3527/12/2024, 18:16 30/12/2024, 07:24
127 · Phật Pháp Vấn Đáp - 127 _ 1

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Năm, ngày 26/12/2024.

****************************

PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP

BÀI 127

Chúng ta sống ở thế gian, khi chúng ta trồng trọt, chúng ta không tránh được làm thương tổn những chúng sanh nhỏ bé. Nhiều người cho rằng nếu làm việc thì sẽ tổn hại chúng sanh nên họ không làm gì cả. Các đời Tổ Sư Đại Đức đều lao động, trồng trọt, thí dụ như Hoà Thượng Hải Hiền, Hòa Thượng Hư Vân. Hòa Thượng Hư Vân thường xây chùa, khai khẩn đất đai, sau khi xây dựng chùa xong thì Ngài giao cho người khác quản lý và Ngài đi nơi khác. Khi chúng ta lao động, chúng ta phải dùng tâm thương yêu, bảo hộ chúng sanh ở mức cao nhất. Thí dụ, khi chúng ta cuốc đất gặp tổ kiến thì chúng ta không cuốc ở vị trí đó nữa, hôm sau, chúng ta mới ra cuốc tiếp. Chúng ta nhìn thấy chúng sanh bị nạn thì chúng ta phải ra tay cứu giúp. Hòa Thượng từng nói: “Phật hiệu có thể gián đoạn nhưng Phật tâm không được gián đoạn”. Phật tâm của chúng ta phải luôn thường hằng.

Có người hỏi Hoà Thượng: “Thưa Hoà Thượng, khi tà sư ngoại đạo nói pháp, làm thế nào để khiến bốn chúng đệ tử ở các tầng không gian rời xa được ngoại đạo quay về với chánh tri, chánh kiến?”,

Tà sư ngoại đạo nói pháp ở thế gian thì chỉ người thế gian có thể nghe được. Chúng ta muốn mọi người rời xa ngoại đạo quay về với chánh pháp thì chính chúng ta phải nỗ lực, tinh tấn thực hành chánh pháp.

Hòa Thượng nói: “Phương pháp tốt nhất chính là đề xướng chánh pháp. Người xưa có câu nói: “Không sợ họ không biết hàng tốt chỉ sợ không có hàng tốt”.

Chúng ta không nói suông mà chúng ta thực tiễn những điều đã học vào trong đời sống. Chúng ta phải tích cực học tập đề xướng pháp của Hòa Thượng Tịnh Không. Trước đây, có người nói, Hòa Thượng Tịnh Không chỉ có pháp giải không có pháp hành. Chúng ta sẽ là người chứng minh cho họ thấy rằng pháp của Hòa Thượng là hành giải tương ưng, hành giúp cho giải và giải giúp cho hành. Chúng ta làm được thấu đáo thì chúng ta mới hiểu được thấu đáo, chúng ta càng hiểu thấu đáo thì việc làm của chúng ta càng tốt hơn.

Những năm đầu, khi chúng ta mới đề xướng pháp môn Tịnh Độ, chuẩn mực Thánh Hiền chúng ta đã gặp không ít khó khăn. Ngày trước, có một người mời tôi từ trong miền Nam ra ngoài Bắc chia sẻ, khi tôi chuẩn bị lên chia sẻ thì họ nói, tôi là cư sĩ nên tôi không được mặc áo tràng màu nâu. Sau đó, họ đưa cho tôi một chiếc áo tràng lam, chiếc áo đó dài qua đầu gối. Họ không cho những người đi theo tôi được quay phim, chụp ảnh buổi chia sẻ. Ở trong hoàn cảnh đó, tôi chỉ niệm Phật. Họ hỏi tôi hơn mười câu hỏi những câu hỏi này họ không cho tôi biết trước. Họ hỏi tôi: “Tại sao Thầy niệm Phật mà không niệm chữ “Nam Mô?”, “Tại sao Thầy chỉ tụng “Kinh Vô Lượng Thọ?”. Tôi trả lời được tất cả các câu hỏi, mọi người đều vỗ tay, hoan hỷ.

Một lần, tôi được mời đến Phú Thọ, tôi dậy từ 3 giờ sáng và di chuyển đến khoảng 8 giờ sáng mới tới nơi, khi đến nơi, có người hỏi tôi hôm nay, tôi sẽ giảng nội dung gì. Tôi ngạc nhiên, ngỡ ngàng không biết nên trả lời như thế nào, sau đó, tôi nói, con dịch đĩa của Hòa Thượng Tịnh Không nên con chỉ giảng về pháp môn Tịnh Độ. Họ gằn giọng hỏi tôi giảng đề tài gì, tôi chỉ được giảng trong một giờ vì buổi chiều họ bận họp. Tôi nói, tôi không chuẩn bị đề tài trước. Tâm tôi lúc này rất “ảo não”, nhưng khi đó, những lời của Hòa Thượng hiện ra trong đầu tôi, Hòa Thượng nói: “Chúng ta phải tạo ta hoàn cảnh, không để hoàn cảnh tạo ra chúng ta”. Sau khi nghĩ đến những lời của Hòa Thượng, tôi cảm thấy phấn chấn. Trong hội trường có hơn 1000 cụ đang ngồi rất trang nghiêm. Khi tôi đứng lên gần bục giảng, họ lại nói tôi một trận nữa, trước khi tôi lên nói, họ bảo một người rất trẻ giới thiệu về tôi một cách sơ sài. Trong lúc họ giới thiệu, tôi lạy Phật ba lạy, tôi lạy rất chậm, xá sâu, đây cũng là cách để tôi hướng dẫn các cụ cách lạy Phật. Hôm đó, tôi giảng đề tài: “Tu hành “tinh tấn” chứ không “tinh tướng”. Tôi rất cảm xúc khi Hòa Thượng nhắc: “Không sợ họ không biết hàng tốt chỉ sợ không có hàng tốt”.

Một lần, khi tôi giảng đi ở Nha Trang, các vị Hòa Thượng giới thiệu tôi lên giảng, Hòa Thượng Trí Viên nói với các Phật tử: “Mọi người nghe cư sĩ Vọng Tây chia sẻ để biết một người cư sĩ nên tu hành như thế nào!”. Có một vị Hòa Thượng ở Bình Thuận tướng người rất đẹp, quắc thước, sau khi tôi giảng xong, ông mời tôi vào phòng uống trà. Khi tôi đi giảng ở chùa Phước Linh, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Hòa Thượng trụ trì mời tôi vào phòng dùng cơm với Hòa Thượng. Có người nói, tôi chỉ là cư sĩ, tôi đã có vợ con đùm đuề thậm chí, có người cho rằng, tôi chỉ là người ăn bám, sống nương nhờ, khi đó, tôi chỉ tự nhắc nhở mình, phải cố gắng nỗ lực làm theo lời dạy của Hòa Thượng.