47Thứ Bảy, 04/01/2025, 21:33
135 · Phật Pháp Vấn Đáp - 135 _ 1

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Sáu, ngày 03/01/2025.

****************************

PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP

BÀI 135

Trong bài học hôm qua, Hòa Thượng nói: “Chúng ta phải quán sát xem chính mình là căn tánh gì”. Chúng ta căn tánh thượng, căn tánh trung hay căn tánh hạ? Hiện tại, chúng ta không phải người căn tánh thượng, cũng không phải căn tánh hạ. Người căn tánh thượng là “một nghe ngàn ngộ”. Họ nghe lời khải thị thì liền ngộ. Người căn tánh hạ, tuy họ không hiểu nhưng họ biết nghe lời. Hòa Thượng Đế Nhàn dạy học trò của mình là ông thợ vá nồi: “Ông niệm Phật mệt thì đi nghỉ, nghỉ khoẻ thì niệm tiếp, đói thì đi ăn, ăn xong thì niệm Phật”. Ông chân thật nghe lời và có thành tựu.

Chúng ta không phải người căn tánh thượng căn, cũng không phải người căn tánh hạ căn, căn tánh của chúng ta không cao cũng không thấp, chúng ta một nửa hiểu, một nửa không hiểu. Chúng ta giống như Hòa Thượng nói: “Tự dĩ vi thị”. Tự cho mình là đúng. Đa phần, mọi người làm theo lời dạy của Phật Bồ Tát ⅔ phần hoặc ½ phần, thậm chí, có người ngạo mạn, họ chỉ làm theo ¼ phần, phần còn lại làm theo ý mình. Một học sinh cấp 1, được cô giáo dặn là: “Con về xin Mẹ một tờ 20.000 đ”, khi người mẹ đưa con 2 tờ 10.000đ thì người con nói là: “Cô dặn là mang 1 tờ 20.000đ”. Đây là đứa trẻ biết chân thật nghe lời.

Các lò đậu, vườn rau của chúng ta mọi người vẫn chưa thống nhất cách làm, mỗi người có suy nghĩ, hiểu biết khác nhau nên họ làm theo cách riêng. Đây là chúng ta có “cái ta”. Có những người trồng một loại rau không có năng suất, thất bại nhiều lần nhưng họ vẫn tiếp tục trồng, đây là do chúng ta ngông cuồng. Mọi người đã trồng các loại rau có năng suất, chúng ta muốn làm cái khác biệt, chúng ta trồng rau thất bại thì sẽ không có đủ rau tặng mọi người, đây là chúng ta vì “cái ta” của mình mà đã gây tổn hại cho người. Nếu mỗi niệm chúng ta đều nghĩ đến việc phục vụ chúng sanh thì chúng ta sẽ làm việc đạt đến kết quả tốt nhất. Nếu chúng ta làm theo một quy trình thì mọi người sẽ làm giống nhau.

Chữ “y giáo phụng hành” không dễ làm, chúng ta có thể chỉ làm y theo ⅓, ⅔,⅗, ⅘ , thậm chí có người chỉ y theo 1/9, đây là họ chỉ y theo trên hình thức, nội dung bên trong thì họ làm theo cách của họ. Phần nhiều chúng ta “hữu khẩu vô tâm”. Chúng ta chỉ làm ở trên miệng, làm trên hình thức nhưng trong tâm chúng ta thì không. Chúng sinh ngày nay, họ cũng nhìn thấu chúng ta làm bằng tâm gì. Nhiều người không hiểu vì sao họ nói nhiều nhưng người nghe không có cảm xúc đây là vì họ không nói bằng tâm chân thành.

Hòa Thượng nhắc, chúng ta phải hiểu rõ căn tánh của mình và chúng ta phải chọn phương thức sống, tu tập, đối nhân xử thế tiếp vật. Chúng ta không tự lựa chọn thì chúng ta sẽ phải nghe theo sự an bài của người khác. Nếu chúng ta tu hành mà tâm cảnh của chúng ta không tốt hơn thì phương thức tu hành của chúng ta chưa phù hợp. Chúng ta thường không có sự kiên định, dễ dàng bị người khác ảnh hưởng, Chúng ta làm sai mà chúng ta không thừa nhận thì sau này, việc này sẽ ảnh hưởng đến công phu tu tập của chúng ta.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta phải dùng lý trí, không cảm tình làm việc”. Đa phần chúng ta cảm tình làm việc, thích nghe những lời tán tụng. Nhiều người thích nghe lời nịnh hót nên họ bỏ ra rất nhiều tài vật để làm những việc không mang lại lợi ích cho chúng sanh. Có người bỏ tiền ra để làm 2000 đĩa nhưng số đĩa này không sử dụng được, họ đã lãng phí lượng tài vật rất lớn. Có một nhóm thường phóng sinh với số lượng tôm cá rất lớn, nhưng khi có người mang tôm cá đến thì họ không kiểm tra số lượng đã đủ chưa mà trả tiền luôn. Đây là họ cảm tình dụng sự.

Có người hỏi Hòa Thượng: “Thưa Hòa Thượng, con học Phật pháp từ năm 1994, con nghe sư phụ giảng Kinh nên con phát nguyện “y giáo phụng hành” và cùng các đồng học có duyên cùng nhau học tập, cùng nhau làm việc vì chúng sanh, vì Phật pháp bằng một phần sức lực. Khi con tiếp xúc ngày càng rộng thì con nghe thấy một số lời phỉ báng, thị phi do những người trong nội bộ nói. Đối với những việc này thì con phải nên làm như thế nào?”.

Hòa Thượng nói: “Chỉ cần bạn phát tâm vì Phật pháp, vì chúng sanh làm là được. Những lời hủy báng, lời ong tiếng ve là điều nhất định không thể tránh. Khi chúng ta gặp phải những việc này thì chúng ta phải phản tỉnh, kiểm điểm, chúng ta có những lỗi lầm này không, nếu có thì chúng ta mau mau sửa, nếu không có thì đây là người khác nhắc nhở chúng ta để chúng ta không phạm phải”.