k, những người niệm Phật lại là những người bao chao, dao động nhiều nhất. Họ chẳng hề nghĩ đến việc bản thân có thể đi sớm hơn một chút thì vẫn tốt đẹp. Những người thường, chẳng có ý niệm gì lại là những người không học Phật.

Câu hỏi đầu tiên trong bài học hôm nay, có người hỏi Hòa Thượng rằng: “Kính bạch Hòa Thượng, làm thế nào có thể khế nhập được cảnh giới của Hoa Nghiêm ạ?” Có người cho rằng họ cần phải khế nhập được cảnh giới cao của Hoa Nghiêm còn cảnh giới của ông thợ vá nồi mỗi lần gõ búa là một lần lão thật niệm câu “A Di Đà Phật” là cảnh giới thấp. Họ không biết rằng cảnh giới của ông thợ vá nồi mới là cảnh giới của Hoa Nghiêm.

Phật dạy chúng ta “Đừng làm các việc ác, vâng làm các việc thiện, giữa tâm mình trong sạch” nhưng chúng ta làm không tới, việc thiện thì không thích làm, việc ác thì vẫn lai rai diễn ra. Bản thân chúng ta như vậy mà muốn vào cảnh giới Hoa Nghiêm?Tuy vậy, Phật pháp rất từ bi. Thích Ca Mâu Ni Phật từng nói: “Vì chúng sanh không nghe được pháp nhất thừa cho nên ta đành phải nói pháp nhị thừa và tam thừa.” Nhất thừa là pháp thẳng tiến thành Phật, nhưng chúng sanh không thích nghe, không thích làm Phật mà vẫn muốn trở thành người giàu có, người có địa vị có nhiều người phục tùng, cho nên, Phật phương tiện mà nói ra pháp nhị thừa và tam thừa.