Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Ba, ngày 24/12/2024.
--------------------------------------------
PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP
BÀI 125
Phật pháp là lý sự viên dung, tình và lý cũng rất viên mãn. Phật bảo chúng ta buông xả là buông trên tâm chứ không buông trên sự. Nếu buông trên sự mà trên tâm vướng mắc thì sự buông xả đó chỉ ở bề ngoài, không giúp gì cho sự giải thoát của chúng ta. Do đó, có nhiều người thiên về sự nhưng bỏ lý hoặc thiên về lý nhưng bỏ sự.
Trong thực tế cuộc sống, có trường hợp chỉ biết niệm Phật còn khi đối diện với một số chuyện nho nhỏ thì không biết xử lý. Hòa Thượng chỉ dạy rằng: “Bạn nói bạn độ chúng sanh mà ngay đến cơm bạn không biết nấu, vậy thì bạn độ ai?” Đây là mức thấp nhất là nấu nồi cơm. Ngày xưa khi nấu cơm bếp củi phải tạo được ngọn lửa cháy đều, không làm cháy cơm hoặc cơm bị sống hay gây nhão cơm. Có rất nhiều người nấu cơm trên sống, dưới khê, ở giữa thì nhão.
Muốn độ chúng sanh thì gần như mọi phương diện chúng ta phải là hình mẫu. Có như vậy thì chúng sanh mới tâm phục khẩu phục. Những chúng sanh vừa thấy hình tướng một ai đó, nghe người ta nói một chút mà liền tin theo ngay thì sự tin tưởng đó không chắc chắn, không sớm thì muộn, niềm tin đó cũng tan vỡ.
Có những người dạy người khác sai lầm như là dạy người chỉ lo tu tập, không cần làm gì, hoặc là dạy người chỉ lo tu phước. Xét cho kỹ, người tu huệ thì lại nhếch nhác việc tu phước. Họ chỉ quanh quẩn an thân trong đạo tràng tu tập và không muốn đi đây đi đó, làm những việc thiết thực giúp ích chúng sanh. Còn người tu phước lại lười tu huệ. Chúng ta không xem nhẹ việc tu phước và tu huệ. Chúng ta hãy quán chiếu để biết chúng ta có chểnh mảng một trong hai việc này không? Nếu chúng ta cho rằng mình rất tinh tấn có nghĩa là mọi việc, mọi sự, mọi phương diện đều phải tinh tấn. Nếu chúng ta chỉ tinh tấn một việc, còn các việc khác thì không thể tinh tấn được, thì chúng ta chưa phải là tinh tấn.
Phật pháp là phước huệ song tu. Phật được tôn xưng là đấng lưỡng túc tôn, là đấng phước huệ vẹn toàn. Không có vị Phật nào kém khuyết một phương diện như huệ nhiều mà phước ít hay phước nhiều mà huệ kém, Phật đều là phước huệ viên mãn.
Người tu hành Đại thừa không tạo phước thông thường, Tổ sư Tịnh Độ dạy chúng ta phải tu “Tịnh Nghiệp” vì thiện nghiệp và ác nghiệp vẫn là trong đối đãi, tạo ác đi vào cõi ác còn tu thiện thì vào cõi thiện hưởng phước. Đời nay tu thiện, đời sau hưởng phước, đời sau nữa thì đọa lạc. Cho nên việc tu thiện của chúng ta không phải để hưởng phước mà là để tích công bồi đức cho tất cả chúng sanh thọ hưởng.
Chúng ta có phước không phải để mình thọ hưởng mà là để cho nhiều người được hưởng. Càng nhiều người được hưởng thì càng nhiều người được gieo duyên lành với Phật pháp, sau này, họ mới được giải thoát. Nếu làm việc thiện để mong họ báo ân hay đền trả cho chúng ta thì là sai rồi. Hòa Thượng nói: “Việc tốt cần làm nên làm không công không đức”.
Ai ai cũng tích cực “Tu phước, tích phước, tiết phước” thì chúng sanh ở thế gian sẽ bớt khổ đau, nhân gian sẽ tốt đẹp hơn. Chỉ cần một người tận tâm tận lực vì người khác thì nhiều người sẽ được hưởng phước. Nếu mỗi người học Phật đều tận tâm tận lực vì người khác thì thế giới này nếu chẳng phải là Cực Lạc thì cũng là cũng là thiên đường.
Chúng ta hãy cố gắng tiết phước, đừng nên lãng phí tài vật. Những tài vật dư ra có thể làm được rất nhiều việc. Tiền tài vật chất một khi đến tay chúng ta sẽ là công cụ hữu ích cho mọi người. Mùa xuân chưa đến nhưng chúng ta đã khởi động mùa xuân. Thực ra, ngày nào với chúng ta cũng là mùa xuân vì ngày nào chúng ta cũng có quà tặng và mọi người đều được nhận quà nên ai cũng hoan hỉ.
Mỗi người học Phật đều nên khởi tâm rộng lớn, chính thân mình tích đức hành thiện, luôn “tu phước, tích phước, tiết phước”, có chút dư ra thì giúp ích cho mọi người. Khi chúng ta giúp ích cho ai đó hay từ bi, yêu thương với mọi người thì chúng ta phải quán sát nội tâm mình rằng chúng ta giúp người có với tâm phân biệt chấp trước hay không và chúng ta yêu thương người có phải để lợi dụng họ hay không? Nếu phân biệt chấp trước hay có tâm lợi dụng thì việc làm của chúng ta không “chí công vô tư”, không phải tinh thần của nhà Phật.