Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Hai, ngày 06/01/2025.
--------------------------------------------
PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP
BÀI 138
Tu hành và độ sanh, theo tinh thần của Phật pháp Đại thừa, chính là một. Tu hành chính là độ sanh và độ sanh chính là tu hành. Chư Phật Bồ Tát tu thành chính quả đều là để độ chúng sanh, giúp đỡ chúng sanh ở mức tốt nhất.
Thích Ca Mâu Ni Phật đã đến thế gian thị hiện 8000 lần cho thấy năng lực của chúng sanh thông thường không thể làm được. Ngài đã phải trải qua nhiều gian khổ, từ Tất Đạt Đà sinh ra trong hoàng thành, lớn lên trong nhung lụa, quyền lực, rồi vợ đẹp con xinh và sau đó là xuất gia tầm đạo, trải qua sáu năm khổ hạnh, kết quả là thành đạo chuyển pháp luân 49 năm. Ngài thị hiện thành Phật cũng là để giúp đỡ chúng sanh ở mức độ tốt nhất. Ngài không từ cõi thường tịch quang hay từ cõi nào đó đến đây để làm Phật bởi vì như thế chúng sanh sẽ không tin. Do đó, Ngài đến như một con người bình thường, tu hành thành đạo.
Chúng ta nhớ đến sự tích Phật A Di Đà, Ngài cũng đã trải qua vô lượng kiếp tu hành để có thể thành Phật, để trang nghiêm được cõi Tây Phương Cực Lạc nhằm tiếp độ, giúp ích chúng sanh. Qua đây, chúng ta thấy tu hành chính là độ sanh, độ sanh chính là tu hành. Nếu chúng ta rời một trong hai việc này thì không phải là người tu hành để thành Phật.
Các Tổ sư Đại đức từ xưa đến nay cả đời tu hành đều là ở hai việc hoàn thiện bản thân và tiếp độ chúng sanh, không nề hà việc gian khổ. Tuy vậy, ngày nay, có người vẫn lăn tăn rằng mình chưa độ được bản thân mà đã đi độ người. Họ cũng trách cứ rằng hằng ngày không lo tu học lại đi lo các công tác in ấn Kinh sách, in ấn sách thiện. Họ cho rằng những công việc đó là xen tạp. Tuy nhiên, đối với những người chưa đủ duyên để nghe Phật pháp hay học chuẩn mực Thánh Hiền nhưng họ lại muốn xem các tấm gương đức hạnh của dân tộc để chỉnh sửa đời sống tư tưởng thì việc làm trên lại vô cùng cần thiết.
Cho nên, tôi rất tâm đắc với lời dạy của Hòa Thượng rằng một mặt chúng ta giúp đời, mặt khác chúng ta lại chăm chỉ tu học. Giúp đời chính là tu học và tu học chính là giúp đời. Dù chăm chỉ tu hành cũng không lơ là, chểnh mảng việc giúp đỡ chúng sanh. Mọi việc đều tự nhiên, không phan duyên, không cưỡng cầu.
Việc tổ chức lễ tri ân cha mẹ hoặc mọi việc chúng ta làm cũng hoàn toàn tùy duyên, không kêu gọi quyên góp, tất cả đều là nỗ lực cùng nhau để làm. Năng lực của chúng ta có thể làm được Phật vậy thì những công việc trên chúng ta có thể làm được một cách tốt đẹp.
Phật đến thế gian để phục vụ, tiếp độ chúng sanh vậy thì ai học Phật mà không có tinh thần phục vụ, tiếp độ chúng sanh thì phải xem lại chính mình có phải là đệ tử của Phật không. Thích Ca Mâu Ni Phật đã đến thế gian thị hiện 8000 lần mà mỗi lần pháp vận bao gồm các thời kỳ Chánh pháp, Tượng pháp và Mạt pháp kéo dài 12.000 năm rồi sau đó trải qua thời gian lâu xa mới có Phật xuất thế. Tất cả là do nhân duyên của chúng sanh chứ không phải Phật sắp đặt như vậy.
Chúng ta hiểu rõ tinh thần này để tránh có suy nghĩ sai lầm rằng Phật nói rằng vô ngã thế thì niệm Phật vãng sanh để thành Phật là chấp trước vào ngã, vào cái đại ngã. Đây là suy nghĩ sai lầm! Trên tinh thần của Phật pháp Đại thừa thì việc chúng ta thành Phật không phải là vì chính mình mà là vì chúng sanh. Vì để phục vụ chúng sanh được tốt hơn mà chúng ta thành Phật. Vãng sanh là để gần Phật A Di Đà, để hoàn thành học nghiệp tốt nhất, để đầy đủ năng lực phục vụ, tiếp độ chúng sanh chứ không phải Ta Bà khổ quá, về Cực Lạc cho sướng. Nếu ai nghĩ rằng thành Phật để không khổ, hay vãng sanh Cực Lạc để hưởng an lành thì sai rồi, vĩnh viễn không có ngày đó.
Hòa Thượng nói chúng ta vãng sanh không phải vì chúng ta, nếu nghĩ cho mình thì khó có phần vãng sanh. Vì muốn hoàn thành học nghiệp cao nhất, có đầy đủ năng lực tiếp độ và phục vụ chúng sanh mà vãng sanh. Nếu không có tư tưởng này, chỉ là để thả nổi thì chúng ta chỉ như bèo dạt mây trôi, bị nhấn chìm trong “danh vọng lợi dưỡng”, có thể 5 triệu hay 5 tỷ chưa động tâm nhưng 500 tỷ hay 5000 tỷ có động tâm không? “Tài Sắc Danh Thực Thùy” là năm điều để đi vào địa ngục nhưng cũng là công cụ để phục vụ chúng sanh.
Có một lần, một trường Đại học của Úc tặng bằng tiến sỹ danh dự cho Hòa Thượng. Hòa Thượng đã từ chối nhưng nhà trường đã thuyết phục Hòa Thượng rằng nhà trường muốn thỉnh mời Ngài tham dự Diễn đàn Hòa bình Thế giới của Liên Hợp Quốc mà điều kiện để tham dự là Ngài phải có bằng tiến sỹ. Với lý do này, Hòa Thượng mới nhận tấm bằng ấy. Đây là công cụ phục vụ chúng sanh.