Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Ba, ngày 31/12/2024.
--------------------------------------------
PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP
BÀI 132
Người học Phật trước tiên phải có tâm bố thí. Phạm trù về bố thí có ý nghĩa rộng lớn thế nhưng người đem Phật pháp giảng giải đã không nói hết ý nghĩa này, chỉ nhắc đến bố thí tiền tài có được tiền tài; bố thí năng lực có được thông minh trí tuệ; bố thí vô úy thì được khỏe mạnh sống lâu. Rộng hơn thế, Phật muốn dạy chúng ta bố thí cả thân tâm thế giới này. Đó mới là cốt lõi của sự bố thí.
Mấy ngày nay tôi tiếp một đoàn khách trong đó có một họa sư người Hoa chuyên vẽ ngựa và viết thư pháp. Hôm qua, vị ấy đã truyền cho tôi cách bồi giấy xuyến chỉ vì cảm động trước sự miệt mài viết chữ của tôi. Vị người Hoa này đã nói rằng ngày xưa vị ấy đã phải hứa với Thầy của mình là không truyền lại việc này cho ai. Tôi nhận thấy rằng việc dạy cho người cách bồi giấy dễ hơn việc dạy cho người gói một chiếc bánh ú, thế mà người Thầy đó đã không cho phép học trò của mình truyền dạy cho ai.
Chính lòng ích kỷ của con người mà biết bao nhiêu tinh hoa văn hóa đã bị mai một, đã đi theo họ vào nấm mồ. Ban đầu tôi nghĩ việc bồi giấy phải có gì đó lớn lao lắm bởi người viết thư pháp mà không bồi được giấy thì bức viết đó vô giá trị. Biết viết thư pháp, biết bồi giấy thì bức thư pháp cua họ mới có giá trị và giữ được bền lâu.
Việc trước nhất, Phật dạy chúng ta phải biết bố thí, biết mở rộng tâm lượng, không giấu giếm bất cứ thứ gì. Phật pháp không có bí mật. Mật pháp không phải là bí mật mà là sự thâm sâu trong nghĩa lý Phật pháp, đòi hỏi người tu học phải có tâm chân thật đạt đến đỉnh cao thì mới hiểu được sự thâm sâu đó. Chúng ta hãy quán chiếu thì thấy tâm nhỏ hẹp, ích kỷ, “tự tư tự lợi” vẫn đang ngự trị trong chúng ta. Có thể những tập khí này đang chuyển đổi nhưng không phải mất đi mà đang trá hình lúc là hình thái này, lúc lại là hình thái khác.
Con người thường dành cả đời truy cầu danh lợi nên cả đời họ khổ sở. Nghề thư pháp, viết chữ, vẽ ngựa mà không biết cách bồi giấy thì không thể có một bức tranh hoàn hảo để bán lấy tiền. Người họa sư này đã rất vất vả khi không được học cách bồi giấy nên đã phải khổ sở truy cầu. Trong khi bản thân tôi không mong cầu thì lại được ông ấy truyền nghề cho tôi. Cũng như hôm trước, tôi từng kể về việc hai cô học mật pháp tốn rất nhiều tiền và trước khi đi nước ngoài đã muốn truyền mật pháp lại cho tôi. Tôi đã từ chối dù biết họ đã rất khổ sở cần cầu, mặt khác, học Phật pháp mà cứ nhắc đến tiền thì tôi thấy không ổn.
Câu hỏi đầu tiên trong bài học hôm nay, có người hỏi Hòa Thượng rằng: “Kính bạch Hòa Thượng, một người chưa khai ngộ có thể làm công tác phiên dịch từ Trung văn sang Anh văn được không?”
Hòa Thượng trả lời: “Làm công tác phiên dịch chưa khai ngộ cũng được. Khi Phật pháp truyền vào đất nước chúng ta, có rất nhiều người phiên dịch từ tiếng Phạn thành tiếng Trung văn chứ không phải chỉ có một người. Dịch trường là cơ cấu để làm công tác phiên dịch. Dịch trường của Ngài Cưu Ma La Thập có hơn 400 người. Dịch trường của Ngài Huyền Trang có hơn 600 người. Những người này đều ở trong biên chế.
“Nhiều người đến như vậy thì không phải người nào cũng khai ngộ! Có thể trong số đó, có một hoặc hai người khai ngộ. Người đã khai ngộ sẽ làm công tác ấn chứng. Ví dụ như Tâm Kinh do Đường Huyền Trang Pháp sư phiên dịch. Sự thật thì công tác phiên dịch tuyệt nhiên không phải do chính pháp sư làm. Người lấy tên bút danh chính là người có trách nhiệm với bản dịch. Cho nên trước khi bản phiên dịch đưa ra là đã trải qua sự thẩm định, mọi người đồng ý rồi thì mới dùng bút danh của một người chịu trách nhiệm chính để in ấn phát hành. Người chưa khai ngộ cũng có thể tham gia công tác này. Nếu đợi đến khi khai ngộ rồi mới làm thì Phật pháp sớm đã bị hủy diệt rồi, không chỉ là phiên dịch, người giảng Kinh cũng là như vậy.
“Vào thời xưa, người chưa khai ngộ thì không có năng lực giảng Kinh, cũng không dám bước lên giảng đài. Nếu dùng tiêu chuẩn này thì hiện tại sẽ không có người giảng. Năm xưa khi tôi chưa xuất gia, tôi tham gia lớp học giảng Kinh của Lão Cư sĩ Lý Bỉnh Nam. Trong nhóm học trò hơn 20 người, chỉ có một người học qua Đại học, hai đến ba người học Cao trung, còn sơ trung có bẩy đến tám người và tiểu học có 10 người. Sau khi trải qua sự rèn luyện của Lão Cư sĩ, mỗi người đều biết giảng Kinh, chẳng những chỉ giảng ở Đài Loan mà còn giảng ở các nơi.”