Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Ba, ngày 31/12/2024.
--------------------------------------------
PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP
BÀI 132
Công phu tu học Phật pháp của mỗi cá nhân nằm ở chỗ phải hàng phục được tập khí phiền não còn thần thông không giúp ích gì cho nghiệp lực của mỗi người tu hành. Mục Kiền Liên là đệ tử thần thông bậc nhất của Phật nhưng Ngài vẫn bị ngoại đạo lăn đá đè chết rồi băm thân của Ngài. Ngài đã thị hiện cho chúng sanh thấy rằng thần thông không liên quan đến nghiệp lực và nghiệp lực đến thì vẫn phải trả nghiệp.
Đức Phật đã cấm hàng đệ tử của mình dùng thần thông mà phải dùng đức hạnh tu hành để hoằng pháp lợi sanh. Người có thần thông, biết quá khứ hiện tại tương lai, có thể ẩn thân hoặc có thể bay nhưng tập khí phiền não còn y nguyên thì chẳng có ích gì trên con đường tu học. Việc khoe khoang thần thông chỉ là trò ma mị, làm chúng sanh kính sợ nhằm lôi kéo họ cúng dường, nhằm đạt mong cầu “danh vọng lợi dưỡng” hoặc nhằm tự xây dựng bá đồ cá nhân.
Cho nên nếu chúng ta thấy bất cứ ai biểu lộ, biểu diễn thần thông thì người đó không phải đệ tử Phật. Người đệ tử Phật luôn dùng đức hạnh của mình để nhiếp hóa chúng sanh chứ không dùng bất cứ trò ảo thuật nào. Diễn trò ảo diệu trước chúng sanh chỉ là những kẻ mong cầu còn người quân tử thì “thấy lợi không màng, thấy khó dân thân” hoặc luôn tâm niệm rằng “Nhân phi nghĩa bất giao, vật phi nghĩa bất thủ”. Nhận biết này sẽ giúp chúng ta không bị mắc lừa. Tuy nhiên, Hòa Thượng nói trừ những trường hợp đặc biệt vì muốn nhiếp hóa chúng sanh nào đó thì vẫn có thể dùng thần thông.
Trong Kinh Kim Cang Phật nói rằng “Nếu dùng sắc thấy ta, dùng âm thanh cầu ta, là người hành tà đạo, chẳng thể thấy Như Lai”. Vậy thì chúng ta đâu cần tìm cầu ở nơi nào? Chúng ta hãy tìm cầu ở chính mình, xem hằng ngày chúng ta có tâm Phật không? Tâm mình có “chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi” không? Khởi tâm động niệm của chúng ta “vì chúng sanh mà lo nghĩ” bao nhiêu phần hay vẫn “vì chính mình mà lo nghĩ”? Cho nên chúng ta đừng vội tin, vội nghe theo ai đó sau khi nghe họ nói một việc gì đó không có cơ sở, không đáng tin. Nếu lỡ đặt nhầm niềm tin thì có thể bị lừa cho chí mạng. Tài sản mất thì không sợ bằng thân mạng mất, thân mạng mất thì không sợ bằng huệ mạng mất đi.
Người đem cả cuộc đời tu hành để chứng minh sự thật thì chúng ta không tin nhưng thấy người khác chỉ diễn một vài trò hề thì chúng ta lại tin và còn cho rằng người có chút thần thông, chút cảm ứng, đang diễn trò kia đã chứng đạo. Cho nên Hòa Thượng nói: “Con người ngày nay thích nghe gạt không thích nghe khuyên”. Lời gạt, lời lừa dối luôn dễ nghe, êm tai nên con người muốn nghe, còn lời khuyên chân thành thì khó nghe, luôn khoét sâu vào tập khí phiền não của con người nên họ chẳng muốn nghe. Chứng đạo nơi nhà Phật phải đạt được tâm “chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi”, xa lìa “năm dục sáu trần”. Ngày nay, có những người theo đuổi những người có thần thông ra tận nước ngoài, họ đem tài vật theo để cúng dường, trong khi số tài vật ấy có thể giúp đỡ được nhiều người dân ở vùng sâu vùng xa còn nhiều yếu kém.
Câu hỏi đầu tiên trong bài học hôm nay, có người hỏi Hòa Thượng rằng: “Kính bạch Hòa Thượng, có một số người ngoại đạo thường hay đến niệm Phật đường, một số cư sĩ không cho họ bước vào Phật đường. Vậy phải nên làm thế nào ạ?”
Trên thực tế, có một số kẻ muốn đến niệm Phật đường để chiêu dụ Phật tử hoặc trà trộn vào hàng Phật tử để bán hàng đa cấp. Những người đó thường không tu.
Hòa Thượng trả lời: “Phải nên khuyến bảo họ trước. Nếu họ tuân thủ quy định của niệm Phật đường, tùy thuận đại chúng cùng nhau tu học thì chúng ta hoan nghênh họ đến. Phật, Bồ Tát phổ độ chúng sanh, chúng ta không cự tuyệt bất cứ ai. Năm xưa, người của 96 giáo phái khác nhau đã theo học với Thích Ca Mâu Ni Phật, nương vào Phật và coi Phật như một vị Thầy. Phật đều thâu nhận vào hàng đệ tử. Phật còn không cự tuyệt đối với ngoại đạo nên chúng ta cũng phải tuân theo, tuy nhiên, họ phải tuân thủ quy tắc, quy củ ở nơi đạo tràng tu tập.”
Hòa Thượng là tấm gương cho việc này, khi đến giảng đường Thiên Chúa Giáo thì Ngài ca ngợi sự giáng sanh của Chúa, tán thán tín đồ của Chúa, không nhắc đến Phật giáo, không tán thán Phật A Di Đà. Có một lần Pháp sư Diễn Bồi mời Hòa Thượng đến giảng đường của Pháp sư thì Hòa Thượng đã tán thán lão Hòa Thượng Diễn Bồi, tán thán pháp tu Tịnh Độ Di Lặc mà Pháp sư cùng các tín đồ đang tu học. Hòa Thượng không nhắc một chút nào đến Tịnh Độ Di Đà. Hiểu được như vậy mới có thể làm đạo ở thế gian này.