36Thứ Hai, 02/09/2024, 10:47
12 · Phật Pháp Vấn Đáp - 12

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng Chủ Nhật, ngày 01/09/2024.

-----------------------------------------------------------------

PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP

BÀI 12

Chúng ta biết rằng Phật pháp trọng thực chất chứ không trọng hình thức. Thực chất mới mang lại sự chuyển đổi ngay nơi người tu hành. Chuyển đổi là chuyển đổi tập khí phiền não của hành giả. Tuy nhiên ở thế gian, người ta lại quá xem trọng hình thức, chỉ cần ai đó có vẻ tu học là đã được xem trọng trong khi một bề ngoài tầm thường thì không được coi trọng.

Có người hỏi Hòa Thượng rằng cả đời người đó tu hành giữ giới mà không làm nghi thức thọ giới thì có được không? Theo Hòa Thượng, nghi thức chính là hình thức còn thực chất là việc giữ giới đúng quy củ chuẩn mực mà Phật đã yêu cầu. Nếu không có kiến thức từ bài học này, chúng ta rất dễ bị dao động khi ai đó hỏi chúng ta rằng đã Quy y Tam Bảo chưa? Đã có pháp danh chưa?

Người thế gian rất trọng hình thức nhưng người tu học Phật pháp thì phải ngược lại, coi trọng thực chất, không xem trọng hình thức. Thực chất chính là bất cứ việc gì chúng ta làm đều phải mang lại lợi ích cho chúng sanh và lợi ích đó phải ảnh hưởng về lâu, về dài. Xét cho cùng, việc làm thiết thực nhất đó chính là làm công tác giáo dục. Giáo dục Phật Đà, giáo dục Thánh Hiền là vô cùng quan trọng.

Giáo dục Thánh Hiền là để hoàn thiện nhân cách khi chúng ta sống ở thế gian. Giáo dục Phật Đà giúp chúng ta vượt thoát sinh tử luân hồi, ra khỏi tam giới. Tuy nhiên, có rất nhiều người có năng lực, có tài lực nhưng chỉ làm các việc lợi ích trước mắt, hoặc những việc được mọi người tán tụng mà những người đó không phải là những người có tâm nguyện lợi ích chúng sanh. Họ đã hoang phí rất nhiều tài lực và vật lực. Thậm chí một số công việc họ làm ra chẳng lợi ích cho ai, chỉ thỏa mãn “cái ta”.

Chúng ta cần phải biết tiếc những tài lực, vật lực, sức lực để tận dụng mọi nguồn lực đó làm các công việc chân thật lợi ích chúng sanh. Thánh Hiền thế gian và xuất thế gian không gì khác hơn là luôn nhắc nhở chúng ta rằng thúc đẩy giáo dục chính là công việc chân thật lợi ích chúng sanh. Chỉ có giáo dục của Phật Đà, giáo dục của Thánh Hiền mới có sức ảnh hưởng về lâu về dài, thiết thực đối với chúng sanh.

Phật dạy chúng ta rất chu đáo rằng từ bi phải có trí tuệ. Từ bi mà không có trí tuệ thì đa họa hại, nếu không có trí tuệ soi sáng thì việc làm của chúng ta chỉ là thỏa mãn “cái ta” mà thôi. Những việc làm tốn tài lực, tốn vật lực, sức lực thì phải chân thật lợi ích và lợi ích trong dài lâu cho chúng sanh chứ không phải là lợi ích ngay trước mắt. Việc lợi ích tạm thời trước mắt chúng ta vẫn làm nhưng chúng ta xem công việc đó chỉ là phương tiện.

Một số người tìm đến tôi nhưng tôi lại không tán tụng việc làm của họ bởi những việc làm đó không giúp chúng sanh có lợi ích trong lâu dài. Họ đã tiêu tiền quá uổng phí. Thay vì xây dựng trường học cho các con để thế hệ này tiếp nối thế hệ khác đều được đến trường, được học căn bản chuẩn mực làm người thì họ lại bỏ tiền ra để nuôi một con vật tốn đến nửa tỷ hay phóng sanh cả bầy heo, bầy gà ra ngoài tự nhiên mà những loài gia cầm quen được nuôi ăn, đến khi đói chúng lại quay về chuồng cũ.

Họ cho rằng việc làm giáo dục là xen tạp. Công tác này mang lại lợi ích thiết thực cụ thể cho chúng sanh thì họ không làm. Trong khi đó, Hòa Thượng chỉ dạy rằng Phật pháp trọng thực chất chứ không trọng hình thức. Thực chất là công việc đó phải giúp ích chúng sanh không chỉ ở đời hiện tại mà còn ở đời vị lai. Lợi ích đó không chỉ trước mắt mà còn lợi ích lâu dài. Người có thể nhìn nhận và thực hiện được điều này mới là người có tâm “vì chúng sanh mà lo nghĩ”.

Lợi ích trước mặt chúng ta vẫn làm nhưng chỉ là phương tiện mà làm. Tổ Ấn Quang xưa kia cả đời đề xướng việc in Kinh, in sách thiện và chuyên tu, chuyên hoằng Tịnh Độ. Tuy nhiên khi nghe nói ở đâu có thiên tai thì Ngài cũng trích một phần tiền in Kinh để hỗ trợ nơi bị thiên tai. Đó là việc làm lợi ích ngay trước mắt nhưng không phải là việc làm chính của Ngài.

Thế gian có câu: “Cho người ta con cá không bằng cho người ta cái cần câu”. Câu này có nghĩa là khi chúng ta giúp người là phải có kế sách để họ không chỉ thoát nghèo thoát khổ ngay hiện tại mà còn được giải thoát khỏi sinh tử luân hồi. Thoát nghèo thoát khổ hiện tại chẳng bằng thoát khỏi sinh tử luân hồi. Cho nên chúng ta phải phát được tâm lớn, nguyện lớn. Nguyện lớn không phải là chỉ giải quyết cơm áo gạo tiền hay giải quyết an vui hiện tại. Đó là những thứ nhỏ chứ không lớn. Nguyện lớn chính là làm sao có thể đưa được tất cả chúng sanh thoát khỏi sự ràng buộc của sanh tử.