28Thứ Ba, 07/01/2025, 22:03
137 · Phật Pháp Vấn Đáp - 137

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng Chủ Nhật, ngày 05/01/2025.

--------------------------------------------

PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP

BÀI 137

Có nhiều người lo lắng rằng chính mình chưa được độ mà đã đi độ người, tuy nhiên, cũng có nhiều người lười biếng, bất tài cũng mượn ý này để không làm gì cả. Chúng ta hãy xét lại xem chúng ta đang ở tâm cảnh gì? Chúng ta có lẽ sợ rằng khi chúng ta tiếp duyên nhiều quá thì không được nhất tâm hay chính chúng ta đang bất tài vô dụng?

Theo thiển ý riêng của tôi thì trừ những trường hợp đặc biệt, còn hầu hết người bất tài, chểnh mảng trong công việc thì trong công phu tu tập, họ cũng chẳng làm được việc gì. Hòa Thượng đã khẳng định người chưa độ được mình mà đã đi độ người là danh tự Bồ Tát. Bồ Tát này chưa chắc đã vãng sanh.

Họ dạy người niệm Phật thì người đó được vãng sanh còn họ phải công phu đủ mới vãng sanh, tuy nhiên, khi họ phát tâm vãng sanh thì họ đã là danh tự Bồ Tát. Từ danh tự Bồ Tát đến thật tướng Bồ Tát cũng không xa. Hòa Thượng từng chỉ dạy rằng các vị danh tự Bồ Tát khi sắp lâm chung sẽ nhận được sự hỗ trợ của chính những người mà các danh tự Bồ Tát này đã từng giúp họ vãng sanh. Những người này sẽ giúp các vị danh tự Bồ Tát có được định tĩnh, chánh niệm niệm Phật.

Trong thời kỳ Mạt pháp nếu thiếu người phát tâm thay Phật để diễn giáo, vậy thì ai sẽ làm? Công tác giáo dục mà chúng ta đang làm bấy lâu nay, hiện giờ đã nhận được sự phản hồi tích cực. Đơn giản chỉ là một câu khẳng định: “Làm giáo dục đúng là cần thiết!” Giá như 10 năm trước mọi người không cho việc làm giáo dục là xen tạp mà bắt tay với chúng ta cùng làm thì chúng sanh được lợi lạc biết bao nhiêu.

Cho nên Hòa Thượng nói người phát tâm làm việc hoằng pháp lợi sanh chắc chắn phải nắm được phương hướng, phương pháp đạo lý rõ ràng để dẫn dắt người. Tịnh Độ thì dễ rồi! Chỉ cần khuyên bảo người ta niệm một câu A Di Đà Phật cầu vãng sanh thì nhất định không sai. Rất nhiều người muốn nghe nhưng không có người phát tâm đi làm. Những người đó tôi đã gặp nhiều trong cuộc đời. Họ có phước hơn tôi rất nhiều, họ vừa nghe liền tin, liền muốn thay đổi và thành tâm thành ý mà làm theo chứ không phải trải qua 10 năm như tôi.

Việc hoằng pháp lợi sanh không phải quá khó đến nỗi không làm được, quan trọng phải có người phát tâm. Phật nói lời chân thật vậy thì chúng ta hãy nói lời chân thật thì đó chính là Phật pháp. Ngày trước, có người bệnh nặng đã được Cư sĩ Lý Bỉnh Nam khuyên là hãy phát tâm giảng Kinh sẽ chuyển nghiệp. Chư Phật 10 phương đến thế gian này cũng giảng Kinh thuyết pháp cho tất cả chúng sanh do vậy, chúng ta hãy phát tâm hoằng pháp pháp lợi sanh, thay Phật mà làm.

Không nên lo sợ rằng chúng ta làm không được vì trong Kinh Hoa Nghiêm Phật nói rõ rằng mỗi chúng sanh đều có năng lực, trí tuệ, đức tướng của Như Lai và chỉ cần tâm thanh tịnh thì “trí tuệ vô sư trí” (trí tuệ không cần thầy) sẽ hiển lộ. Cho nên quan trọng là chúng ta phải phát tâm đủ lớn để làm.

Ngay một việc nhỏ như gói bánh hay làm kim chi, bằng sự sáng tạo của chính chúng ta cũng có thể làm lợi ích chúng sanh. Đi độ chúng sanh đâu phải cần việc gì lớn lao đâu. Chúng ta chỉ cần thật làm, nói những gì chúng ta đã làm là được. Thông qua lao động, như thái cải thảo, bào củ cải trắng, củ cải đỏ, gọt gừng một cách năng suất, chúng ta quán sát xem chúng ta có thể vọng tưởng được không? Nếu vọng tưởng liền bào vào tay ngay.

Cho nên tự hành giúp cho hóa tha, hóa tha giúp cho tự hành. Chúng ta làm và nói lại cho người, người ta làm được thì chứng tỏ những gì chúng ta đã nói, đã làm đều đúng, vậy thì mình phải làm tốt hơn nữa. Các vườn rau của chúng ta hiện rất tốt và các quản lý vườn rau đều luôn vui vẻ, sẵn sàng trồng thêm để có thể cung cấp cho nhiều người hơn. Đây chính là chân thật phát tâm nên làm không biết mệt mỏi! Cho nên nói việc mình đã làm và thật làm những gì mình đã nói thì đó chính là Phật pháp chân thật. Còn nếu chỉ nói trên trời dưới biển, nói những điều mà mình không hiểu, không làm được, vậy thì đó là tự gạt mình, gạt người ta.

Cho nên Hòa Thượng khẳng định người phát tâm vì người khác thì họ đã là danh tự Bồ Tát bởi họ đã có tâm rộng lớn, tâm nghĩ đến chúng sanh. Từ danh tự Bồ Tát tiến lên thật tướng Bồ Tát không phải là việc khó bởi chính trong tâm họ đã phát được tâm độ chúng sanh. Đó chính là tâm Phật. Phật hiệu có thể gián đoạn nhưng Phật tâm không được gián đoạn. Tâm nghĩ đến chúng sanh đã là tâm của Bồ Tát.