25Thứ Tư, 25/12/2024, 17:38
126 · Phật Pháp Vấn Đáp - 126 _ 1 126 · Phật Pháp Vấn Đáp - 126 _ 2

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Tư, ngày 25/12/2024.

--------------------------------------------

PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP

BÀI 126

Khi chúng ta thật nghe lời, thật làm thì mới có thể xây dựng được niềm tin đối với Phật pháp, đối với chuẩn mực Thánh Hiền. Nếu ai đó ban cho chúng ta niềm tin thì niềm tin đó cũng không bền chắc. Cho dù Phật hay Thánh Hiền có mặt ở thế gian thì chưa chắc nhiều người có được niềm tin. Hòa Thượng từng chỉ dạy rằng khi Phật còn tại thế, chỉ có một phần ba người của thành Ca Tỳ La Vệ gặp được Phật; một phần ba, nghe là có Phật; và một phần ba, không biết có Phật. Trong số người gặp được Phật, có mấy người tin theo Phật, thậm chí lục quần tỳ kheo là đệ tử Phật xuất gia mà cũng thường không nghe lời Phật.

Cho nên niềm tin đối với Phật Bồ Tát Thánh Hiền là phải thông qua việc thật học, thật thực hành, thật thực tiễn vào đời sống thường ngày, lúc này chúng ta mới có thể lĩnh hội được lời của Phật Bồ Tát Thánh Hiền đã dạy. Càng làm thì càng tin, càng tin thì lại càng làm, niềm tin dựa trên sự thực hành mới vững chắc, mới không bị lay chuyển. Chúng ta có thể cảm nhận điều này thông qua việc bố thí. Chúng ta càng bố thí, càng cho đi thì càng thấy vui. Ngược lại, chúng ta càng bỏn xẻn, ích kỷ, nghĩ cho riêng mình thì càng thấy không vui.

Một số người vừa thấy người ta triển khai một chút thần thông thì tin ngay. Chúng ta phải xem xem người này có phải là người tu hành chân thật không? Trước tiên hãy nhìn vào việc họ có viễn ly chốn phồn hoa hay không, rồi tính đến mọi khởi tâm động niệm của họ có vì lợi ích của chúng sanh hay không? Nếu là một người đắc đạo, chứng đạo đúng nghĩa theo Phật pháp Đại thừa luôn luôn ở trong chúng sanh đau khổ để giúp chúng sanh thoát khổ chứ không phải chỉ độ hay thân cận người nhà giàu có tiền.

Bao đời Tổ sư đại đức đều sống trong cảnh bần hàn. Lục Tổ Huệ Năng là một tiều phu đốn củi, đổi củi lấy gạo qua ngày hay người gần với đời chúng ta là Hòa Thượng Hải Hiền là một lão nông, suốt ngày làm việc. Hòa Thượng Tịnh Không xuất thân từ một gia đình bần hàn, khi nhỏ ở với gia đình một tháng mới có cơ hội ăn thịt một lần. Sau này Hòa Thượng lưu lạc tha phương cũng không có tiền trong tay.

Muốn xây dựng niềm tin với Phật thì nghe lời, thật làm. Muốn xây dựng niềm tin với Thánh Hiền thì đem giáo huấn của các Ngài thực tiễn ngay trong đời sống thường ngày. Một bậc quân tử thì “thấy lợi không màng, thấy khó dẫn thân”, khởi tâm động niệm luôn vì người khác mà lo nghĩ, chứ không phải vì cá nhân mình mà lo nghĩ. Chúng ta là người học Phật mà có biểu hiện thấy lợi thì chen chân vào, thấy khó thì rút lui, vậy thì lúc nào chúng ta mới có tâm của Phật.

Câu hỏi thứ nhất trong bài học hôm nay, có người hỏi Hòa Thượng rằng: “Kính bạch Hòa Thượng, đệ tử mỗi ngày sớm tối đọc tụng Kinh A Di Đà, vậy đệ tử có thể mang bát nhang của tổ tiên thờ chung trong Phật đường để mời tổ tiên về nghe Kinh được không ạ?

Hòa Thượng trả lời: “Phật nói ra Tam tạng Kinh điển và chưa có một vị giáo chủ nào nói ra số lượng giáo lý nhiều như Phật. Nếu gộp chung lại mà nói thì chỉ có một chữ, là chữ Hiếu, tròn đầy hết tất cả. Ngay giữa nhà thì cúng Phật và bên cạnh chúng ta cúng bài vị (bát nhang) tổ tiên.

 Chúng ta thực hành hiếu thuận mới chân thật là người học Phật. Trong Đệ Tử Quy có dạy “Cha Mẹ ghét, hiếu mới tốt.” Người thế gian không có tâm bình đẳng là việc bình thường, Cha mẹ là một phàm phu, có thể có tâm này, chúng ta làm con thì cứ tròn bổn phận. Nếu chúng ta chỉ hiếu với cha mẹ hiện đời thì những cha mẹ đời quá khứ của mình, cũng đã rất yêu thương chúng ta, chúng ta lại bỏ qua hay sao?

Trong Hiếu Kinh từng nói: “Tất cả thân nam nhân là cha ta ở quá khứ là vị Phật ở tương lai, tất cả thân nữ nhân là mẹ ta ở quá khứ là vị Phật ở tương lai.” Tâm hiếu của chúng ta phải thường hằng, không chỉ với cha mẹ mình mà còn mở rộng đến với tất cả chúng sanh, đó mới là tâm hiếu Đại Thừa. Chữ hiếu rất rộng lớn, không có biên giới! Hiếu với Chư Phật, hiếu với cha mẹ, hiếu với tất cả chúng sanh. Chúng ta dùng tâm hiếu đó để thực hành giáo huấn của Phật Bồ Tát Thánh Hiền.

Cha mẹ không thể bằng được Phật thì bát hương thờ tổ tiên, chúng ta đặt bên cạnh và thấp hơn bát hương Phật một chút. Tổ tiên và cha mẹ đều kính Phật nên không nên để chính giữa. Buổi sáng, thường tôi dâng một chút thức ăn lên để kính mời bách gia trăm họ, cửu huyền thất tổ hai bên về hưởng thụ trước. Cho nên những gì thuộc về hiếu đạo đều là tinh thần của nhà Phật. Nếu nơi nào đó, ai đó dạy chúng ta mà không thực hành hiếu đạo, làm sai với hiếu hạnh, với lễ kính hay không thờ cúng tổ tiên, liệng bát hương ra sông thì chúng ta phải mau mau viễn ly.