56Thứ Hai, 02/09/2024, 22:00
13 · Phật Pháp Vấn Đáp - 13

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Hai, ngày 02/09/2024.

--------------------------------------------

PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP

BÀI 13

Hòa Thượng dạy chúng ta rằng tu hành cần phải tự chính mình nỗ lực, chính mình không ngừng kiểm điểm lại bản thân. Nếu có người nhắc nhở cho mình, mình nhận ra và quay đầu thì đó là sự may mắn, là duyên tốt của bản thân. Nếu không có người nhắc nhở khiến bản thân cứ lầm đường lạc lối đến hết cuộc đời thì đó là một sự uổng phí.

Trong số các hành giả tu hành niệm Phật, nhiều người đang ở trạng thái như vậy. Họ sai mà không biết là sai đến khi nhận ra thì không còn đủ thời gian để cải đổi. Có người hỏi Hòa Thượng là làm thế nào để đủ tiêu chuẩn được đi bên cạnh Ngài tu tập? Ngài trả lời là người đi theo Ngài không có thành tựu mà người làm theo Ngài mới có thành tựu. Có lần Ngài nói: “Tôi nghe người ta nói rằng những người xung quanh tôi đều đã trở thành La sát”. Quả thật những vị hộ pháp này đã không kìm được sự tức giận vì nhiều người có những hành động bổ nhào, chen lấn để mong được đứng gần, chụp hình hay nắm tay Hòa Thượng.

Chúng ta nghe lời dạy của Hòa Thượng thì nỗ lực y giáo phụng hành, làm theo một cách triệt để không hề chen lẫn vọng tưởng của mình. Chúng ta hãy tự quán sát xem trong quá trình thực hành lời dạy của Phật, của Hòa Thượng, của Thánh Hiền, chúng ta có bị rơi vào trạng thái tự cho là mình đúng và lời của các Ngài là lạc hậu, lỗi thời hay không? Rõ ràng những lời dạy gia giáo truyền đạt từ Thầy sang trò là cách thức giáo dục từ đời Phật Thích Ca Mâu Ni đến nay mà không hề có sự sáng tác. Phật nói rằng Ngài chỉ nói lại những gì 7 đời chư Phật đã nói còn Khổng Lão Phu Tử nói rằng: “Thuật nhi bất tác”. Đây chính là truyền thừa gia giáo.

Câu hỏi thứ nhất trong bài học hôm nay có người hỏi Hòa Thượng là: “Trong nhà chúng con thường hay thấy có hai bóng đen. Vậy chúng con phải làm như thế nào?” Hòa Thượng trả lời rằng: “Gặp phải trường hợp này, trong nhà tốt nhất nên thờ cúng Phật Bồ Tát, mỗi ngày sớm tối thắp hương tụng Kinh, niệm Phật. Nếu bóng đen này là oán thân trái chủ thì họ sẽ được huân tập Phật pháp, họ không tổn hại bạn. Nếu họ đến để làm tăng thượng duyên cho bạn thì họ sẽ hộ trì việc tu hành của bạn. Cho nên không cần khắc ý ghi nhớ trong lòng. Chúng ta nên y theo Phật pháp mà làm thì tốt”.

Ngay như khu vực mà tôi đang ở, người trong nhà thì không thấy nhưng bất cứ người nào đến đây cũng đều thấy bóng dáng xõa tóc ghê rợn. Vậy tại sao có người thấy và có người lại không thấy? Là do không có duyên hoặc không phải là oan gia trái chủ của nhau nên không thấy. Trong nhà chúng ta mà thờ Phật, Bồ Tát, thờ ông bà, thì thường rất ấm áp, nếu không thì rất lạnh lẽo.

Câu hỏi thứ hai: “Con mỗi ngày niệm Phật, định khóa là 30.000 câu Phật hiệu. Nếu trong ngày làm không xong định khóa thì ngày hôm sau nhất định phải bổ sung. Người bên cạnh nói rằng làm như vậy là quá chấp trước. Con kiên trì như vậy có đúng pháp hay không?” Người mà nói chấp trước thì phải xem công phu người này như thế nào? Phải chăng họ ngay đến thời khóa công phu cũng không có, vẫn là lười biếng? Phải chẳng ngày ngày họ chỉ giỏi việc đi bàn chuyện thị phi tốt xấu của người khác? Cho nên chúng ta nghe ai nói thì phải có sự chọn lựa, hãy nghe người thật tu thật học.

Hòa Thượng trả lời rằng: “Nhất định là đúng như pháp. Một ngày 30.000 câu Phật hiệu là tiêu chuẩn rất tốt. Chúng ta có thể kiên trì chính mình định ra thời khóa nhưng khi bắt đầu thì không nên định ra quá nhiều. Về sau, dần dần tăng lên, như vậy chính là tinh tấn. Người sơ học, mỗi ngày định cho mình 10.000 câu Phật hiệu là tốt. Nếu như không thể thì niệm 5000 câu cũng rất tốt, ngày ngày không gián đoạn. Niệm được một thời gian thuần thục thì thân tâm sẽ rất tự tại, an vui. Nếu có thời gian thì phải tăng thêm, nhất định không thoái lui.

Nếu chúng ta không định ra thời khóa thì chính mình sẽ chểnh mảng. Một ngày chín lần, mỗi lần 10 câu mà chúng ta còn làm không đúng thời điểm khởi niệm, vẫn còn quên. Đây là chỗ kém khuyết của chúng ta, cho nên, chúng ta phải điều chỉnh chỗ này. Bản thân tôi có định ra thời khóa lạy Phật với số lượng đều đặn mà ngày nào cũng thực hiện đầy đủ.

Câu hỏi thứ ba: “Bình thường con không thích tiếp xúc với người. Có người làm nhiễu loạn thời khóa của con thì con sinh phiền não”. Hòa Thượng nói rằng: “Có người gây phiền não thời khóa công phu của bạn thì bạn phải từ bi một chút, bạn hãy tha thứ cho họ, không nên sinh phiền não. Chúng ta nên tìm cách tránh đi, không để ảnh hưởng đến công phu của mình.” Sống ở thế gian muốn mọi điều thuận ý vừa lòng với mình là điều rất khó, chín người mười ý. Bản thân tôi rất may mắn, từ rất lâu rồi, tôi đã ở tách biệt với chốn thị phi, không bị người khác làm nhiễu loạn. Đó là cách chúng ta bảo vệ tâm yếu mềm của mình, luôn là “tức cảnh thì sanh tình”.