33Thứ Ba, 07/01/2025, 22:03
139 · Phật Pháp Vấn Đáp - 139 _ 1 139 · Phật Pháp Vấn Đáp - 139 _ 2

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Ba, ngày 07/01/2025.

--------------------------------------------

PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP

BÀI 139

Nhất môn thâm nhập trường kỳ huân tu là một việc vô cùng quan trọng trong tu học Phật pháp. Hòa Thượng từng chỉ dạy rằng nếu chúng ta muốn hiểu rõ tại sao phải một môn thâm nhập thì chúng ta phải biết phản tỉnh, quán sát xem phương pháp tu học nào chân thật có lợi ích cho chính mình. Một pháp tu không lợi ích cho bản thân và cho những người xung quanh chúng ta thì đó không phải là diệu pháp đối với chúng ta.

Cuối cuộc đời này chúng ta sẽ phải đối diện với sinh tử nên chúng ta phải làm những việc cần làm, không thể chờ, không thể đợi được ai, chúng ta phải tự quyết định cho chính mình hay nói cách khác là chúng ta phải tự tu hành. Sinh tử là con đường tự mình đi, đọa lạc cũng là tự mình đọa lạc. Có nhiều người khi tu học không đi theo một con đường, lúc thì trì chú, lúc lại niệm Phật, lúc lại tham thiền cho nên tâm không an định.

Hòa Thượng dạy chúng ta rất sâu sát thiết thực, Ngài nói tu học càng thuần, càng chuyên thì càng có kết quả. Trong lúc giảng Kinh Vô Lượng Thọ, Ngài khẳng định “Bạn có đủ can đảm để suốt cuộc đời này chỉ niệm một câu A Di Đà Phật không?” Chúng ta luôn cảm thấy thiếu, cảm thấy chưa đủ. Đây chính là vọng tưởng, chứng tỏ niềm tin của chúng ta chưa đủ. Niềm tin một khi đã đủ đầy thì chỉ cần một câu “A Di Đà Phật”, không cần trì chú, tham thiền v…

Quan trọng là chúng ta tu pháp nào mà phiền não nhẹ, trí tuệ thêm lớn, mọi sự mọi việc càng lúc càng tường tận thì pháp đó đúng còn nếu thấy khổ đau vẫn khổ đau, vọng tưởng, phiền não, chấp trước càng lúc càng nặng, mọi sự mọi việc càng lúc càng mù mờ thì pháp đó sai. Lúc ấy chúng ta phải bỏ pháp đó mà bắt đầu lại từ đầu.

Tại sao Tổ sư Đại đức lại dạy cho chúng sanh nhiều cách tu? Là vì chúng sanh không thể chuyên nên phải dạy như thế. Phật từng nói vì chúng sanh không thể tiếp nhận pháp nhất thừa, pháp thẳng tiến thành Phật và họ chưa muốn thành Phật mà muốn giàu sang nên Ngài đành phải nói pháp nhị thừa, tam thừa. Pháp nhị thừa dành cho người thích tu hành, muốn giải thoát nhưng không muốn độ sanh, không mở tâm rộng lớn giúp ích chúng sanh. Tam thừa là pháp nhân thiên.

Người tạp tu không mấy có ai tiến bộ. Học nhiều môn thì khó học sâu. Do đó, chúng ta phải quán chiếu tu hành phải từ nơi chính mình, giải thoát được hay không cũng ở nơi chính chúng ta. Khi chúng ta bị bệnh khổ thì chỉ có mình chúng ta đối đầu. Người xung quanh thì vẫn đang chìm đắm trong “danh vọng lợi dưỡng” “Tài Sắc Danh Thực Thùy”. Chúng ta luôn bận tâm suy nghĩ đến họ còn họ thì chẳng hề suy nghĩ đến chúng ta. Đó là tình chấp, đặc biệt đối với người bệnh khổ càng nhiều thì tình chấp càng nặng, chấp trước không bỏ được. Biết bao nhiêu lần, bao nhiêu đời sống, kiếp sống chúng ta đã sống trong cảnh sinh ly tử biệt, hiểu điều này rồi, để chúng ta mạnh mẽ bỏ sạch vướng bận trong tâm và giữ vững một câu “A Di Đà Phật”.

Câu hỏi đầu tiên trong bài học hôm nay, có người hỏi Hòa Thượng rằng: “Kính bạch Hòa Thượng, làm thế nào để quán chiếu được cái tâm?

Hòa Thượng trả lời: “Vấn đề này rất rộng lớn. Trước tiên bạn phải biết tâm là gì? Tâm đang ở chỗ nào? Trên Kinh Lăng Nghiêm Phật giảng có bảy cách quán chiếu tâm, trước tiên bạn phải nhận biết rõ tâm đang ở chỗ nào, sau đó mới học cách quán chiếu tâm. Việc này chí ít cũng cần có 3-5 năm thời gian học tập, quyết định không phải một, hai câu nói mà có thể giải quyết được. Thế nhưng phương pháp ở Tịnh Độ tông lại rất đơn giản, chỉ niệm một câu A Di Đà Phật chính là quán tâm. Khi chúng ta khởi niệm A Di Đà Phật, từng câu từng tiếp nối nhau không có vọng tưởng xen tạp, tâm chính là A Di Đà Phật rồi.

Một câu “Nam Mô A Di Đà Phật” này, theo ý nghĩa tiếng Phạn thì Nam Mô là quy y, là cung kính, là nương về. Chữ “A” dịch là “Vô”, “Di Đà” dịch là “Lượng”, “Phật” dịch là “Giác”. Ý nghĩa dịch ra là “Quy y Vô Lượng Giác”. “Giác” chính là bổn tánh, là Phật tánh, chính là chân tâm, không sanh, không diệt nên phương pháp quán tâm của Tịnh Độ rất là vi diệu. Phương pháp này rất dễ học, dễ làm và rất dễ thành tựu.

Thế nhưng vì dễ dàng nên rất nhiều người không thích, không chịu làm. Hằng ngày họ nói rằng tâm của họ bắn tung tóe như một chiếc ly bị rớt xuống rồi vỡ ra và phải tìm cách gom tâm tức là gom những mảnh vỡ đó. Họ nói nghe rất hay nhưng lại rất phiền phức, gom những mảnh vỡ chẳng khác nào gom tất cả những vọng tưởng lại, ngăn chặn những vọng tưởng đó. Vọng tưởng là các dòng suy nghĩ thì bây giờ chúng ta không cần ngăn chặn mà chỉ cần thay đổi suy nghĩ, thay đổi ý niệm của mình, thay đổi vọng niệm bằng câu “A Di Đà Phật”. Tất cả đều quy về câu “A Di Đà Phật”, không khởi một vọng niệm nào khác ngoài câu “A Di Đà Phật”.