160Thứ Năm, 09/01/2025, 19:39
141 · Phật Pháp Vấn Đáp - 141

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Năm, ngày 09/01/2025.

****************************

PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP

BÀI 141

Thọ giới là một điều vô cùng cần thiết đối với người học Phật, chúng ta tu hành mà chúng ta không giữ giới thì chúng ta không khác gì so với tà ma, ngoại đạo. Yêu ma quỷ quái, tà ma ngoại đạo không giữ giới, họ luôn làm theo những tập khí, xấu ác. Khi Thích Ca Mâu Ni Phật sắp nhập Niết Bàn, tôn giả A-nan hỏi Ngài: “Khi Ngài còn tại thế chúng con nương vào Ngài khi Ngài vào Niết Bàn chúng con biết nương vào ai?”. Thích Ca Mâu Ni Phật nói: “Lấy giới làm Thầy, lấy khổ làm Thầy”.

Thọ giới là vô cùng quan trọng, giữ giới càng quan trọng hơn. Chúng ta không chỉ làm ở trên “tướng giới” mà chúng ta phải giữ “tâm giới”. “Tâm giới” là chúng ta vận dụng lời dạy của Phật Bồ Tát từ trong tâm. Khi chúng ta nhìn thấy mọi người quy y tam bảo, thọ trì năm giới, có pháp danh thì chúng ta thường muốn làm theo. Hay khi chúng ta nhìn thấy người khác thọ Bồ Tát giới, đắp y Bồ Tát thì chúng ta cũng muốn thọ Bồ Tát giới nhưng điều quan trọng là chúng ta phải phát được tâm, hạnh của Bồ Tát. Chúng ta có tâm, hạnh của Bồ Tát thì chúng ta mới là Bồ Tát chân thật.

Hòa Thượng từng nói: “Nếu chúng ta ở nơi nào đó xa xôi không có quý Thầy truyền trao giới pháp cho chúng ta thì chúng ta có thể hướng đến Phật, phát nguyện thọ giới, chúng ta phát nguyện thọ giới nào mà chúng ta làm được giới đó thì chúng ta đã đắc được giới”. Chúng ta thành tựu được giới thân thì chắc chắn giới thể, giới mạng của chúng ta cũng thành tựu. Chúng ta không cần quá chú trọng hình thức. Nhiều người chạy theo hình thức nhưng nội tâm trống rỗng, khởi tâm động niệm, đối nhân xử thế của họ luôn có sai sót. Nếu chúng ta chân thật tuân thủ giới luật, quy củ, quy điều, chuẩn mực thì khởi tâm động niệm, lời nói, việc làm của chúng ta sẽ rất an.

Chúng ta phải có đầy đủ tín, nguyện, hạnh. Chúng ta là một người Phật tử thì chúng ta phải đầy đủ tư cách của một người Phật tử. Nếu chúng ta thọ giới Bồ Tát thì chúng ta phải có đầy đủ tư cách của một Bồ Tát. Trong đoàn thể mà có một Bồ Tát thì đoàn thể đó sẽ an vui, hạnh phúc vì vị Bồ Tát đó sẽ luôn quan tâm đến tất cả mọi người. Nếu trong đoàn thể có hơn hai vị Bồ Tát thì đoàn thể đó sẽ an vui, hạnh phúc như thế giới Cực Lạc.

Chúng ta muốn có Bồ Tát ở bên cạnh vậy thì tại sao chúng ta không làm Bồ Tát? Chúng ta rất thích nhận quà vậy thì tại sao chúng ta không là người đi tặng quà? Ai cũng muốn mình được ở chung, làm việc, gần gũi với Bồ Tát vì ở gần Bồ Tát rất dễ chịu, Bồ Tát không tranh, chúng ta chưa có ý muốn dành thì Bồ Tát đã nhường. Vấn đề then chốt là, tại sao chúng ta không là một Bồ Tát để mọi người luôn cảm thấy dễ chịu khi ở gần chúng ta? Khi chúng ta nhận quà, chúng ta cảm thấy rất vui vậy thì tại sao chúng ta không là người đi tặng quà, không là người ban phát niềm vui cho người khác? Chúng ta thường chỉ ngồi đợi nhận quà.

Người xưa dạy chúng ta: “Đừng làm những việc mình không thích cho người khác”. Chúng ta hãy làm những điều mà chúng ta thích được người khác làm cho mình. Đây là tâm lượng của Bồ Tát. Thọ Bồ Tát giới, đắp y Bồ Tát chỉ là hình tướng. Hằng ngày, chúng ta vẫn “tự tư tự lợi”, chìm đắm trong “danh vọng lợi dưỡng”, không nghĩ đến chúng sanh đau khổ.

Hòa Thượng từng nói: “Pháp thì không có mạt nhưng lòng người có mạt, Phật pháp suy đồi, tiêu vong vì không có người thật làm”. Ngày nay, những lời Phật dạy chỉ còn trên hình thức, trên những lời nói vì không có người làm ra việc làm cụ thể.

Tôi khuyên mọi người, chúng ta phải khởi tâm rộng lớn vì người lo nghĩ, chúng ta đừng bao giờ sợ thiệt thòi, những điều chúng ta tận tâm tận lực làm mà chúng ta không nhận được bằng tiền thì chúng ta nhất định nhận bằng phước báu, không mất đi một chút nào! Chúng ta tận tâm tận lực làm thì phước báu tự đến, phước báu không phải do ai ban cho chúng ta. Nhiều người thế gian cho rằng có đấng thần linh đủ tư cách ban phước, giáng họa cho con người. Chính chúng ta có quyền năng tối thượng để ban phước, giáng họa cho mình. Chúng ta làm thiện thì được thiện, chúng ta vi phạm pháp luật thì chúng ta phải nhận nhân quả. Hôm nay, nếu chúng ta vượt đèn đỏ thì chúng ta sẽ phải chịu hình phạt của pháp luật. Đây chính là chúng ta ban phước giáng họa cho chính mình.