Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Bảy, ngày 11/01/2025.
****************************
PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP
BÀI 143
Hôm qua, có người hỏi Hòa Thượng, họ đang mang thai tháng thứ 5, Bác sĩ nói thai nhi bị dị thường, tất cả những hiện tượng dị thường này đều do nhân quả của chúng ta. Đây là nhân quả hiện tiền. Khi nhân quả hiện tiền thì chúng ta sẽ nhìn thấy hiện tượng, chúng ta sẽ đề cao cảnh giác, phản tỉnh. Nếu nhân quả không hiện tiền thì chúng ta không nhìn thấy quả báo, chúng ta không có sự phản tỉnh, chúng ta âm thầm tạo nghiệp, khi nghiệp quá lớn thì chúng ta sẽ không thể cứu vãn. Hằng ngày, trong khởi tâm động niệm, hành động tạo tác, đối nhân xử thế tiếp vật, chúng ta phải hết sức phản tỉnh.
Hôm qua, khi tôi di chuyển bằng máy bay ra Hà Nội, tôi nhìn thấy một người tu hành, người đó khoe cuộc sống giàu sang, xe sang với một người, sau đó, người tu hành này xin số điện thoại của người kia. Người ngày nay nghĩ ra rất nhiều thủ đoạn để mê hoặc người khác.
Hiện tại, Phật pháp ngày càng suy đồi vì nhiều người tu hành mà không có lợi ích. Hòa Thượng thường nói: “Mạt pháp là lòng người mạt, chứ pháp của Phật không mạt”. Lòng người dễ lười biếng, chểnh mảng, chìm đắm trong “danh vọng lợi dưỡng”.
Hòa Thượng nói: “Chúng ta tu hành, học Phật là chúng ta tình nguyện làm một người thiệt thòi”. Người thế gian tưởng chúng ta thiệt thòi nhưng chúng ta không hề thiệt thòi. Một người bạn của tôi cho rằng, tôi ăn chay, không hút thuốc, không uống rượu, không tranh danh đoạt lợi mà chỉ tặng cho vậy thì cuộc sống của tôi không có gì vui. Tôi nói: “Anh không thấy tôi đang rất vui hay sao!”.
Hôm trước, tôi bị đứt tay, tôi mất rất nhiều máu nhưng sau 3 ngày, tôi vẫn làm hơn 100 lọ dưa góp tặng mọi người. Mọi sự, mọi việc đều do tâm chúng ta, tâm chúng ta không chấp trước thì mọi việc đều sẽ diễn ra bình thường. Người thế gian nói: “Người giàu đứt tay như nhà nghèo đổ ruột”. Khi tôi đứt tay, con gái tôi lo lắng nên vội đi lấy nước sát trùng, băng, gạc, tôi nói, tôi chỉ cần dùng một miếng băng nhỏ là được. Mỗi sáng thức dậy, nếu chúng ta có ý niệm làm việc lợi ích cho người thì tự nhiên chúng ta sẽ minh mẫn, sáng suốt, chúng ta sẽ nghĩ ra rất nhiều việc. Chúng ta không nghĩ cho người thì chúng ta sẽ không có việc để làm. Nhiều người muốn ngủ, ăn nhậu để hết thời gian, những việc này đều là việc tạo nghiệp.
Có người hỏi Hòa Thượng: “Thưa Hòa Thượng, có người học giảng Kinh, khi họ giảng, một nửa thính chúng ở dưới hội trường không an tĩnh, xao động, tâm của họ rất bao chao, tán loạn, vậy lúc này nên làm như thế nào để tâm đại chúng được an tĩnh?”.
Khi chúng ta nói chuyện ở hội trường hay trong cuộc họp thì chúng ta phải có sức định, chúng ta nói những việc chúng ta thật làm thì lời nói của chúng ta sẽ có lực. Chúng ta nói điều chúng ta chưa từng làm, nói những lời trống rỗng thì tâm người nghe sẽ bao chao. Nếu chúng ta “thật tu, thật học, thật làm” thì chúng ta nhất định cảm hoá được người cho dù người đó là ai.
Trước đây, có những người từng đến nhờ tôi dịch, sau đó, họ nghe lời người khác nên họ bị dao động và bỏ đi. Mười năm qua, họ đã bỏ ra rất nhiều tài vật nhưng không có được lợi ích. Nếu họ tập trung tài vật đó làm giáo dục thì sẽ rất nhiều người có lợi ích. Tôi thường khuyên mọi người, không nên lãng phí tài vật mà nên dùng tài vật đó làm lợi ích lâu dài cho chúng sanh. Việc có thể đem lại lợi ích lâu dài nhất cho mọi người là giáo dục. Chúng ta tặng cơm áo cho mọi người thì chúng ta cũng không thể chân thật giúp họ.
Ngày trước, Tổ Ấn Quang dùng toàn bộ tiền mình có được để in sách thiện, giúp mọi người hiểu được nhân quả, luân thường đạo lý. Nếu có thiên tai, bão lũ thì Ngài trích một phần tiền để cứu trợ khẩn cấp, sau đó, Ngài lại tiếp tục dùng tiền làm giáo dục. In sách là làm giáo dục một cách gián tiếp. Vừa qua, khi ở các tỉnh miền núi bị sạt lở đất, chúng ta đã tạm dừng các lễ tri ân Cha Mẹ để dùng tiền đó cứu trợ đồng bào, sau đó, chúng ta quay về làm công việc chính của mình đó là giáo dục.
Chúng ta làm rất nhiều mảng giáo dục như giáo dục gia đình, giáo dục xã hội, giáo dục học đường, giáo dục tôn giáo. Chúng ta không kêu gọi, lôi kéo, người nào thích làm mảng nào thì họ sẽ làm mảng đó. Chúng ta mở nhiều zoom các lớp học, trong đó có lớp học hướng dẫn cách dạy con, lớp “Con đường đạt đến nhân sanh hạnh phúc”, lớp “Nữ đức”, lớp học Phật pháp, niệm Phật. Chúng ta phải quay về với vai trò, trách nhiệm chính, nếu chúng ta không cẩn trọng thì chúng ta rất dễ bị “tha hoá”.