19Thứ Hai, 30/12/2024, 08:59
128 · Phật Pháp Vấn Đáp - 128 _ 1

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Sáu, ngày 27/12/2024.

****************************

PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP

BÀI 128

Trên Kinh Phật nói: “Thời kỳ Mạt pháp tà sư nói pháp nhiều như cát sông Hằng”. “Tà sư” là chỉ người hướng dẫn, dẫn đạo cho người khác. Một biển quảng cáo không phù hợp thuần phong mỹ tục thì đó cũng là tà sư. Nhiều người cho rằng mình tu chánh pháp, người khác tu tà pháp, đây là họ tự sinh ra tâm phân biệt chấp trước.

Hòa Thượng nói: “Chỉ sợ không có hàng tốt không sợ người khác không biết”. Chúng ta làm ra tấm gương, chuẩn mực tốt thì người khác sẽ học tập theo chúng ta. Để chuyển đổi hệ ý thức của con người thì chúng ta cần trải qua nhiều năm tháng, chúng ta nóng vội thì chúng ta đã sai.

Trước đây, tôi cũng là người nóng vội, làm việc gì tôi cũng mong muốn việc đó thành công. Hiện tại, tôi chỉ nỗ lực làm mà không mong cầu việc đó thành công hay không. Điều quan trọng là tôi đã dụng tâm, bền bỉ, kiên trì làm. Tôi phát tâm viết 1000 câu “Nam Mô A Di Đà Phật”, ngày nào tôi còn sống thì tôi đều làm. Nếu tôi sống hơn 1000 ngày thì tôi sẽ viết hơn 1000 câu. Chúng ta không cần lo nghĩ đến là một việc nào đó sẽ thành công hay thất bại mà quan trọng là chúng ta phải bắt đầu làm và làm với tâm bền bỉ.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta nhất định phải tôn trọng tín ngưỡng của quần chúng. Họ tín ngưỡng tôn giáo nào chúng ta đều phải khích lệ, hoan hỷ, tán thán, chúng ta nhất định không được nói tôn giáo nào đó là không tốt hay bảo họ phải tin tôn giáo nào. Chúng ta không nên lôi kéo tín đồ, chúng ta cũng không được thể hiện ám thị rằng tôn giáo của họ là không tốt, nếu chúng ta làm như vậy thì nhất định tạo ra sự bất hoà, xung đột. Chúng ta làm được việc này thì xã hội an hoà, mọi người có thể hoà thuận ở với nhau”.

Hòa Thượng nói: “Khi Hòa Thượng ở Singapore, Ngài mời các tôn giáo khác đến để giảng, các tôn giáo đó cũng mời Hòa Thượng đến giảng đạo. Các tôn giáo giao lưu, giúp đỡ lẫn nhau. Chúng ta tuyệt đối không được tự khen mình mà chê người. Tội tự khen mình chê người là trọng giới của Bồ Tát Giới, chúng ta nhất định phải hạ mình tôn người. Chúng ta tự hạ mình tôn người, đôi bên khiêm nhường, kính trọng lẫn nhau thì thế giới sẽ tốt đẹp biết bao!Đây là mục tiêu chân thật cao cả của giáo học của nhà Phật”.

Phật pháp đến thế gian để làm thế gian tốt đẹp hơn, không chướng ngại, tổn hại thế gian. Hòa Thượng từng kể, khi Hòa Thượng đến Úc Châu, mọi người trong đạo tràng mua lại một Thánh đường nhỏ, mọi người vẫn giữ nguyên cây Thánh gia, kính pha lê, tượng đức Mẹ Maria; Trong ngày giáng sinh mọi người treo đèn, kết hoa rất trang trọng. Khi một số người quanh đó thắc mắc thì Hòa Thượng nói: “Chúng tôi đến đây để làm đẹp hơn những gì đã có, không thay đổi”. Từ cái cũ mà chúng ta làm cho nó đẹp hơn đây là đỉnh cao giáo học của nhà Phật.

Có người hỏi Hòa Thượng: “Thưa Hòa Thượng, làm thế nào để phòng bị, trừ bỏ được tâm cống cao ngã mạn?”.

Hòa Thượng nói: “Vấn đề này rất thiết thực, cống cao ngã mạn đích thực là đại chướng ngại đối với việc chúng ta tu hành”.

Chúng ta thấy mình hơn người khác thì chúng ta sẽ không bao giờ chịu tiếp nhận lời dạy của người khác, không triệt để “y giáo phụng hành” theo lời dạy của Phật Bồ Tát, của Thánh Hiền. Chúng ta cho rằng cái thấy của mình là đúng thì đó là chúng ta đã “cống cao ngã mạn”. Nếu chúng ta biết giáo huấn của Phật Bồ Tát, của Thánh Hiền là chân lý thì chúng ta phải tuyệt đối “y giáo phụng hành”. Lời dạy của các Ngài đã được thời gian, không gian minh chứng, rất nhiều người tu hành đã có thành tựu, chúng ta không cần phải tư duy, lựa chọn.

Hòa Thượng nói: “Ngã mạn là núi cao, núi cao này rất không dễ dàng vượt qua. Phật dùng phương pháp gì để đối trị? Chính là dùng phương pháp lễ kính. Chúng ta nhìn thấy tượng Phật Bồ Tát phải đảnh lễ ba lạy, dùng đỉnh đầu cao quý của mình mà cúi gập xuống để thỉnh lễ đối với Phật Bồ Tát. Đây chính là cách chúng ta hàng phục tâm ngã mạn của chúng ta”.

Chúng ta lễ tượng Phật Bồ Tát cũng không thể hàng phục được tâm ngã mạn của chúng ta, chúng ta phải lễ kính với tất cả mọi người thì tâm cống cao ngã mạn của chúng ta mới có thể hạ xuống. Bồ Tát Thường Bất Khinh gặp ai Ngài cũng lạy và nói: “Tôi xin kính lạy quý Ngài vì quý Ngài sẽ thành Phật!”. Khi bị người khác đá thì Ngài chạy ra phía xa, lạy và nói: “Tôi xin kính lạy quý Ngài vì quý Ngài sẽ thành Phật!”. Khi họ lấy đá ném thì Ngài chạy ra xa, lạy và nói: “Tôi xin kính lạy quý Ngài vì quý Ngài sẽ thành Phật!”.