28Thứ Năm, 09/01/2025, 11:56
140 · Phật Pháp Vấn Đáp - 140 _ 1 140 · Phật Pháp Vấn Đáp - 140 _ 2

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Tư, ngày 08/01/2025.

--------------------------------------------

PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP

BÀI 140

Trong bài học hôm qua, có người hỏi Hòa Thượng rằng làm thế nào để khắc chế được tập khí của chính mình? Tập khí là thói quen truyền kiếp chứ không chỉ một đời nên không dễ gì bỏ được. Chúng ta hiểu điều này nên đừng vội vàng, không thể tu 10 hay 20 năm mà loại bỏ được. Hòa Thượng từng nói trên Đài Truyền hình Hoa Tạng rằng 36 năm qua, không ngày nào Ngài không niệm Phật tụng Kinh, giảng pháp, thế mà phiền não trong Ngài vẫn dấy khởi. Chúng ta có thời gian công phu chưa chắc bằng số năm lẻ của Ngài cho nên chúng ta không nên quá khẩn trương, quá cưỡng cầu mà chỉ cần tinh tấn dũng mãnh một cách đặc biệt thì mới đối trị, chuyển đổi được phiền não.

Không một vĩ nhân nào có thể loại trừ phiền não vọng tưởng giúp chúng ta mà phải là chính mình dụng công. Phật chỉ dạy và làm ra tấm gương về phương pháp tu học, chúng ta y theo đó mà làm. Nếu không thật làm thì vĩnh viễn không bao giờ có kết quả. Nếu chúng ta chờ ai đó giúp mình thì đó là vọng tưởng. Vọng tưởng phiền não từ nơi chính mình sinh ra thì cũng từ nơi chính mình phải tiêu diệt. Trong Kinh Sám hối có câu: “Tội từ tâm khởi phải do tâm diệt. Tâm diệt rồi thì tội liền không!

Những thói quen xấu của chúng ta, chúng ta phải cố gắng mà thay đổi, không một năng lực siêu nhiên nào giúp chúng ta thay đổi tập khí. Nếu như chư Phật Bồ Tát có thể giúp được thì Thích Ca Mâu Ni Phật không cần phải đến thế gian này 8000 lần. Phật A Di Đà cũng không cần phải nhiều kiếp tu hành để thiết lập thế giới Tây Phương Cực Lạc. Giống như các bậc giáo sư hay các vị Thầy ở thế gian này cũng không cần phải nhọc công dạy bảo học trò.

Tập khí phiền não của chúng ta muôn hình muôn dạng, vô lượng vô biên nên chúng ta phải từ nơi chính mình mà loại bỏ dần dần. Hòa Thượng nói: “Nếu công phu đã đạt đến nơi đến chốn thì tập khí phiền não không thể sanh khởi”. Tập khí phiền não còn sanh khởi là công phu chưa đến, vậy thì, đáng đọa lạc thế nào thì vẫn phải đọa lạc thế đó, đáng sanh tử thế nào thì vẫn phải sanh tử thế đó. Thế nhưng Hòa Thượng chỉ dạy rằng nếu rơi vào tình cảnh đó, chúng ta đã uổng phí một đời được thân người lại được gặp Phật pháp, gặp được chuẩn mực Thánh Hiền.

Có những người có duyên gặp được chuẩn mực Thánh Hiền nhưng không gặp được Phật pháp, có những người tin Phật pháp, gặp Phật pháp nhưng lại không tin vào chuẩn mực Thánh Hiền. Còn chúng ta có đủ cả hai và càng thù thắng hơn nữa, chúng ta lại được gặp pháp môn Tịnh Độ. Bên canh đó, bá thiên vạn kiếp chúng ta mới gặp được Hòa Thượng Hải Hiền với 92 năm niệm Phật và Hòa Thượng Tịnh Không là 70 năm. Các Ngài đã biểu diễn sự thực chứng cho chúng ta. Vậy thì đến đời nào, kiếp nào chúng ta mới có được nhân duyên thù thắng như vậy.

Nếu đời này lỡ qua, vô lượng kiếp sau chưa chắc chúng ta có cơ hội gặp lại. Hòa Thượng nói rằng Phật hay Khổng Lão Phu Tử đều dạy chúng ta khắc kỷ tức là tự mình khắc chế tập khí xấu của chính mình thì mọi sự hoàn toàn khác. Nếu không khắc chế được thì tập khí sẽ vẫn sai sử chúng ta. Tập khí đó không ngoài 16 tên giặc đó là “Tự tư tự lợi, danh vọng lợi dưỡng, năm dục sáu trần, tham sân si mạn”.

Muốn khắc kỷ được, ngoài việc chúng ta có tín tâm, chúng ta phải có nguyện tâm “vì chúng sanh, vì Phật pháp” thì chúng ta mới có thể nỗ lực vượt qua được mọi tập khí. Nếu chúng ta chỉ “vì mình” thì chúng ta sẽ rất yếu ớt. Chúng ta niệm Phật “vì mình” thì niệm không có lực. Nếu chúng ta nghĩ đến nhiều chúng sanh ở tận hư không khắp pháp giới không biết niệm Phật, không đủ lực để niệm Phật thì niệm lực của chúng ta tự nhiên sẽ rất mạnh mẽ. Chúng ta phải khắc kỷ không chỉ trong hoàn cảnh khó khăn mà ngay cả ở trong thuận cảnh. Thường thì khi khó khăn chúng ta luôn để cao cảnh giác, nhưng khi trong thuận cảnh, chúng ta thường chủ quan.

Câu hỏi đầu tiên trong bài học hôm nay, có người hỏi Hòa Thượng rằng đạo là gì? Đạo là con đường, là lối đi, là phương pháp tuy nhiên nhiều người không biết cái gì là đạo, họ cho rằng thắp nhang, cúng bái, lễ Phật là đạo. Hòa Thượng trả lời rằng: “Trong Kinh Duy Ma có câu rằng bình thường tâm là đạo. “Bình” chính là tâm thanh tịnh, bình đẳng và “thường” là vĩnh viễn giữ được không thay đổi. Vĩnh viễn giữ được điều gì? Vĩnh viễn giữ được tâm thanh tịnh, bình đẳng.